Người “đánh trống qua cửa nhà sấm”
Ông tự gọi mình như thế. Chính xác và đầy đủ hơn, đó cũng là nhan đề một cuốn sách mà ông là tác giả, cuốn “Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm”.
Những “con mọt sách chân chính” ưa sục sạo trong mớ hỗn độn và mù mịt của con chữ hẳn không mấy người không biết đến ông, một bậc thức giả không học hàm học vị nhưng có khối lượng tri thức đồ sộ.
Mười lăm năm nay, rất đông độc giả - trong đó có chúng tôi - cứ háo hức từng tuần một để được diện kiến, học hỏi từ kho tri thức đáng kính và thú vị của ông trên trang mục “Chuyện Đông chuyện Tây” của tạp chí Kiến thức ngày nay (KTNN). Có lẽ, đây cũng là một trong những chuyên mục báo chí có tuổi thọ dài nhất ở Việt
Huệ Thiên, bút danh đầu tiên của ông thực ra chỉ là từ nói lái của tên thật Võ Thiện Hoa (Huê). Nhà có ba anh em, ông là con cả, sinh năm 1935. Khi nhỏ, ông vào làng Tây, học trường Tây.
Cụ thân sinh của ông đã nhờ một người bạn là Nicolas Lucatos, thành viên một gánh hát Pháp sang Đông Dương lưu diễn nhận làm cha đỡ đầu để ông được mang thêm cái họ Lucatos. Ông học không thật sự xuất sắc, nhưng có một trí nhớ trên cả tuyệt vời. Do bản tính trầm lặng nên Võ Thiện Hoa ít la cà hay chơi bời mà chỉ thích suốt ngày ngồi ở nhà đọc sách. Thứ gì cậu cũng đọc, dù chẳng biết là đọc để làm gì.
Năm đầu tiên ở Trường trung học Chasseloup Laubat, Võ Thiện Hoa tình cờ vớ được cuốn “Thời thơ ấu của tôi” của Maxim Gorky. “Mày không phải là tấm mề đay mà cứ bám lủng lẳng trên cổ tao mãi. Hãy cút ra đường mà kiếm sống!”. Lời ông mắng cháu trong sách đột nhiên thức tỉnh gây cho anh một ý niệm hoàn toàn mới mẻ vào cuộc sống.
Vứt bỏ những tiểu thuyết diễm tình của Pháp sang một bên, anh vồ lấy và ngốn ngấu không biết chán những tiểu thuyết Nga dày cộp - bản in bằng tiếng Pháp - trong đó có cả những cuốn như “Thanh niên cận vệ đội”, “Thép đã tôi thế đấy”...
Lý tưởng Cộng sản từ những cuốn sách lạ đã làm anh thay đổi hẳn. Quên mất bổn phận học để tiến thân thành thầy thông, thầy phán. Năm 1952, Võ Thiện Hoa tham gia Đoàn học sinh bí mật Chợ Lớn, hăng hái đấu tranh. Hiệp định Genève ký kết, tự nhận ra mình là người “ghét Tây, thương nước, khoái CNXH”, anh khăng khăng tìm cách để được đi tập kết.
Không có tên trong danh sách, ngày 1/5/1955, anh vượt tuyến bằng cách sử dụng một tấm giấy chu lưu do Cảnh sát Sài Gòn cấp, đàng hoàng mua vé máy bay bay thẳng ra Hải Phòng, nơi vẫn đang trong hạn tập kết 300 ngày của quân đội Pháp. Từ đó, anh tự tìm đường thoát ra vùng đệm Hải Dương để về Hà Nội và được đưa về Trại học sinh miền
Đặc biệt say mê ngôn ngữ học, anh dự định sẽ viết một quyển sách nghiên cứu về vấn đề từ nguyên của các từ Hán - Việt. Ban đầu, mục tiêu của anh chỉ rất đơn giản: tìm kiếm và tự tạo thêm một nguồn tài liệu để phục vụ việc giảng dạy trong nhà trường. Nhưng càng nghiên cứu, biểu đồ hình gân lá của con đường phát triển tri thức càng dẫn anh đi quá xa. Hoa lạc hẳn vào sự mênh mông chằng chịt của học thuật.
Không chịu dừng, anh đã rẽ trái, quẹo phải liên tục, tự học thêm cả tiếng Sankrit, Latinh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga... bổ sung vào vốn sinh ngữ Anh, Pháp có sẵn từ thời trung học. Anh thường lên Hà Nội lùng tìm và khuân về hàng chồng sách, suốt ngàỵ nghiên cứu và ghi chép.
Yêu CNXH cuồng nhiệt, song Võ Thiện Hoa lại quá ngây thơ, ngờ nghệch, thậm chí bị coi là lập dị để có thể sống chu đáo, trọn vẹn như một “con người mới XHCN” thực thụ. Biết anh ở miền Bắc khó khăn, thỉnh thoảng gia đình ở Sài Gòn lại nhờ người quen ở Phnôm Pênh chuyển ra cho anh một thùng quà gồm đủ thứ, trong đó có cả đường, sữa, vải vóc, quần áo, đồng hồ... Những chiếc áo đặt may cho anh thường có măng sét hoặc hàng cúc bằng vàng. Thỉnh thoảng anh lại cắt một chiếc cúc măng sét, lên một tiệm quen cạnh Hồ Hoàn Kiếm, bán lấy tiền tiêu xài, mua sách.
Không bận tâm gì lắm việc mình đang sống khá xa xỉ so với mức lương ít ỏi, anh vô tình trở thành cái gai trong mắt nhiều người. Rõ ràng, một anh giáo viên cấp 2 mà đọc được 4, 5 ngoại ngữ, ăn rau muống mà nghiên cứu tiếng Phạn, lại dám tiêu cả tháng lương chỉ để đổi lấy một cuốn “Thông dụng học sinh từ điển” bằng chữ Tàu bé tin hin và long bìa, tróc gáy thì đích thị là “ló đuôi tư sản”, chắc chắn tư tưởng phải có vấn đề! Đã thế lại “hay phát biểu lung tung”.
Cuối tháng chưa được nhận lương nhưng tiền ăn cho tháng sau thì dứt khoát phải đóng ngay, cả miền Bắc thời đó nơi nào mà chẳng thế. Chỉ có “lập trường tư sản” như Võ Thiện Hoa mới dại dột nói thật với đồng nghiệp rằng “rõ ràng những chuyện không logic vẫn tồn tại như thường!”.
Vậy là anh bị sa thải. Với một vali nặng đầy sách cũ, người trí thức trẻ trở thành “không ai cả” đứng bơ vơ, lạc lõng, không biết phải đi đâu, về đâu. Còn may, có bác cấp dưỡng già ở Trường cấp 2 An Ninh, Kiến Xương, Thái Bình thương tình đưa về nhà cho ở nhờ, sau đó lại được ông Lê Câu, hiệu trưởng trường này xin giúp cho cái sổ gạo và can thiệp, nhờ vả thế nào đó, anh mới được Trường Bồi dưỡng cán bộ Thái Bình nhận về làm một chân phụ động.
Rất may là phụ động khác... phụ bếp, công việc chỉ là mua gạo, mắm, than, củi và làm kế toán cho bếp ăn tập thể của trường nên Võ Thiện Hoa không quá bận bịu. Để giết thì giờ, anh lao vào nghiên cứu tiếng... Hy Lạp cổ và tập tành viết những khảo luận ngôn ngữ dày cộp, chỉ nhằm thỏa mãn ý thích.--PageBreak--
Thời gian được điều về phụ trách kho sách của Trường học sinh miền
Trở về miền
Đất nước đang đứng trước thời kỳ mở cửa, người ta đua nhau đi học sinh ngữ, mong “đón đầu một cơ hội”. Ông thì khác, chỉ nghiên cứu toàn từ ngữ, lạc vào cả tiếng Pali, tiếng Phạn suốt ngày cứ rị mọ với những từ nguyên - âm tiết - hình vị không có khả năng “đẻ ra tiền”. Lắm người tưởng ông bị thần kinh, bị ngộ chữ. Ông cậu ruột của ông thì nổi đóa: “Thằng Hoa nó làm thế để đạt đến cái gì”. Ông không trả lời, người khác cũng chẳng biết đâu mà đáp.
Họa hoằn mới có một vài người bạn đến chơi đàm đạo chuyện chữ nghĩa cùng ông. Phục ông thông tuệ, có người bảo ông sao không thử viết bài đăng báo. Thì thử. Tiếp ông ở tạp chí KTNN là Thư ký tòa soạn Nguyễn Khắc Cường, vốn cũng đang là một giảng viên Tiếng Việt - Ngôn ngữ học ở ĐHTH. Chủ và khách chuyện trò tương đắc lắm.
Bài báo đầu tiên của ông có nhan đề “Từ nguyên của địa danh Sài Gòn” được đăng trên KTNN số ra đầu tháng 3/1990. Được trớn, bạn đọc hoan nghênh, ông về đóng cửa viết và đăng luôn một hơi, nào là “Vài mẩu chuyện về việc chơi chữ của người Trung Hoa”, “Hùng Vương hay Lạc Vương?”, rồi “Luận về một kỳ thi Quốc gia cách đây 500 năm”, “Mạc Đăng Dung có dâng đất cho nhà Minh hay không?”...
Ở ông có một sự nhạy bén kỳ lạ, cứ hễ có dịp kỷ niệm lễ lạt nào mà xã hội quan tâm, trong đầu ông lại hình thành ngay trang viết có nội dung về chính vấn đề đó một cách rõ ràng, mạch lạc và hấp dẫn. Sự xuất hiện của ông thổi vào đời sống văn nghệ, báo chí một hơi hướng lạ, đầy chất mẫn tuệ. Thư từ bạn đọc, đơn đặt hàng mời ông viết gửi về tới tấp. Tự lượng sức không kham nổi, ông chỉ nhận lời và cộng tác thường xuyên cho thêm một vài tờ như tạp chí Văn, tạp chí Thông tin - Khoa học công nghệ...
Riêng trên tạp chí KTNN, sự tin tưởng và kỳ vọng của bạn đọc đã khiến tòa soạn ra hẳn trang mục “Chuyện Đông chuyện Tây”, giao hẳn cho ông phụ trách. Nhiều người cứ đinh ninh rằng cái gì ông cũng biết, lĩnh vực nào ông cũng uyên thâm, gặp bất cứ thắc mắc gì, lĩnh vực nào, từ văn, sử, địa lý, chính trị đến ngôn ngữ, nghệ thuật, tôn giáo,... họ cũng đều viết thư hỏi ông.
Những ngày nhàn nhã, đọc sách như một thú tiêu tao biến mất. Ông bảo: “Có cố gắng lắm, tôi cũng chỉ đủ sức trả lời 10% lượng thư từ. Phần còn lại không thuộc các lĩnh vực mà mình biết, mình có thể tra cứu nên đành chịu”. Bận bịu và mệt mỏi, song đây lại là thời kỳ mà ông hạnh phúc nhất. “Ít ra sở học của mình cũng trở nên có ích cho cộng đồng, cho xã hội. Nhờ có yêu cầu của độc giả, tôi buộc phải đọc hệ thống hơn, cụ thể hơn, không đọc lan man thiếu định hướng như trước nữa”.
Ông học và làm rất... không giống ai. Tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha, ông không nghe, không nói được nhưng lại thuộc ngữ pháp vanh vách, có thể giải nghĩa chính xác mọi ngõ ngách từ từ nguyên, biến thể, sự lai tạp... đến mức các chuyên gia ngôn ngữ cũng phải bái phục. Đặc biệt, ông có thể nhớ đến tận chi tiết từng vấn đề, từng từ ngữ đang cần tìm nằm ở đâu, cuốn sách nào để có thể lần giở, đối chiếu ngay mà không cần phải suy nghĩ nhiều.
Tri thức ngôn ngữ uyên bác đã được ông biến thành công cụ để giải mã, soi sáng hàng loạt bế tắc trong các lĩnh vực tri thức khác từ địa lý, lịch sử, thiên văn đến văn chương nghệ thuật. Nhờ vậy, hễ độc giả có câu hỏi là ông có câu trả lời. Điều quan trọng, với ông, không phải là biết mà là biết tri thức cần tìm nằm ở đâu. Một quan niệm và phong cách làm việc hết sức chuyên nghiệp.
Đang “vang danh thiên hạ”, bỗng dưng ông gặp tai vạ, phải giã từ bút danh Huệ Thiên trên tờ KTNN. Thay vào đó, ông sử dụng bút danh An Chi. Kèm theo nụ cười hóm hỉnh và tinh quái của một ông già tuổi gần thất thập là lời giải thích: “Thì lão giả an chi đó mà, có mong chi hơn đâu”. Ai dè “cao nhân tất hữu cao nhân trị”, GS Mai Cao Chương, một bậc túc nho ở Trường ĐHTH phát hiện ra ngay: “Đổi đâu mà đổi, An Chi là y chan (y như cũ), vẫn là Huệ Thiên đó chứ ai!”.
Bây giờ thì ông đã có một gia tài đồ sộ gồm 6 tập “Chuyện Đông chuyện Tây”, một cuốn “Tiếng trống qua cửa các nhà sấm”, tổng cộng gần 3.500 trang sách lèn cứng tri thức. Thêm cuốn “Đối thoại đơn phương” cũng sắp in xong... Nổi tiếng, nhưng phong cách lặng lẽ, chu đáo của ông vẫn không một chút thay đổi.
Hôm chúng tôi đến thăm, ông vẫn đang ngồi máy tính miệt mài soạn giải một số câu trong kinh Phật. Phía bên hàng xóm vẫn có một đám mắng chửi nhau loạn ngậu cả lên. Cảm thấy ái ngại cho bậc thức giả nhưng chúng tôi cũng không dám đề cập bởi có vẻ như ông không hề nghe thấy, vẫn điềm nhiên cùng sách. Thôi thì mặc, Phật tổ ngày xưa chắc còn gặp lắm rắc rối, phiền toái hơn nhiều.
Khi chúng tôi vừa yên vị, ông bèn lôi cuốn “Thông dụng học sinh từ điển” in từ năm 1907 ra, dùng kính lúp soi chỉ cho tôi và bảo: “Này nhé, đừng tưởng sa là cát, trần là bụi mới là tiếng Hán. Cát cũng là tiếng Hán đấy, không phải thuần Việt đâu. Sách viết: Sa: trần cấu dã, tức là bụi bặm vậy. Có sách hẳn hoi, đừng cãi nhau nữa!”