Người cứu nạn nghiệp dư

Thứ Tư, 24/11/2004, 16:48
Bác Tuy kể, sáng sớm một ngày cuối năm 1998, bác đang đi dạo dọc ven quốc lộ 5 thì thấy hai vợ chồng và một đứa con trên một xe máy cố gắng đi qua đường tàu. Họ cứ tíu tít với nhau mà chẳng để ý đến con tàu đang ầm ầm lao tới. Thấy thế, bác vừa chạy vừa gọi họ. Nhưng không kịp nữa rồi. Tiếng “xoảng” khô khốc vang lên.

Cháu bé bị hất văng xuống mương, bố mẹ cháu bị con tàu kéo đi. Bác nhảy ào xuống mương, vớt cháu bé lên hô hấp nhân tạo.

Thấy cháu bé vẫn còn thoi thóp, bác vội đưa cháu tới Bệnh viện Hải Dương. Thế nhưng, đi được một đoạn thì cháu bé tắt thở. Bác lại lặng lẽ ôm xác cháu bé quay lại chỗ xảy ra tai nạn, đặt xuống bên đường rồi lượm từng phần xác bố mẹ cháu xếp lại.

Lần đó, quá bức xúc bác đã vào thẳng vào ga Phạm Xá, yêu cầu các cán bộ phải làm ngay biển báo nguy hiểm đặt ở chỗ đường bộ giao với đường sắt. Vài ngày sau, công nhân đường sắt đã mang biển báo ra cắm. Từ đó đến nay, ở khu vực này ít khi xảy ra tai nạn.

Người cứu nạn nghiệp dư đó là bác Nguyễn Ngọc Tuy - người mà dân ở ven quốc lộ 5, từ cầu Lai Vu đến thị trấn Phú Thái (Kim Thành, Hải Dương) ai cũng biết. Họ kể về bác với một niềm khâm phục, kính trọng.

Một ngày tháng 5/1997, hai chiến sĩ công an tỉnh Hải Dương đang đi trên đường thì xe nổ lốp trước. Cả hai văng vào đường bất tỉnh, chân tay bị gãy, máu chảy đầm đìa. Bác Tuy chạy vội về nhà tháo hai cánh cửa làm cáng đưa hai nạn nhân đi cấp cứu. Cũng từ đó, phương tiện cứu nạn của bác Nguyễn Ngọc Tuy có thêm 2... cánh cửa. Mãi đến sau này, Hội Chữ thập đỏ của tỉnh mới biết việc làm của bác và cấp cho chiếc cáng chuyên dụng. Tuy vậy, chiếc cáng chỉ dùng vài lần đã hỏng, nên bác vẫn phải sử dụng hai cánh cửa.

Một lần, bác Tuy đi ăn cưới thì có tai nạn xảy ra cách nhà bác 500 mét. Mọi người nháo nhào tìm bác mà không thấy đâu. Lúc xe cấp cứu đến thì nạn nhân đã tắt thở. Sau lần đó, bác Tuy cứ day dứt mãi. Bác bàn và được vợ ủng hộ, nên đã mua chiếc điện thoại vô tuyến để làm phương tiện liên lạc. Bây giờ, bác Tuy cũng mang theo điện thoại và chiếc túi đựng bông băng, nẹp tre, thuốc trợ sức... để tiếp cứu khi tai nạn xảy ra.

5h sáng, vừa mở cửa, bác Tuy nghe thấy tiếng “ầm ầm”, “loảng xoảng”. Chạy ra ngoài đường, bác phát hiện một chiếc xe tải húc đổ nhà anh Quân. Bác chạy về phía đống đổ nát, lao vào bới gạch ngói, vôi vữa để tìm các nạn nhân. Bàn tay, bàn chân bị sắt thép, bêtông cứa vào chảy máu nhưng bác không để ý. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ đào bới suốt một tiếng đồng hồ thì phát hiện ra xác anh Quân bị vùi trong nhà vệ sinh, đầu giập nát... Từ vụ tai nạn đó, dường như việc cứu nạn đã gắn với bác Tuy như một định mệnh.

Bác Tuy lật từng trang sổ ghi chép từ năm 2002 trở lại đây. Tính ra, bác đã sơ cứu các nạn nhân trong gần 300 vụ tai nạn, cứu sống cả trăm người cận kề cái chết, chưa kể số người được bác cứu từ năm 2000 trở về trước. Trong số các vụ cứu nạn đó, có một vụ mỗi khi nhớ lại, bác cảm thấy rất đau lòng. Đó là vào lúc 10h một ngày hè năm 1997.

Khi đi làm về, bác thấy một chiếc xe tải lao nhanh, ép sát vào mép đường, nơi có cháu gái mới 17 tuổi, đang đi học về trên chiếc xe đạp. Gã lái xe chủ ý trêu cô gái, nào ngờ mất tay lái, chiếc xe tải húc vào cô rồi bánh xe đè lên. Lúc bác chạy đến, thấy cô gái vẫn cố nhấc đầu lên, ngơ ngác nhìn bác một lát rồi dần dần lịm đi. Bác lặng lẽ mua miếng vải trắng phủ lên xác cháu gái để mọi người nhìn thấy đỡ đau lòng

Phạm Ngọc Dương
.
.
.