Người giữ hồn đing-năm

Thứ Ba, 23/09/2008, 14:03
Như cái đàn goong của người Bah Nar, đàn krông-pút của người Xơ-đăng, đàn đinh-tút của người Giẻ Triêng…, đing-năm là một loại nhạc cụ truyền thống của người Êđê. Trước nguy cơ văn hóa truyền thống cha ông bị mai một do sự thờ ơ của lớp trẻ, nhiều già làng ở Đắk Lắk đã ra sức giữ gìn. Một trong số đó là Ama H'rin.

Khúc biệt tấu giữa đại ngàn

Mỗi khi có khách đến thăm và hỏi về đing-năm, già Ama H'rin vui lắm. Tại ngôi nhà dài truyền thống ở thôn Ko Dhông, phường Tân Lang, TP Buôn Ma Thuột, già nhiệt tình trả lời mọi thắc mắc và nhu cầu cần biết của khách về nhạc cụ đing-năm. "Phải có người tiếp củi thì bếp lửa mới không bị tắt", già nói.

Để câu chuyện thêm phần sinh động, già quyết định cho cái kèn đing-năm thoát hơi. Trước khi vào trong thay lễ phục, già nhấn giọng: "Theo phong tục cha ông, mỗi khi thổi kèn phải mặc đồ truyền thống. Nếu không, Yàng giận, Yàng phạt nặng lắm!".

Đóng khố, đầu chít nhiều vòng khăn, trông già rất Tây Nguyên với phục trang dành cho người đàn ông những khi buôn làng có "chuyện lớn".

Già đưa cái kèn lên môi rồi ngả người, mặt hướng lên trời xanh, ánh mắt hướng về phía xa xăm trong không gian mênh mông của đại ngàn. Đing-năm vô tri vô giác bỗng sống động lạ thường.

Tiếng kèn du dương, trầm ấm, dồn dã khiến cành lá lay động, ngân vang qua nhiều con sông, con suối, qua nhiều ngọn núi.

Khúc biệt tấu ngẫu hứng đầy phóng khoáng của già trở nên ma quái khi được hòa nhịp cùng tiếng ru hồn của sáo Ky Pah được làm từ gỗ cẩm lai do chính cháu ngoại của già là Y Sơn góp hội.

Tiếng kèn và tiếng sáo hòa quyện nghe như tiếng gọi bầy của đàn chim chơ-rao khi mùa gặt đến gần, như tiếng gầm rú của mãnh thú lúc say mồi, như tiếng ai oán, khóc than của những cuộc biệt ly vĩnh viễn, tiếng rì rào của gió lay cành lá! Già cháu Ama H'rin càng thổi càng say.

Khói chiều lan tỏa quanh căn nhà dài đã góp phần làm tăng nét thi vị, quyến rũ của âm điệu và cảm giác đang thở hơi thở của thế giới hồng hoang từ những lữ khách.

Nỗi lòng người giữ lửa

Năm nay được 77 mùa rẫy, ở cái tuổi "gần về với Yàng" nhưng già Ama Hrin hãy còn tráng kiện lắm. Nói về nhạc cụ cha ông, già lại khoe: "Nó là cái nhạc được nhiều người già, đứa trẻ thích nhất đấy! Có đing-năm thổi cùng, tiếng chiêng rộn vui nhiều lắm! Nhưng nếu thổi trong đám ma, đing-năm sẽ làm mình rất buồn!".

Là sáng tạo khí nhạc đỉnh cao của nghệ nhân Êđê, kèn đing-năm gồm 6 ống trúc dài ngắn khác nhau được xếp thành 2 bè, mỗi bè 3 ống. Để những ống trúc có thể phát ra tiếng gọi ngàn, nghệ nhân sẽ cắm cả thảy xiên qua một quả bầu khô rồi dùng sáp ong rừng "dán" lại.

Già Ama H'rin chỉ nghề: "Khi cái sáp khô cứng, phải khoét một lỗ trên mỗi ống trúc để tạo nhạc. Tùy cái ống dài ngắn mà mình khoét cái lỗ to nhỏ với khoảng cách khác nhau. Phần cuống trái bầu khô, mình cắm một khúc trúc nhỏ rồi thổi vào đấy". 

Già Ama H'rin không biết ai là người đã sáng tạo ra đing-năm, vào thời gian nào? Như nhiều lão nghệ nhân Êđê khác, già chỉ biết cái tuổi càng lâu thì âm thanh của đing-năm càng cao vút, vọng vang, thổi hơi mạnh nghe âm thanh như cơn lốc dữ xé toạc các mảng núi đồi, như dòng chảy của con thác giữa mùa thần nước khóc!

Để làm được đing-năm, già tâm tình đã phải "Học thổi cái kèn, học cách lựa chọn bầu, trúc không quá già, không quá non. Học cả kỹ năng đi lấy cái sáp ong rừng làm vật kết dính". Già lưu ý: "Muốn làm được cái kèn trước tiên phải biết cách thổi. Nếu không, cái âm nó không vang như tiếng con chim chơ-rao mà tẹc tẹc như con khỉ vậy đó!".

Tiếng kèn đing-năm của già Ama H'rin ngọt đến độ nhiều du khách sau khi nghe già diễn tấu đã khẩn khoản đề nghị trả nhiều tiền đặng đưa đing-năm về xuôi. Nhưng dù nài nỉ thế nào họ cũng đành thất vọng.

Lão nghệ nhân trải lòng: "Trong rừng thiếu gì tre nứa, bầu lồ ô để làm kèn nhưng mình không bán cái cha ông đâu. Làm vậy là có tội với người xưa. Nhiều đứa trẻ bán cồng chiêng, bán áo khố rồi, già không muốn làm gương xấu cho bọn nhỏ".

77 mùa rẫy, già Ama H'rin tự ví mình như chiếc lá vàng trước gió. Trang trọng mắc chiếc đing-năm giữa nhà, già triết lý sâu xa: "Cái sức không còn, cái tai không thính, cái chân không nhanh như con sóc, con nai, con mễnh, già sắp về với Yàng rồi. Buồn là bọn trẻ chẳng đứa nào chịu học thổi, học làm cái đing-năm. Tụi nhỏ nói làm nghệ nhân không có nhiều tiền nên không thích. Mấy ông già như chiếc lá vàng. Già không sợ thần gió, thần chết bắt đi. Chỉ sợ khi già nhắm mắt, không còn ai biết gì về đing-năm. Già phải cố giữ thôi".

Thời gian trôi nhanh và mai này, khi lá vàng bay trong gió, ai sẽ thổi đing-năm mỗi khi buôn Ko Dhông vào hội?

Tiến sĩ Linh Nga Kdăm (Phó Chủ tịch Hội Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam): Có nguy cơ thất truyền

Theo ngôn ngữ của người Êđê, kèn đing-năm nghĩa là kèn có 6 cái ống (đing = cái ống, năm = 6). Nhạc cụ này được sử dụng chủ yếu trong tang ma và lễ hội quần chúng. Kỹ thuật làm kèn rất khó vì buộc nghệ nhân phải biết thổi, phải có kỹ năng thẩm thấu cao. Điều đáng quan tâm là hiện chỉ có lớp nghệ nhân già mới làm được kèn đing-năm.

Trước nguy cơ không có người kế thừa, vừa qua, Quỹ Bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân gian đã hỗ trợ TP Buôn Ma Thuột mở lớp dạy thổi và chế tác kèn đing-năm cho 10 thanh niên người bản địa.

Thành Dũng
.
.
.