Người khôi phục Mạc trà huyền thoại

Thứ Bảy, 29/10/2011, 23:29
Chắc không phải chỉ vì hai câu thơ trong cuốn Vũ trung tùy bút của bậc túc nho Nguyễn Dữ "Cao Tuyên thảo địa linh/ Mạc Trà cung đình ẩm" mà anh Cao Văn Tuấn (đường Văn Cao, Hải Phòng) dốc hết tâm huyết truy tìm bí kíp để khôi phục Mạc trà. Chính thứ trà thơm ngát, nước xanh, vị đượm gắn với những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại về hào khí, võ công oai hùng của Mạc Đăng Dung đã thôi thúc anh.

Anh Cao Văn Tuấn bảo: "Tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của Mạc Đăng Dung, tôi thấy hai vật luôn gắn liền với vị vua đầu triều Mạc này là thanh long đao nặng 32kg, và loại trà gọi là Mạc trà. Thanh long đao đã được tìm thấy, hiện tôi đang gìn giữ bảo quản cẩn trọng, nhưng Mạc trà là loại trà như thế nào, có xuất xứ, công dụng, sự khác biệt gì so với các loại trà khác thì không thấy sách nào ghi cụ thể.

Câu thơ nêu trên của Nguyễn Dữ, người sau này được ban quốc tính là Mạc Trí Hiền, là minh chứng cho sự có thực của loại trà này. Tìm hiểu thêm, tôi được biết Mạc trà là loại trà san tuyết được chế biến công phu từ những cây trà cổ thụ trên núi cao của vùng Đông Bắc nước ta, đặc biệt là xung quanh ngọn Tây Côn Lĩnh, nơi từng là vùng đất của Vương triều Mạc".

Sinh ra trong một gia đình viên chức nghèo, từ bé Cao Văn Tuấn đã bộc lộ tư chất thông minh, hiếu động và thích làm bằng được những điều mình mơ ước. Từng lênh đênh trên biển Quảng Ninh làm ngư dân kiếm tiền nuôi vợ con, rồi lang thang lao động tự do ở Hà Nội… giấc mơ hải hồ cho Cao Văn Tuấn gặp nhiều kỳ ngộ.

Một lần lang thang ở phố Thuốc Bắc, ngang qua ngôi nhà số 87, Tuấn ngơ ngẩn với những bức tranh do một họa sĩ già đang thả hồn vào tấm lụa, dù anh thừa nhận hoa tay nghề vẽ mình không có. Mê tranh quá, nhưng không có tiền mua, Tuấn bèn nhảy tàu ngược về quê, ngỗ ngược đem chiếc xe đạp Phượng hoàng của cha đi "hóa giá" lấy 360 đồng, trở về Hà Nội mua bốn bức tranh của họa sĩ già ấy. Họa sĩ đó chính là Bùi Xuân Phái, người cầm cọ nức tiếng Hà Thành, sinh thời vì nghèo túng nên lấy việc vẽ tranh kiếm sống.

Qua lại xem danh họa vẽ nhiều, biết tính ông Phái khí khái, không coi tiền là trọng, nhưng lại mê cà phê, nên Tuấn thường lựa dịp mời ông đi uống. Thấy hợp người thanh niên nghèo, không biết vẽ nhưng trân trọng mình, nhiều lúc danh họa Bùi Xuân Phái và đồng nghiệp còn bán rẻ như cho những bức họa của mình cho Tuấn, để sau mấy năm trời, Cao Văn Tuấn đã có 16 bức họa của ông, cùng hơn 100 bức tranh của những họa sĩ danh tiếng khác như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Nguyễn Hà, Lê Đại, Đoàn Lê, Đặng Tiến... Hiện nay, anh đã thành người sở hữu tranh ảnh cổ vật có hạng.

Những tưởng thú sưu tập tranh sẽ thành nghiệp, nhưng bất ngờ Cao Văn Tuấn lại dốc tâm huyết vào một đam mê khác, trở thành người nông dân miền Bắc nuôi cá sấu. Từ một chuyến vào Nam chơi hơn 10 năm trước, được thấy cá sấu, rồi được nhấm nháp thịt loài thú "đẹp dữ dằn" này, Cao Văn Tuấn đâm ra mê mẩn. Anh quyết định mua cá sấu về nuôi thử, dù đã nhận được cảnh báo rằng con cá sấu không phù hợp với khí hậu miền Bắc, có thể sẽ chết khi gió mùa đông bắc tràn về. Quả nhiên, mùa đông ấy Tuấn suýt sạt nghiệp vì cá sấu. Nhưng quyết tâm làm một điều gì đó lạ thường, khiến anh lăn vào tìm hiểu, nghiên cứu cá sấu và nghề nuôi cá sấu ở nhiều nơi, nhất là từ các mô hình nuôi cá sấu thành công ở các nước Đông Nam Á. Không phụ người tâm huyết, hiện nay, Cao Văn Tuấn được giới nuôi cá sấu xưng tụng là "Vua cá sấu" với những thành công kinh ngạc.

"Vua cá sấu" Cao Văn Tuấn..

Vậy nên chuyện Cao Văn Tuấn bỗng công bố sẽ sớm cho ra mắt loại Mạc trà huyền thoại, dẫu khiến mọi người hơi ngỡ ngàng, nhưng cũng không lấy làm quá lạ. Rồi khi được biết, trong số những người cố vấn cho Tuấn làm Mạc trà có cả Giáo sư Vũ Khiêu, nhà sử học Dương Trung Quốc… người quen cũng yên tâm hơn.

Anh Cao Văn Tuấn cho biết thêm: "Mạc trà phải được hái từ những cây chè cổ thụ có tuổi đời ít nhất là 100 năm, mọc trên núi đá cao khoảng từ 1.300m so với mực nước biển trở lên, nơi khí hậu quanh năm mát mẻ, thỉnh thoảng có tuyết rơi và quanh năm mây phủ. Loại trà này thường chỉ cho búp vào mùa xuân và mùa thu, lượng búp chắt chiu từ tấm thân cổ thụ nên rất hạn chế, nhưng cho nước xanh, hương thơm, vị đượm.

Bí quyết quan trọng nhất, cũng là độc đáo nhất của Mạc trà chính là thời điểm hái trà. Mạc trà phải được hái khi búp trà đang uống trăng, tức là hái vào đêm trăng, khi mây mù không bao phủ toàn bộ dãy Tây Côn Lĩnh, và chỉ trong khoảng chừng nửa tháng thượng tuần trăng. Búp chè ngon chính là sau khi sao tẩm có lớp tuyết mỏng, khi pha trà có màu vàng trăng, lấm chấm những hạt tuyết nhỏ".

Nhiều năm qua, anh Cao Văn Tuấn đã rong ruổi khắp Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên rồi đến các quốc gia nổi danh về trà ở châu Á để âm thầm chuẩn bị cho việc khôi phục bí kíp của Mạc trà, tương truyền trước khi băng hà, Mạc Đăng Dung còn truyền gọi một chén trà ngon.

Hiện, Mạc trà của Cao Văn Tuấn nổi danh trong giới ẩm thực với các loại là: Mạc đao kỳ trà (búp trà có cánh như hình long đao), Mạc long kỳ trà (búp trà như rồng bay), Trà Thiết quan âm (dùng để dâng Phật lễ chùa)... Hy vọng, trong tương lai, Cao Văn Tuấn sẽ thành công trong tham vọng đưa Mạc trà sớm có được vị trí trang trọng, khơi lại dòng mạch Trà Việt, tiếp nối dòng văn hóa truyền thống của nước ta

Gia Linh
.
.
.