Người “mắc nợ” với đá

Chủ Nhật, 05/08/2012, 12:09
Không tự nhận mình là đại gia trong làng chơi đá ở Việt Nam nhưng khó có ai có thể sánh được với ông với số lượng đá ông sưu tầm được. Suốt 73 năm qua, bén duyên với đá, ông đã có trong tay hơn một nghìn viên đá tự nhiên lớn nhỏ có những giá trị rất lớn. Ngôi nhà 5 tầng ở Vĩnh Hồ, Đống Đa, Hà Nội của ông Nguyễn Văn Mỹ đâu đâu cũng có sự hiện diện của đá.

Dành “tình yêu” cả đời cho đá

Đi đến ngõ Vĩnh Hồ, ba ngôi nhà 5 tầng đầu ngõ hiện ra sát nhau, chúng tôi không khó để tìm được nhà ông, vì theo lời người dân ở đây nói “nhà ông “Mỹ đá” có đá dát từ cổng dát vào”. Đứng ngay từ cổng gọi ông, chúng tôi đã không khỏi ngỡ ngàng vì từ chiếc sân nhỏ, hiên nhà đến ban công các tầng đều là chỗ để đá. Từ những viên đá mang dáng rồng, phượng, những con giống hay phong cảnh… đều từ bàn tay của tự nhiên chế tác nên.

Ngồi ở chiếc bàn uống nước nhỏ lọt thỏm giữa những khối đá nhiều hình thù, ông mời chúng tôi cốc chè hoa nhài rồi chậm rãi kể về cái duyên với đá của ông: “Từ năm 10 tuổi, tôi theo cha mẹ đi buôn các dụng cụ gia đình bằng đá, như cối giã cua, giã gạo… đi khắp các nơi như Móng Cái (Quảng Ninh), Tràng Kênh (Hải Phòng), Thanh Hóa, Nghệ An rồi từ đấy tôi ham thích sưu tầm đá lúc nào không biết. Cứ thấy nơi nào có nhiều đá tôi đến tìm hiểu, nhặt nhạnh những viên đá kỳ lạ. Rồi khi biết được đặc tính của từng loại đá tôi lại càng đam mê hơn”.

Theo ông Mỹ, trên thế giới có ba cách chơi đá phổ biến. Loại nhiều người chơi và dễ nhất hiện nay là loại đá điêu khắc. Thường là các loại đá chơi phong thủy, các loại đá mềm rồi điêu khắc mọi hình tượng. Loại thứ hai chơi đá đã được bóc tách vỏ bên ngoài rồi đánh bóng lên, người ta gọi là kiểu chơi Besiki. Còn loại ít người chơi nhất là Suseki, phổ biến ở nước Nhật Bản, các loại đá được “trọng dụng” ở kiểu chơi này là đá hoàn toàn tự nhiên, nguyên bản, được bàn tay của thiên nhiên làm nên qua thời gian. Cái khó của kiểu chơi Suseki là loại đá hiếm và hình dáng đá độc nhất vô nhị nên số lượng người chơi cũng kén.

Ông Nguyễn Văn Mỹ và viên đá hóa thạch hình con cua, ông sưu tầm từ đất nước Ai Cập.

Ông Mỹ cho biết: “Phần lớn những viên đá tôi có được là do may mắn, có lẽ tôi là người có duyên với đá”. Chỉ tay vào khối đá ngay gần bàn uống nước, đó là khối “Kỳ sơn thạch”, ông Mỹ nói: “Nhiều người đến đây chơi với tôi là để chiêm ngưỡng những tác phẩm đá độc nhất này, nhiều người hỏi mua lại, nhưng với tôi, đá là bạn là một phần cuộc sống, nó là vô giá nên tôi không bán”.

Ông cười rồi kể về cái duyên của ông với khối đá này: “Một lần đi vào Tây Nguyên mua thuốc lá, tôi chờ ông lang bốc thuốc rồi lang thang sang nhà hàng xóm gần đó chơi. Ra bể nước múc nước rửa mặt, tôi thấy một khối đá sần sùi được kê vại nước gần đó. Nhìn mê quá, tôi hỏi mua ngay. Với con mắt của người không chơi đá thì họ coi đó là khối đá vô tri, nhưng với tôi nó là một món quà tuyệt vời của thiên nhiên. Đồng ý giá cả với gia chủ, tôi mang về ngay Hà Nội rồi bỏ quên cả thuốc không lấy, sợ người ta đổi ý không bán nữa”.

Khối “Kỳ sơn thạch” của ông quả là một kiệt tác, Ông bảo chất liệu đá là từ nham thạch của núi lửa phun trào và bám trên đá. Với tầng tầng lớp lớp những hình uốn lượn với nhau nhìn như vảy cá, hình thác nước chảy. Nếu nhìn kỹ thì trên đó có hình những con trâu, con thiên nga, tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt mỹ.

Dẫn chúng tôi đi khắp các tầng của ngôi nhà, mỗi phòng của ông là một gian trưng bày đặc biệt. Mỗi một tầng các viên đá cùng loại, cùng chất liệu được xếp với nhau gọn gàng và trang trọng. Đặc biệt khu phòng ngủ của ông khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Ngoài chiếc bàn uống nước, chiếc tivi và một chiếc chiếu trúc, không gian còn lại nhường cho đá và những hóa thạch. Trong bộ sưu tầm của ông còn có những hóa thạch động vật, thực vật hàng nghìn năm trên đá với những hình thù như con cua, con ốc, lá cây mang từ nhiều nước trên thế giới như Ai Cập, Đức, Nga…

Điều kì diệu của đá

Có lẽ điều kỳ diệu nhất của đá đem lại cho ông Mỹ đó chính là sức khỏe. Chơi đá hơn 70 năm, năm nay đã hơn 80 tuổi ông vẫn tinh nhanh. Ông cười bảo: “Tôi với vợ sống trong căn nhà chất đầy đá này đã gần 70 năm, mà chưa một lần phải đi viện, sức khỏe dẻo dai, tôi đọc hay viết báo chưa cần phải đeo kính”. Nghiên cứu đá gần cả cuộc đời mình nhưng ông vẫn không lí giải được, hay khoa học vẫn chưa chứng minh được nhưng với ông Mỹ, có lẽ người dành tình yêu cho đá nhiều nên đá cũng không phụ lòng ông.

Trước khi tôi rời nhà ông, ông Mỹ có tặng tôi một viên đá thạch anh phù dung, ông bảo để viên đá này gần tivi thì sóng điện của tivi sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Nếu những đêm mất ngủ, lấy viên đá ra nắm trong tay và xoay xoay thì sẽ có giấc ngủ ngon.

Lý giải cho sự kì diệu đó, ông phân giải: “Trên thế giới này có gì thì trong đá sẽ có cái đó. Đá được tạo ra từ tự nhiên là đã trải qua nhiều năm tồn tại với thiên nhiên, nó hội tụ được những tinh hoa của đất trời. Sống chung với đá, linh khí đó sẽ toát ra, con người hấp thụ vào sẽ khỏe mạnh, hợp mệnh, hợp phong thủy gia đình sẽ hạnh phúc, đầm ấm, may mắn…”.

Tính đến nay ông đã để lại dấu chân ở 63 tỉnh, thành cả nước. chu du qua 40 nước trên thế giới để nghiên cứu, sưu tầm những viên đá lạ. Ông Mỹ cho biết, chơi đá không nên tùy tiện, người mệnh nào chơi đá mệnh đó. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại đá giả có độ âm tính cao, nếu không biết dùng sẽ rất hại sức khỏe

Thanh Hòa
.
.
.