Người ghi lịch sử chiến tranh bằng hình ảnh

Thứ Năm, 30/04/2015, 10:05
Tìm hiểu tư liệu về những cuộc chiến hào hùng của dân tộc trong thế kỷ XX, tôi đặc biệt ấn tượng với bức ảnh được định danh là “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị”. Bức ảnh được phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính (Báo Quân đội nhân dân) chụp mùa hè năm 1972, giữa thời khắc tĩnh lặng hiếm hoi của cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Địa danh thiêng liêng này cũng là nơi người chú ruột của tôi, Thượng úy Quân đội nhân dân Việt Nam Trần Quốc Trị, đã hi sinh năm 1972 và đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt…

Bởi vậy, tôi luôn có ý thức tìm và sưu tập tư liệu, thông tin về những cuộc chiến giải phóng, bảo vệ Tổ quốc nói chung và Thành cổ Quảng Trị nói riêng. Tôi ao ước được gặp gỡ, trò chuyện với nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính. Đã vài lần tôi liên hệ qua điện thoại với ông và luôn nhận được sự nhiệt tình, chân thành của người cựu phóng viên, cựu binh Đoàn Công Tính. Ông hẹn tôi: “Gia đình chú sống ở TP Hồ Chí Minh. Khi nào chú ra Hà Nội, mình sẽ gặp nhau, hoặc cháu vô trong này thì đến chú”.

Nhà báo Đoàn Công Tính (bên trái) trò chuyện với PV tại trụ sở Báo CAND. Ảnh: Mạnh Hà (Hà Nội, 24/4/2015).

Có lần tôi vào TP Hồ Chí Minh công tác, liên hệ với ông thì được biết ông đang rong ruổi thăm nước Mỹ. Bất ngờ, đúng dịp kỉ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi gặp Đoàn Công Tính trong buổi tọa đàm "Báo chí về đề tài chiến tranh – Tác nghiệp của phóng viên chiến trường”, do Thông tấn xã Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Hôm đó, Đoàn Công Tính là một trong những cái tên được nhắc nhiều cùng với Chu Chí Thành, Phạm Hoạt, Dương Đức Quảng, Trần Mai Hưởng, Nguyễn Thiệp, Mai Nam…

Sau tọa đàm, ông vui vẻ nhận lời đến thăm Báo CAND và nói chuyện với anh em Ban Thư kí Tòa soạn. Chúng tôi quá đỗi vui mừng được trò chuyện, trao đổi với ông về kĩ năng, kĩ thuật tác nghiệp và rốt cuộc, câu chuyện trở về với bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị” – nguyên mẫu là người lính quê Thái Bình Lê Xuân Chinh, hiện đang sống tại Điện Biên. Ông mở đầu câu chuyện bằng một giọng tiếc nuối: “Lâu quá rồi chú không liên lạc được với Chinh. Chinh năm nay 63 rồi, kém chú 10 tuổi. Chú chỉ có số điện thoại cố định của Chinh, nhưng mấy năm nay gọi đến thì đều không nối máy được?”.

Bùi ngùi, ông kể tiếp: “Việc chụp bức ảnh này, chú đã viết, kể nhiều lần nhưng nó vẫn như mới xảy ra ngày hôm qua vậy. Tháng 7/1972, Thành cổ Quảng Trị bị tàn phá tới mức không còn một viên gạch nào nguyên vẹn, huống chi là xương thịt con người. Quân Mỹ đã dùng loại bom dù thả từng chuỗi, đào bới phá nát các hầm hố. Rồi chất độc hóa học kéo từng vệt dài màu vàng trên vòm trời, tỏa dần ra, trùm xuống Thành cổ một thứ khói vàng nhạt chết người. Đội ngũ phóng viên Báo QĐND và một số báo khác có mặt tại trận, nhìn làn khói chết chóc, đều muốn biết chiến sĩ chúng ta sống ra sao trong cảnh bom đạn ngút trời đó! Nhưng con đường vào Thành cổ chẳng dễ dàng. Có lời khuyên từ Bộ chỉ huy mặt trận: Không nên để phóng viên vào Thành cổ.

Cựu binh Lê Xuân Chinh trong bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên thành cổ Quảng Trị”.

Nhưng chú thì thấy như có điều gì thôi thúc phải tìm mọi cách vào đó cho bằng được. Chú tìm đến vị trí người ta chỉ dẫn nhưng trước mắt là một bãi dày đặc hố bom, cây cối đổ ngổn ngang. Khi vừa trấn tĩnh lại thì nghe có tiếng người từ dưới đất vọng lên. Mừng quá, chú men theo hào và đi vào căn hầm. Sau khi biết chú muốn tìm đường vào Thành cổ, người đó khuyên nên bám tuyến đi ra của đường vận chuyển thương binh cũng đủ tài liệu. Như thế thì an toàn hơn nhưng nghĩ mình là phóng viên nhiếp ảnh không thể lấy tài liệu gián tiếp, nên chú phải có hình ảnh bộ đội chiến đấu tại Thành cổ. Cả nước muốn nhìn thấy họ sống ra sao dưới pháo bầy, bom chùm và bom rải thảm của B52 Mỹ.

Cuối cùng thì chú cũng tìm được cách vào Thành cổ Quảng Trị. Hai nữ du kích đã tự nguyện dẫn đường là cô Lệ, cô Hảo. Các cô cho biết: “Vượt qua sông Thạch Hãn trong đêm rất khó khăn, nguy hiểm. Có lúc mảnh bom rơi như mưa, trên mặt sông đầy ánh pháo sáng…”. Vừa đến bờ Nam sông Thạch Hãn, chú gặp ngay trận mưa các loại đạn nã vào đội hình. Đêm ấy, chú đã chụp rất nhiều hình ảnh của cuộc chiến khốc liệt. Đến sáu giờ sáng, chỉ huy cho chiến sĩ thông tin Lê Xuân Chinh, người sau này trở thành nhân vật chính trong bức ảnh nổi tiếng, đưa chú đến khu vực Thành cổ.

Vừa đến nơi, một chiến sĩ lập tức kéo chú xuống hầm để tiến hành kích nổ phá một quả bom cách đó không xa. Suy nghĩ về những người lính quả cảm, chú chợt lóe lên ý tưởng ghi lại hình ảnh nụ cười lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng của họ ở nơi mà sự sống và cái chết gần nhau trong gang tấc. Chú đề nghị anh em bộ đội ra khỏi hầm, ngồi vào vị trí để khi vào hình toát lên sự bi tráng nhưng đầy lạc quan. Thấy Lê Xuân Chinh có nụ cười rất tươi, chú bảo Chinh cầm khẩu B40, ngồi gần chính diện bức ảnh. Chú cố gắng để bấm máy ở nhiều góc ảnh với những khoảnh khắc khác nhau. Khi tấm ảnh cuối cùng vừa được bấm thì cũng là lúc tiếng bom rít qua…

Nhận thức rõ ý nghĩa giá trị và giá trị của những bức ảnh vừa chụp được, trước khi rời khỏi Thành cổ, chú lập một bản “Di chúc” bằng cách ghi những dòng chữ lên giấy rồi bọc vào những cuốn phim: “Nếu chẳng may tôi hy sinh trên đường ra Hà Nội, xin nhờ mang giùm 10 cuốn phim này về Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân”…

Sau này, bức ảnh trở nên nổi tiếng và ông Tính gặp lại nguyên mẫu Lê Xuân Chinh năm 2004, trong dịp ông tới Điện Biên dự lễ kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông Tính kể: “Chinh nghèo lắm. Đúng cảnh nhà tranh vách đất… Sau khi gặp Chinh, chú có viết một bài báo và được đồng chí Giám đốc Quân y viện 108 khi đó hỗ trợ 40 triệu đồng, cùng với sự giúp đỡ của một số nhà hảo tâm nên vợ chồng Chinh đã xây được ngôi nhà mới”…

Giọng ông Tính như chùng lại sau dòng hồi ức xúc động. Và ông lại tỏ ý tiếc nuối đã mấy năm nay không có tin tức gì của Lê Xuân Chinh. Lúc này, tôi mới lấy ra tờ báo Công an nhân dân số đặc biệt kỉ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (phát hành đúng ngày Đoàn Công Tính đến thăm Báo CAND, 24/4/2015).

Trong số báo này, ở trang 18 có bài “Gặp lại nụ cười bất tử bên Thành cổ Quảng Trị” của nhà báo Vũ Mạnh Hà. Người phóng viên chiến trường kì cựu chăm chú đọc hết bài, rồi ngắm kĩ bức ảnh cựu binh Lê Xuân Chinh hiện nay. Ông Tính nói nhỏ như chỉ để chính mình nghe: “Đúng Chinh rồi!”. Nhà báo Vũ Mạnh Hà bèn gọi vào máy di động của ông Chinh, rồi trao điện thoại cho ông Tính. Cuộc trò chuyện diễn ra khá lâu, buồn vui lẫn lộn. Ông Tính nhắc ông Chinh bảo trọng để còn vào thăm TP Hồ Chí Minh.

Giọng ông Tính tha thiết và tình cảm lắm: “Em nhớ giữ gìn sức khỏe. Sang năm cố vào Sài Gòn chơi với anh. Anh sẽ đưa em đi thăm miền Tây, thăm đồng đội cũ từng ở Thành cổ Quảng Trị. Anh giờ 73 tuổi, bị bệnh tim. Bác sĩ bảo phải đặt máy trợ tim nhưng anh không chịu. Anh em mình đã từng chiến đấu ở Quảng Trị thì đâu có cần “trợ tim””!.

Trần Duy Hiển
.
.
.