Người cựu chiến binh 3 lần được gặp Bác Hồ

Thứ Ba, 20/05/2008, 11:23
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Trung, quê ở xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) là một trong những người chế tạo bánh lương khô đầu tiên mang nhãn hiệu "Made in Việt Nam". Ông Trung còn là người may mắn được gặp Bác Hồ ba lần trong đời và có những kỷ niệm không bao giờ quên...

Nghe nhiều người kháo nhau về "sơ đồ chiến trận có một không hai" của "ông già Trung", chúng tôi lặn lội tìm đến thăm và hầu chuyện ông. Ông Trung nay đã là một cụ già ngoài 80 tuổi song trông vẫn còn tráng kiện và quắc thước lắm.

Nghe chúng tôi khen ông đẹp lão, ông cười: "Đẹp chi mô, mỏi gối chồn chân rồi! Còn mấy đứa bạn nằm trong rừng tối nào cũng nằm mơ song sức yếu chưa tiếp tục đưa bọn hắn về quê được!". Rồi ông thong dong kể chuyện đời mình.

Tình bạn cao đẹp với Anh hùng Lao động Hồ Giáo

Năm 19 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Đình Trung đã tham gia cách mạng. Năng nổ, nhiệt thành và được nhân dân yêu quý, anh nhanh chóng trở thành đảng viên và nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng ở địa phương. Từ sau năm 1954, trước sự khủng bố tàn khốc của Mỹ, Diệm, ông Trung được tổ chức phân công tập kết ra Bắc.

Ông kể: "Lúc ấy tôi đi vào Bình Định để chuyển quân tập kết như đã quy định. Trên đường đi, tôi đã gặp 9 đồng chí ở nhiều địa phương khác cùng đi tập kết. Chuyến tàu tôi đi là chuyến cuối cùng đưa anh em tập kết ra Bắc. Tuy nhiên, trên đường đi ra Bắc, có đến 5 người đã chết vì đói!".

Rồi ông kể tiếp: "Khoảng thời gian sống ở miền Bắc là thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời của tôi vì ở đó tôi được gặp Bác Hồ và được kết thân với anh Hồ Giáo.

Năm 1960, tôi và Hồ Giáo được phân công phục vụ cho Đại hội Đảng lần thứ 3. Từ đó chúng tôi thân nhau như anh em ruột thịt, ăn chung, làm chung, tiền lương cũng góp chung vào để dùng. Lúc đó, tôi và Hồ Giáo thề với nhau rằng: "Dù sống hay chết cũng phải phục vụ Đảng đến hơi thở cuối cùng!".

Thế rồi, đôi bạn tâm giao đó, được cử qua Trung Quốc để học nghề làm lương khô nhằm phục sản xuất và phục vụ cho chiến trường miền Nam. Sau khi về nước, họ đã bắt tay vào sản xuất thành công lương khô và cung ứng cho chiến trường miền Nam. Đó là những thỏi lương khô đầu tiên mang nhãn hiệu "Made in Việt Nam".

Sau đó, do yêu cầu công tác, một người ở miền Bắc để gắn bó với "đàn bê của anh Hồ Giáo" (sau này là Anh hùng Lao động), người còn lại là ông phải trở lại miền Nam chiến đấu. Dù trên mặt trận nào, họ vẫn luôn làm tốt công việc được giao và thực hiện trọn vẹn lời thề năm nào "Dù có chết cũng phải phục vụ Đảng đến hơi thở cuối cùng!".

Chuyện về 9 hạt mít Bác Hồ tặng

Được gặp và nghe Bác Hồ là một vinh dự lớn cho bất cứ ai đã từng gặp Bác. Đối với người chiến sĩ già Nguyễn Đình Trung cũng vậy. Ấn tượng về cung cách giản dị, mộc mạc của Bác Hồ đã làm cho ông Trung nhớ mãi.

Ông kể: "Đầu năm 1962, tôi được cử về Nghệ An để làm việc. Một hôm được tin Bác về thăm, ai cũng chạy vội ra cửa trước để đón Bác. Nhưng không ngờ, một lúc sau Bác lại đứng sau lưng chúng tôi tươi cười nói: "Các cháu chờ Bác à?". Đến lúc đó tôi mới biết Bác đã đi cửa sau, vào nhà bếp để kiểm tra chúng tôi ăn uống thế nào. Nhiều người khi biết thế, nước mắt rưng rưng vì cảm động".

Có một kỷ niệm về Bác Hồ mà đến bây giờ ông Trung vẫn còn nhớ như in: "Khi chúng tôi tập kết tại sân bay Gia Lâm để chuẩn bị trở về miền Nam chiến đấu thì bất ngờ Bác Hồ đến thăm. Chân đi đôi dép cao su quen thuộc, Bác ân cần hỏi thăm và động viên chúng tôi. Rồi, Bác phát cho mỗi người chúng tôi 9 hạt mít và 1 gói hạt rau dền.

Nhận món quà của Bác song chúng tôi không hiểu ý Bác là gì. Dường như hiểu được điều đó, Bác ôn tồn: "Các cháu hãy rải những hạt mít và rau này dọc theo đường rừng tại miền Nam!".

Tôi ngớ người về thâm ý của Bác và chợt như văng vẳng đâu đây câu nói bất hủ của Người năm nào: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa...".

Ông Trung còn nói thêm với tôi: "Lời nói của Bác Hồ thường ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa, trọn đời tôi không bao giờ quên lời dạy của Người".

Đi tìm đồng đội

Tại chiến trường miền Nam, ông Trung được cử làm Chủ nhiệm quân nhu của Trung đoàn 220. Nhiệm vụ chính của ông là huy động lương thực cho bộ đội. Vì làm tốt công tác dân vận nên trong hoàn cảnh khó khăn ông Trung vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, ông còn thuyết phục được rất nhiều lính quân đội Sài Gòn trong đồn Nam Phước (tại huyện Duy Xuyên - Quảng Nam) vận chuyển gạo ra cho cách mạng. Công trạng của ông thì nhiều lắm nhưng ông không muốn kể vì "làm cách mạng không phải để kể công".

Điều đáng nói là, dù hoà bình đã lâu, lửa chiến tranh đã tắt song không đêm nào ông không mơ thấy chiến tranh, thấy những người đồng đội của mình ngã xuống, thế là trước cái sân nhỏ nhà mình, ông Trung dựng lên một cái miếu để tưởng nhớ đồng đội.

Cái miếu như một chiếc sa bàn, là mô hình thu nhỏ của chiến trường ngày xưa mà ông cùng với đồng đội đã sống và chiến đầu. Nó có đủ rừng cây, doanh trại và cả những nấm mồ đánh dấu nơi đồng đội của ông ngã xuống.

Những năm qua ông Trung tự đi tìm và quy tập được 12 hài cốt của đồng đội và đưa về quê an táng. Nỗi trăn trở lớn nhất của ông lúc này là, vẫn còn một số đồng đội nằm lại ở chiến trường xưa, mặc dù ông biết rất rõ vị trí song tuổi đã già nên ông không thể tiếp tục băng rừng, vượt suối đi tìm được…

Trò chuyện với ông Nguyễn Đình Trung, chúng tôi càng cảm phục phẩm giá cao quí "anh bộ đội Cụ Hồ" có trong ông ngày trước. Và bây giờ, dù "súng gươm vứt bỏ" song ông vẫn mãi mãi là "anh bộ đội Cụ Hồ", vẫn đau đáu nỗi nhớ và tri ân đối với đồng đội một thời chiến tranh máu lửa bên nhau…

H. Giang - H. Anh
.
.
.