Người đàn bà "vượt cạn" nuôi 3 con trưởng thành

Thứ Sáu, 21/03/2008, 15:56
Tôi dùng cụm từ "vượt cạn" bởi lẽ, ngày chị dắt díu bầy con từ miền Bắc vào Kon Tum, không ai nghĩ rằng chị lại có thể trụ được để nuôi các con khôn lớn, trưởng thành như hôm nay. Người đàn bà ấy là chị Đinh Thị Lan.

Còn nhớ những ngày mưa tầm tã vào cuối năm 1992, bên vỉa hè đường Trần Phú (thị xã Kon Tum), một người phụ nữ gầy gò, ngồi co ro trong chiếc áo choàng mưa vì lạnh để bán nước chè xanh, thuốc lá, nhang Bắc, bánh mỳ, trứng lộn…

Quê chị Lan ở tận Hải Dương. Năm 1992, anh Nguyễn Đức Thẳng, chồng chị chết vì bệnh ung thư, để lại mình chị với 3 đứa con nhỏ: Cháu Nguyễn Thị Hương đang học lớp 6; cháu Nguyễn Đức Phương học lớp 4 và cháu Nguyễn Đức Đông học lớp 2. Bốn mẹ con vào đến thị xã Kon Tum chỉ còn 5 ngàn đồng trong túi. Nhà không. Công việc không… Chị Lan tưởng chừng như mình không vượt qua nổi cảnh khốn cùng này.

Thế nhưng, lời trăng trối của người chồng quá cố như vang mãi bên tai chị, rằng dù thế nào cũng phải cho các con có cái chữ, thôi thúc chị hành động, dù là công việc nặng nhọc nhất. Dưới gốc cây phượng già vỉa hè đường Trần Phú, chị quyết định căng vải bạt "khai trương" hàng tạp hóa, vốn ban đầu do người em cho mượn.

Ngày cũng như đêm, mưa cũng như nắng, 16 năm nay một mình chị trụ bám nơi gốc phượng già, chiếc võng là người thân gần gũi nhất đối với chị. Ba cháu nhỏ chị gửi ở nhờ nhà người em để đi học, lúc rảnh rỗi thì ra giúp mẹ.

Một lần, chị Lan kể, cháu Nguyễn Đức Phương vì quá thương mẹ đã quyết định bỏ học để đi làm cho một cửa hiệu (nhưng lại giấu mẹ). Được một tuần thì chị biết được. Chị đã khóc 3 đêm liền, đồng thời tâm sự để con hiểu việc học là tương lai sau này và cũng là thực hiện ước nguyện của bố. Và Phương đã đi học trở lại.

Không chỉ lo cho con, chị Lan còn chia sẻ tình cảm của mình cho một người con nuôi dân tộc thiểu số tên Y Hoa, lúc mới đem về Hoa đang học mẫu giáo. Mới năm ngoái, mẹ của Y Hoa quay trở lại xin đón con, lúc này cháu đã học lớp 5.

16 năm trôi qua, tóc của người mẹ ngày càng bạc thêm, quán cóc cũng vẫn như xưa, vẫn lặng lẽ núp dưới bóng phượng già… nhưng là ngọn lửa thắp sáng những tâm hồn trẻ thơ. Sự tần tảo một nắng hai sương của chị Lan đã được đền bù xứng đáng. Các con chị giờ đây đã trưởng thành, có công việc làm ổn định.

Tâm sự với chúng tôi, chị Lan bảo: “Dù các cháu có công ăn việc làm nhưng tôi vẫn không nghỉ bán hàng. Tôi sẽ tự kiếm sống cho đến khi nào không còn làm được nữa mới nhờ đến các cháu. Day dứt lớn nhất của đời tôi là đã gần 60 tuổi mà vẫn chưa làm được ngôi nhà để các con hằng năm đoàn tụ”

Vu Gia
.
.
.