Người dâng hồn cho địa đạo Vịnh Mốc

Thứ Năm, 23/06/2005, 09:57

Trong lần tìm gặp Lê Xuân An, người thành đạt nhất trong số 18 em bé sinh ra trong lòng địa đạo Vịnh Mốc, hiện đang công tác tại Viện KSND thị xã Đông Hà (Quảng Trị) để viết bài, tôi đã được gặp ông Lê Xuân Vy, "kiến trúc sư" đầu tiên vẽ sơ đồ địa đạo nổi tiếng này. Tình cờ mà thú vị, ông lại chính là cha đẻ của An.

Ông già với đôi mắt mù lòa này vẫn nhớ như in những gì diễn ra trong lòng địa đạo bao nhiêu năm nhân dân Vĩnh Linh sống dưới đạn dưới bom. Câu chuyện hôm nay của ông không chỉ là với địa đạo Vịnh Mốc, nhưng nếu dùng một lời thật chính xác, thì phải nói rằng, không ai hiểu về địa đạo này như ông cả.

"Kiến trúc sư" địa đạo

Khoảng thời gian 1962, ông Lê Xuân Vy là Đồn trưởng Đồn Công an vũ trang 140 đóng quân ở địa bàn Vĩnh Linh, tiếp giáp đảo Cồn Cỏ. Những năm ấy, đây là một vị trí nóng của bom địch, anh em trong đồn họp lại bàn một phương án tránh thương vong cho nhân dân. Ông Lê Xuân Vy phát biểu trong cuộc họp ấy: "Nếu mình không bảo vệ được dân thì vô nghĩa. Không có dân thì không có đồn".

Các cán bộ, chiến sỹ trong đồn nghĩ ra phương án đào hầm chữ U (khi đó chưa ai gọi là địa đạo) trên một vách dựng đứng cạnh bờ biển, và công việc phải gấp gáp vì thời gian đó, địch chưa thả bom B52 cỡ lớn ở khu vực này. Đồng thời với hầm chữ U, sẽ có 2 hầm chữ A thông xuống thành một địa đạo liên hoàn. Anh em trong đồn tìm hiểu một phương án đào thích hợp. Qua một số ý kiến, phương án của ông Vy hợp với ý kiến của tập thể: Đào thế nào để vừa tránh được bom, vừa đánh được địch nếu như địch đổ bộ xuống đây, đồng thời phải biến địa đạo này thành một kho trung chuyển cho đảo Cồn Cỏ.

Theo phương án của ông Lê Xuân Vy, lỗ thông hơi từ trên xuống phải có độ sâu 5m so với đường trục để tránh bom bi. Thứ hai, địa đạo phải có giếng nước, phải có bếp nấu ăn, vì địch sẽ không từ một thủ đoạn nào, sẽ xối bom liên tục không cho dân ra ngoài, nên phải có chỗ ăn, chỗ ở để đảm bảo an toàn cho dân. Thứ ba, để biến nơi đây thành một trạm trung chuyển và là một kho lương thực, phải có một ống dẫn gạo dài 9m, mỗi lần mở van có thể chảy vào được 2 tạ gạo.

Ông Vy còn nghiên cứu thêm: Khi nấu ăn trong địa đạo cần tránh tình trạng khói bốc lên, nên phải làm sao để khói tỏa ra các giao thông hào và ngụy trang cây trên đó, và ông đã dùng các ống khói nhỏ để tản mát khói. Nhìn từ trên xuống, các làn khói li ti tỏa đều trong cây cối như là sương nên khó có thể phát hiện được những gì bên dưới.

Địa đạo phải có hội trường để họp. Đặc biệt nhất là đài quan sát, phải tuyệt đối bí mật, những người đào không được biết là mình đang đào gì. Nó được xem như một cái ngách thông lên một lùm cây vừa để quan sát nhưng đồng thời cũng là đường xuất kích. Còn nữa, khi địch thả bom, để khói không lùa vào các ngách hầm, cửa phải có một độ chếch ngược hướng gió. Những lỗ thông hơi phải đảm bảo cho địa đạo ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.

Với ông Lê Xuân Vy, không phải vẽ xong sơ đồ rồi để đấy mà còn trực tiếp dõi theo từng nhát thuổng của người đào để điều chỉnh nhằm tránh lãng phí mồ hôi, công sức của anh em. Ông luôn luôn sẵn trong tay một cuộn dây đo, cuốn sổ tay và cái la bàn. Đào 2m cắm một cái đèn. Đào 3m cắm thêm một cái nữa và 4m lại cắm thêm một cái, nếu 3 đèn nằm trên một đường thẳng xem như là đã đào được thẳng. Thẳng rồi, nhưng phải tính độ cao thấp. Ước tính tầm cao 1,7m, phải đóng cọc từ trên và dùng sợi dây dài đúng 1,7m để kiểm tra. Cứ thế, đảm bảo được độ cao rất đều. Còn để thông các ngách hầm thì tiến hành đào từ 2 phía và đo chuẩn xác.

13 anh em trực tiếp chỉ đạo công việc đào địa đạo, đều là người của Đồn 140, họ vừa chỉ đạo, vừa đào, vừa nêu sáng kiến. "Tôi chỉ được mỗi cái sơ đồ và theo dõi anh em đào, còn trong 13 anh em chúng tôi, có nhiều người làm tuyệt vời lắm. Anh Võ Thế Chữ vừa đào vừa sáng kiến ra guồng quay và xe cút kít để chuyển đất ra một cách nhanh nhất. Trần Văn Tảo, Dương Văn Dĩ… vì kế hoạch mà 2 đêm quên ngủ để đào địa đạo…". 10 năm gắn bó với đồn, 10 năm gắn bó với địa đạo, gắn bó với những con người như vậy, ông Vy cho rằng mình đã có một tuổi trẻ thật ý nghĩa.

Với địa đạo hôm nay, ông có những trăn trở như thế này: Cái tên của địa đạo giờ bao nhiêu du khách mang theo rồi, nhớ một thời oanh liệt của đất lửa Vĩnh Linh rồi, thì cũng không nhất thiết phải gọi trở lại như cái tên cũ của nó. Khi thiết kế, anh em đã tính đến chuyện không để nước vào tránh nguy cơ sập hầm, thì khi trùng tu không hỏi ý kiến của những người thiết kế năm xưa, nên làm cho nước ùa vào khiến 3 hầm bị xóa sổ, đó là điều rất đáng tiếc. Khu hậu cần bây giờ, không hiểu trùng tu thế nào mà du khách không thể vào tham quan được.--PageBreak--

"Nói chung, cách làm của họ chủ yếu để phục vụ cho việc tham quan chứ không phải để tu tạo di tích. Họ tự nhiên xây một cái kè trắng phau ngoài bờ biển, nếu như anh có ý định bảo vệ thì thiếu gì cách ngụy trang, đằng này cứ xây bọc như vậy làm nhiều du khách không hài lòng. Di tích chiến tranh không thể trùng tu kiểu đó," ông nói.

Ông già mù làm thơ về 3 người vợ   

Ông Vy là một người lãng mạn, bao nhiêu năm rồi sống trong bóng tối, ông vẫn làm thơ. Trước khi đi vào những chuyện thăng trầm trong cuộc đời ông, bạn đọc hãy lắng nghe những ân tình của vị "kiến trúc sư địa đạo" này dành cho "người vợ thứ ba" của mình:

Cám ơn em đến với ta
Trọn tình trọn nghĩa thiết tha mặn nồng

Có người bên cạnh đánh ghen
Riêng em vẫn vững ngọn đèn của anh

Thực ra, khi đọc bài thơ này đăng trên báo, nhiều bạn bè gửi thư chúc mừng ông. Họ bảo rằng, trong cảnh ngộ của ông hiện tại, mà có được một người vợ như vậy thì quả là phúc cho ông, nhưng khi đọc dòng chữ in nghiêng "Tặng người vợ thứ ba của tôi" thì không ít bạn bè của ông… giật mình. Nhưng người mà ông gọi là "người vợ thứ ba", người mà ông tặng những vần thơ tình tứ thế, chính là cây gậy! Vâng, cây gậy mấy chục năm qua đi theo ông suốt một chặng đường dài của cuộc đời một con người bị số mệnh cướp đi ánh sáng.

Ông "gắn bó" với cây gậy của mình tính đến nay cũng đã hơn ba mươi năm. Năm 1972, ông nhận công tác mới: Phó ban Tham mưu của Tỉnh đội Quảng Trị và trực tiếp vào chiến trường B. Trong một lần đi khảo sát trận địa, ông bị trúng bom, bị dập một lá phổi, gãy xương sườn số 3 và hỏng 7/10 mắt. Sau một thời gian điều trị, ông tiếp tục công tác nhưng phải chống gậy. Sau một thời gian, ông quyết định đi mổ mắt với hy vọng có thêm một phần ánh sáng, nhưng không may, mắt ông bị nhiễm trùng và mất hẳn thị lực cho đến giờ.

Năm 1995, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Quảng Trị. Gắn bó với những người cùng cảnh ngộ, ông suy nghĩ: "Mình là người có lương bổng, có chế độ thương tật mà sống còn cực như thế này, thì những người không có công ăn việc làm sẽ sao đây?". Ông đi liên hệ các cơ sở mua tăm, huy động từ thiện. 7 năm làm ở Hội, ông đã huy động được nhiều nguồn tài trợ để phụ trợ thêm mức sống cho các hội viên.

Ông có hai người vợ. Người vợ thứ nhất: "Tổ chức đám cưới mùa đông/ Khi sang mùa hạ dứt lòng ra đi", ấy là vào mùa hè năm 1951, ông Lê Xuân Vy vào bộ đội địa phương thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, phải tạm xa vợ mới cưới được 5 tháng. Thời gian từ năm 1951-1953, ông từng là Chiến sĩ thi đua giết giặc lập công của Quân khu 4 trong thời gian chiến trường chia lửa với Điện Biên Phủ. Sau đó, ông được cử ra Nghệ An học lớp đặc công. Nào có ai ngờ, cơn sốt rét ác tính đã cướp đi người vợ và người con mới sinh của ông. Nuốt đau buồn để chiến đấu, thỉnh thoảng nhiều đồng chí vẫn nhìn thấy ông đọc lại những trang thư cũ của người từ hậu phương, cũng chỉ biết khuyên ông nguôi ngoai bớt nỗi buồn cho nhẹ lòng.

Rồi vết thương nào cũng thành da, 10 năm sau ông gặp bà Nguyễn Thị Thiệp, một thôn nữ nết na, dịu dàng ở huyện Vĩnh Linh và họ nên vợ nên chồng. Bà đã cùng ông những tháng ngày trong địa đạo, đi cùng ông suốt những năm tháng gian khổ, hy sinh, chia sẻ những buồn vui, đau khổ cùng ông. Mấy chục năm qua, khi mắt ông bị hỏng, bà luôn túc trực bên ông chăm ông từng bát cơm, giặt từng chiếc áo. Nhà cách chợ không xa, bà đi ra chợ cũng không dám đi lâu, thổi nồi cơm cũng mong nhanh chín. Ông bảo: "Bài thơ về cây gậy thực ra tôi viết cho bà này đây. Sự gắn bó, thủy chung, những gian khổ hy sinh ở bà Thiệp thì hiếm có. Bà là cây gậy suốt cuộc đời tôi, kể cả khi mắt tôi còn sáng".

Lê Xuân An, một trong những cậu bé sinh ra trong lòng địa đạo năm xưa giờ đã bước sang tuổi 38, hiện công tác tại Viện KSND thị xã Đông Hà, đồng thời cũng là người thành đạt nhất trong 18 em bé được sinh ra trong hầm địa đạo năm nào. Sau An còn hai người em trai, giờ đây ai cũng thành đạt và đã có gia đình, cuộc sống như thế với ông bà cũng khá mãn nguyện. Nhất là, các con ông ai cũng sống hạnh phúc, "trời lại cho những người con dâu rất hiếu thảo" như nhận xét của bà. Nhưng đôi lúc ông vẫn thấy buồn buồn: "Thằng An nó sống có cái tâm, nó bảo: "Khi ba mạ còn sống, chúng con quyết tạo điều kiện để ba mạ thoải mái nhất" Nhưng nó không hiểu rằng, ba mạ không muốn gì cả vì ba mạ có lương hưu. Cái ba mạ cần là dù chúng nó đã lớn, ba mạ vẫn muốn gần chúng nó…"

Hoàng Nguyên Vũ
.
.
.