Người dân miền Tây đón mùa nước nổi

Chủ Nhật, 03/09/2017, 07:25
Từ sau trận lũ năm 2011 đến nay, mực nước lũ trung bình hằng năm đều thấp. Nước lũ về ít, việc mưu sinh của người dân gặp nhiều khó khăn. Năm nay, mực nước lũ về cao hơn nhiều năm, hai tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp chủ trương lấy ý kiến người dân và đồng nhất mở đê, phân lũ đón phù sa và vệ sinh ruộng đồng...


Bài 1: Cá tôm về, “cứu tinh” cho người nghèo vùng lũ

Lâu lắm rồi, người dân miền Tây ít nhắc về khái niệm mùa nước nổi. Hằng năm, vào khoảng từ tháng 7 âm lịch trở đi, con nước đỏ nặng phù sa từ thượng nguồn sông Mêkông cuồn cuộn đổ về đồng bằng, mang theo bao sản vật. Người dân hớn hở chuẩn bị ngư cụ, đánh bắt thuỷ sản, khai thác nguồn lợi từ mùa nước nổi, như: cá linh, tôm càng xanh, ốc, hến, lươn, chạch, bông điên điển... Mùa nước nổi đã nuôi sống hàng triệu người dân nghèo, sống dựa vào khai thác lợi thế mùa lũ nối tiếp từ đời này qua đời khác.

Từ sau trận lũ năm 2011 đến nay, mực nước lũ trung bình hằng năm đều thấp. Nước lũ về ít, việc mưu sinh của người dân gặp nhiều khó khăn. Tại các huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang và Đồng Tháp, đồng ruộng được đê bao khép kín trồng lúa vụ 3 (lúa thu đông), đảm bảo nguồn an ninh lương thực, phục vụ xuất khẩu và giải quyết việc làm nông nhàn cho những năm lũ về ít. Năm nay, mực nước lũ về cao hơn nhiều năm, hai tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp chủ trương lấy ý kiến người dân và đồng nhất mở đê, phân lũ đón phù sa và vệ sinh ruộng đồng.

Nơi đầu nguồn con nước…

Sau 6 năm, mực nước lũ về cao nên người dân vùng đầu nguồn phấn khởi, chuẩn bị ngư cụ tận dụng con nước để khai thác thuỷ sản. Chạy dọc các xã tuyến biên giới Phú Hội, Phú Hữu, Khánh Bình, Nhơn Hội, Vĩnh Hội Đông… của huyện đầu nguồn An Phú (An Giang), nơi nào cũng thấy người dân tất bật chuẩn bị câu, lưới đón mùa nước nổi đánh bắt sản vật. Ai cũng mong một mùa lũ đẹp, đầy tôm, cá.

Nghề lẫy ốc thuê mùa nước nổi mang lại thu nhập ổn định cho bà con vùng đầu nguồn.

Còn tại ấp Phú Hiệp (xã Phú Hữu) có khoảng 200 người chuyên làm nghề hái bông điên điển, hái ban ngày không kịp giao cho thương lái, các hộ này phải thức từ 2-3h sáng để ra đồng. Bà Nguyễn Thị Thủ (55 tuổi) cho biết: “Cây điên điển mọc dọc theo các con kinh, sông, hễ nước ngập gốc là trổ hoa. Giá bông điên điển ở thời điểm hiện tại là 12.000 đồng/kg, mỗi ngày hái được từ 5 – 7kg, kiếm được khoảng 100.000 đồng”. Cũng theo bà Thủ, thì để có bông điên điển hái, ngoài lượng cây tự nhiên, các hộ dân trong ấp phải tự trồng thêm mới đủ cung ứng cho thị trường.

Nhiều năm nay, ấp Vĩnh Phú (xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, An Giang) được xem là “xóm ốc”. Những người cao niên cho biết, “xóm ốc” được hình thành cách nay khoảng 10 năm, mỗi ngày cung ứng cho thị trường vài tấn ốc thành phẩm. Vào mùa nước nổi, lượng ốc nhiều thì người dân nơi đây làm mướn cho các chủ vựa, còn khi nước rút thì tự đi mò ốc.

Anh Nguyễn Văn Tuyết (người dân ở địa phương, chuyên làm nghề lẫy ốc), cho biết: “Mỗi ngày, một người có thể lẫy từ 10 -20 giỏ ốc, mỗi giỏ ốc được chủ vựa trả công cho 6.000 đồng, tính ra thu nhập trên dưới 100.000đ/ngày. Mặc dù hơi thấp, nhưng được công việc ổn định và phụ nữ, trẻ em đều có thể kiếm được tiền, tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Ngồi ghe trên cánh đồng Phú Hội (huyện An Phú), nơi đón con nước đầu tiên của thượng nguồn sông Mêkông đổ về, người dân tấp nập quăng lưới, thả câu, đặt dớn, lú… để thu nguồn lợi thủy sản thiên nhiên ban tặng. Từ 3h sáng, người dân đội đèn, chạy xuồng ra đồng đánh bắt cá, tôm.

Anh Đỗ Tiến Dương (ấp Phú Thuận), phấn khởi: “Năm nay, nước về sớm hơn so với mọi năm, nên hơn tháng nay, ngày nào tôi cũng ra cánh đồng Phú Hội đặt dớn, lú… từ 3h sáng. Ngày nào trúng mánh thì được 1 – 1,5 triệu đồng, còn hôm nào ít nhất thì cũng được vài trăm ngàn. Nếu nước cứ dâng như đà này, mùa đánh bắt của bà con nơi đây sẽ kéo dài cho đến hết tháng 10 âm lịch”.

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng lúa bạt ngàn của người dân vừa thu hoạch xong, ông Trần Hồng Phúc, Chủ tịch xã Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết, đây là vùng đê bao khép kín 2.600ha của người dân hai xã Thường Thới Tiền (1.700ha) và Thường Phước 2 (900ha).

“Trước đây, vùng này cá linh nhiều vô kể. Có thể nói, cánh đồng này là túi chứa cá của Hồng Ngự, mỗi khi con nước từ thượng nguồn đổ về” - ông Phúc nói.

Ông Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Phú Hội (huyện An Phú, An Giang), cho biết: “Ngư dân đầu nguồn đang trong tâm thế sẵn sàng đón lũ. Mặc dù là những mô hình làm ăn thời vụ nhưng hiệu quả kinh tế từ khai thác sản vật mùa nước nổi đã cải thiện đáng kể đời sống người dân. Tuy nhiên, điều mà các cấp, ngành và địa phương quan tâm là tăng cường khuyến cáo bà con nên có kế hoạch đánh bắt để bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như bảo vệ môi trường và hệ sinh thái”.

Nhộn nhịp chợ đầu mối

Cứ hễ mùa nước nổi về, thì chợ cá Kinh Ruộc lại xuất hiện giữa cánh đồng Phú Hội (huyện An Phú, tỉnh An Giang) giữa bốn bề mênh mông nước. Năm nay, nước về sớm, nguồn cá đồng dồi dào, khiến cho cảnh mua bán càng tấp nập, rôm rả… Chợ cá nằm ngay ngã tư sông Kinh Ruộc (ấp Phú Thuận, xã Phú Hội, huyện An Phú).

Nhộn nhịp chợ cá Kinh Ruột (xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang).

Theo những bậc cao niên tại đây, chợ cá này được hình thành từ xa xưa, chủ yếu mua bán, trao đổi các mặt hàng đặc sản “rặt đồng” của mùa nước nổi, như: cá linh, cua đồng, rắn bông súng, cá sặc, cá rô… Chợ hoạt động nhộp nhịp từ khoảng 7h sáng cho đến tận trưa. Những chiếc ghe lớn của thương lái được neo đậu cặp sông, chờ xuồng, vỏ lãi người dân đánh bắt chở cá, cua đến cân bán. Chỉ mới đầu mùa nước nổi, nên lượng cá chưa nhiều chủ yếu là cá linh, một đặc sản của mùa lũ. Giá cá linh hiện tại được thương lái thu mua với giá 35.000đ/kg, sau đó được trở bán lại ở các chợ đầu mối Long Xuyên, Cần Thơ…

Bà Nguyễn Thị Thoa, một thương lái mua cá linh, cho biết: “Ngày nào cũng vậy, tôi chạy ghe lên đây thu mua khoảng vài trăm kilogam đến 1 tấn cá linh từ các hộ đánh bắt. Sau đó chở về chợ đầu mối Long Xuyên bán lại, hưởng tiền chênh lệnh. Sản vật ở đây toàn là đồ tự nhiên và cách mua bán cũng thật vui vẻ, hào sảng. Không có cảnh trả giá, tranh cãi, mọi người hòa đồng, cởi mở”.

Nằm giữa vùng Đồng Tháp Mười trù phú, chợ cá đồng Trường Xuân (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) nổi tiếng từ bao đời nay. Cứ vào mùa lũ hằng năm, các đặc sản mùa nước nổi như: cua, cá, tôm… được ghe xuồng chở đến tấp nập. Chợ có vị trí khá độc đáo, là rốn lũ của vùng Đồng Tháp Mười và là nơi giao nhau của Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang. Các sản vật được bày bán tại đây, chủ yếu nhờ vào con nước tràn đồng, được ngư dân đánh bắt và đem ra chợ bán. Chợ thường hợp từ khoảng 1h khuya đến 7h sáng, rồi thưa dần. Cá linh được ngư dân chuyển đến cho các vựa cá, rồi từ đây được xe tải chở đến các chợ đầu mối đi các tỉnh cho kịp chợ vào sáng hôm sau.

Càng đi ngược lên vùng đầu nguồn của Đồng Tháp, không khí đón lũ càng nhộn nhịp. Cả tháng nay, người dân xã Thường Thới Hậu A (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp), tiếp giáp với Campuchia nơi con nước từ thượng nguồn đổ vào sông Sở Thượng đã tất bật chuẩn bị các tay lưới, đặt dớn, lú… để đánh bắt cá tôm. Hiện tại, mực nước ở cánh đồng nằm trong bờ đê bao số 1, rộng khoảng 200ha đã ngập nước hơn 1m.

“Đây cũng là lộc trời cho người dân vùng đầu nguồn. Dù không nhiều, nhưng mỗi ngày cũng có vài ký cá, đủ ăn và lai rai với lối xóm” - ông Đỗ Văn Kỷ (63 tuổi, ngụ ấp Bình Hoà Thượng) vừa nói khi chèo ghe chở chúng tôi ra cánh đồng đê bao số 1, đang ngập nước mênh mông. Theo lời ông Kỷ, đến mùa nước lũ toàn bộ diện tích lúa tại đê bao số 1 đều xả tràn, ngập nước mênh mông. Từ khoảng cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 là người dân đã đặt dớn, đặt lú để bắt cá tôm.

Kế nhà ông Kỷ, ông Đoàn Văn Ngôi (67 tuổi) đang sửa lại lú để mang ra cánh đồng nước đã ngập hơn 1,5m. Năm nay, đê bao số 1 cũng là nơi đầu tiên đón nước phù sa nên người dân không xuống giống vụ thu đông. “Nước về bà con ai nấy cũng mừng,vì có kế sinh nhai trong mấy tháng nước nông nhàn” - ông Ngôi nói.

Ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn An Giang, cho biết: “Sinh lợi từ mùa lũ năm nay sẽ rất lớn. Từ sau lũ 2011 đến nay năm nào mực nước lũ cũng thấp, thậm chí không có lũ như năm 2015 - 2016 đỉnh lũ thấp nhất lịch sử, người dân rất khó khăn trong quá trình sinh kế. Về nông nghiệp lũ sẽ mang lại phù sa cho vùng. Đối với vùng đê bao khép kín như ở An Giang thì tận dụng điều kiện lũ lớn này dâng nước lấy phù sa vào trong đồng để rửa sạch các loại dịch bệnh, tăng độ màu mỡ cho đất giúp sản xuất thuận lợi hơn”.

Văn Vĩnh – Trần Lĩnh
.
.
.