Người cựu binh mù và những “huyệt đạo” chữa bệnh đặc biệt

Chủ Nhật, 02/10/2005, 07:45

Tuy khiếm thị, nhưng mỗi khi anh Nguyễn Mạnh Tĩnh ra khỏi nhà là lại có người cúi đầu chào bằng “thầy”, gọi bằng “lương y”. Với đôi bàn tay như “có mắt”, anh đã chữa trị, cứu giúp hàng ngàn bệnh nhân, trong đó có những bệnh nhân mang trọng bệnh như bại não, liệt nửa người, liệt dây thần kinh liên sườn...

Điều khá đặc biệt với lương y Nguyễn Mạnh Tĩnh là từ người có bệnh, người phải đi điều trị bệnh tật, nhưng trong quá trình điều trị, anh học hỏi, tự chữa cho mình, rồi chữa cho người thân trong gia đình, và bây giờ trở thành lương y có tiếng tại làng Đại Kim. Anh Tĩnh kể: “Năm 1977, tôi rời Ba Vì, Hà Tây lên đường nhập ngũ. Những đảo lớn, đảo nhỏ trên quần đảo Trường Sa, tôi đã đi qua. Năm 1984, tôi xuất ngũ, trở về công tác tại Công ty Đa ngành, thuộc Công ty Xây dựng Việt Nam. Vài năm sau tôi lấy vợ. Những tưởng cuộc sống cứ thế êm đềm trôi đi, nhưng một tai nạn bất ngờ đã đẩy tôi và gia đình vào cảnh khó khăn: Trong lúc lao động, một chiếc đinh đã cắm vào mắt trái. Do di chứng, mắt trái, rồi mắt phải cứ thế mờ dần...”.

Không thể kể hết những khó khăn, gian khổ mà anh Tĩnh và gia đình phải đối mặt khi đôi mắt anh không còn nhìn thấy ánh sáng. “Đớn đau, tủi nhục, cơ cực, mình còn chịu đựng được, nhưng bây giờ kéo theo cả vợ, cả con nữa, thì tội lắm! Đêm nằm không tài nào ngủ được. Nghe tiếng gà gáy mà nước mắt cứ chảy đầm đìa. Phải làm sao để không trở thành gánh nặng cho gia đình, cũng như không trở thành người thừa trong xã hội?...”.

Từ người bệnh trở thành thầy thuốc

Từ suy nghĩ như vậy, anh Tĩnh đã lần dò tìm thầy mong muốn học hỏi một nghề gì đó phù hợp với đôi bàn tay của mình. Một điều khá may mắn với anh, là trong thời gian dưỡng bệnh, anh được một chuyên gia bấm huyệt đến từ Trung Quốc trực tiếp điều trị, châm cứu cho mình. Người thầy thuốc này, nghe anh kể chuyện gia đình, chuyện đời, lại thấu hiểu, và cảm thông, muốn chia sẻ khó khăn với anh, nên ngoài việc bấm huyệt, thầy còn truyền dạy cho anh những “huyệt đạo” đặc biệt. Theo thầy thì nếu như học nắm và thuộc những “huyệt đạo” này thì nắm được “đường sống” của con người. Anh Tĩnh nghe thầy giảng mà như nuốt lấy từng lời.

Khi kết thúc đợt chữa bệnh, cũng là lúc những huyệt đạo cơ bản nhất trên cơ thể con người được anh Tĩnh nắm vững. Nhưng chưa thể bắt tay vào việc chữa bệnh cứu người được, khi chưa thể hiểu rõ tường tận mọi vấn đề. Được sự giới thiệu và hỗ trợ của Trung tâm hỗ trợ nhân đạo, Hội Cựu chiến binh Hà Nội, anh Tĩnh đã theo học khóa 7, lớp Y học cổ truyền tại trung tâm. Sau 3 năm học hỏi kiến thức ở đây, anh đã tự tin hơn với mình. Về nhà anh mở phòng khám đông y, chuyên châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, phục hồi chức năng. Phòng khám, điều trị là ngôi nhà gia đình anh đang ở. Không trưng biển, nhưng tiếng lành đồn xa, rồi bệnh nhân cứ thế tìm đến với anh ngày một nhiều hơn. 

Phương châm với bệnh nhân: “vào héo, ra tươi!”

“Nói là phương châm làm gì cho nó khó hiểu, cho nó phức tạp ra. Đó là cách nghĩ của tôi mà thôi”. Anh Tĩnh đã giảng giải về cách suy nghĩ của mình như vậy, khi chúng tôi hỏi về phương châm sống, chữa bệnh, cứu người. Rồi anh cười hiền: “Cuộc sống của con người, nếu so với vũ trụ, thì thật là ngắn ngủi. Tôi sống ngày nào, tôi muốn làm, làm thật nhiều để giúp đỡ cho bệnh nhân, cho những người xung quanh tôi khỏe hơn, có cuộc sống tươi đẹp hơn...”.

Chính vì quan niệm như vậy, nên bất kỳ khi nào, bệnh nhân gõ cửa nhà mình, anh đều tận tình, chu đáo săn sóc, điều trị. Trong tủ của anh để một tập sổ dày, được coi là “bệnh án”, ghi lại họ tên, địa chỉ, những căn bệnh mà bệnh nhân mắc phải khi đến điều trị. Có bệnh nhân nặng thì bị liệt não, người thì bị liệt dây thần kinh, người thì bị liệt toàn thân... bệnh nhân nhẹ thì đau dây thần kinh liên sườn, nhức đầu, méo mồm, hay chỉ gãy ngón chân... đều được anh điều trị khỏi.

Anh đưa cho tôi cuốn sổ mới nhất. Mới chỉ hơn một tuần, nhưng cũng đã có đến gần 30 bệnh nhân mới được ghi tên, tuổi, địa chỉ. Nguyễn Thị Ngọc ở Mai Dịch, Cao Thị Lan ở Phương Liệt, Lê Thị Khôi ở Phương Liệt... đau dây thần kinh phải, tâm thận bất giao, hay buồn. Bác Chung ở Lãng Yên, chấn thương xương cột sống D1, D2, ảnh hưởng viêm phổi, họng ho; Lê Thị Hà, hội chứng đau đầu do rối loạn hệ thần kinh thực vật cảm ứng; Nguyễn Thị Nhung, giáo viên Trường Tô Hoàng, do rối loạn kinh nguyệt dẫn đến đau chi trên... các bệnh như thoái hóa, viêm khớp, viêm đường tiết niệu. Vũ Tiến Triển ở ngõ Thống Nhất, Đại La (ĐT: 04.8699711), viêm khớp chân trái bên mu bàn chân dưới mắt cá ở xương chân trụ và xương quay ở tay phải... Những bệnh nhân này vừa được anh điều trị khỏi bệnh.--PageBreak--

Nhiều bệnh nhân mang trọng bệnh, chữa ở các bệnh viện không khỏi, về nhà thất vọng, rồi được người ta mách bảo, lại tìm đến với anh Tĩnh. “Có những bệnh nhân bị trọng bệnh, đến các bệnh viện, nhưng  không thuyên giảm, đến với tôi điều trị, lại khỏi. Không phải dùng thuốc đắt tiền, không phải dao này kéo nọ, mà chỉ dùng điện châm, thủy châm, rồi xoa bóp, bấm huyệt. Điều này đã giúp đỡ bệnh nhân rất lớn khi không phải trả tiền thuốc thang như ở bệnh viện. Bệnh nhân đến với tôi là “héo”, nhưng khi ra về làm sao họ phải là người tươi tắn nhất...”  - Anh Tĩnh tâm sự.

Ca bệnh điển hình nhất cho việc đi cầu cứu ở nhiều bệnh viện, nhiều phòng khám là bà Điệu, bán nước ngay đầu ngõ nhà anh Tĩnh. Bà Điệu năm nay ngoài 60 tuổi, bị dây thần kinh kéo lệch miệng sang bên phải. Nói khó đã đành, nhưng khổ nhất là ăn uống không được, vì mồm cứ méo xệch. Bà đã đi nhiều nơi, tìm tới nhiều bệnh viện để châm cứu, gặp thầy này thầy kia, cuối cùng thì bệnh tình vẫn y như cũ. Gặp tôi, bà kể: “Đây, anh xem, bây giờ thì tôi gần như người thường. Đấy là nhờ bàn tay châm cứu của anh Tĩnh. Anh viết làm sao, để cho nhiều người biết đến anh Tĩnh, để rồi được chữa cho khỏi bệnh. Tôi có bệnh rồi, tôi biết, khổ lắm, không biết tâm sự nỗi khổ của mình cùng ai cả, mà cũng chẳng ai thấu hiểu nỗi niềm đó của mình...”. Bà Điệu bây giờ khỏe, tươi tắn và trẻ ra, ngày ngày lại trương rèm, mở quán, pha nước trà chén bán cho khách qua đường.

“Sống là cho, đừng nhận với riêng mình”

Đó là quan niệm sống hàng ngày của anh Tĩnh. Chính vì vậy mà cho dù ai, ở đâu, có nhiều tiền hay ít tiền, khi cần đến đôi tay tài hoa của Tĩnh, anh đều hết sức giúp đỡ. Với những bệnh nhân tỉnh xa, khi biết tiếng, đã kéo về Hà Nội, đến nhà anh “trăm sự nhờ thầy”, anh biết có người này, người kia, nhưng với bất kỳ ai, đã là bệnh nhân, anh đều vui vẻ nhận lời.

Ca bệnh đáng nhớ mà anh vừa điều trị là bệnh nhân Nguyễn Văn Khung, 75 tuổi, ở Việt Trì, Phú Thọ (ĐT: 0210.847386). Ông Khung là thương binh nặng, mù cả hai mắt. Thời gian gần đây lại bị huyết áp cao, tai biến mạch máu não, liệt nửa người. Ngày 24/5/2005, ông Khung được đưa từ Phú Thọ xuống, anh cho lưu trú ngay tại nhà mình, điều trị vừa tròn một tháng, đến ngày 25/6 vừa qua, ông Khung đã phục hồi hoàn toàn, đi lại bình thường, tạm biệt gia đình anh, vịn vai vợ lẫm chẫm men theo bậc cầu thang, ra xe về nhà.

Theo anh Tĩnh, ông Khung là một ca bệnh đặc biệt. “Đặc biệt với tôi vì bệnh nhân là một người đã hy sinh xương máu, ánh sáng của đời mình cho cho ánh sáng của Tổ quốc. Khi gia đình đề cập đến chữa bệnh, tôi không chỉ nhận lời mà còn mời ông Khung lưu trú ngay trong nhà...” - Anh Tĩnh cho biết. Nhà chật, chiếc giường anh vẫn nghỉ đành nhường lại cho ông Khung. Cả thầy thuốc, và bệnh nhân đều là những cựu binh, nên tâm đầu ý hợp. Có phải vì vậy chăng, theo anh Tĩnh, dù bệnh tình rất nặng, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, dưới bàn tay châm cứu tài hoa của anh mà ông Khung đã nhanh chóng phục hồi.

“Chữa bệnh có đạt kết quả hay không còn phải có một niềm tin nhất định. Niềm tin đó đến cả ở hai phía, cả người thầy và cả bệnh nhân. Niềm tin đó như một sợi dây liên kết lại với nhau, truyền sóng cho nhau, và rồi đẩy bệnh tật ra ngoài. Niềm tin tạo ra một sức mạnh siêu hình, và khi niềm tin cộng với lòng nhiệt tình, sự đồng cảm nữa, thì sức mạnh còn nhân lên gấp bội...”. Anh Tĩnh đã lý giải như vậy khi nói về ca bệnh nặng nhưng lại nhanh phục hồi của người thương binh hỏng mắt Nguyễn Văn Khung.

Anh Tĩnh tâm sự: “Sống có ý nghĩa với đời là tốt lắm rồi, nói gì đến công lao với ai...”. Có phải vậy chăng, mà nhiều năm trong quân ngũ, khi trở về, bị thương tật như vậy, nhưng anh cũng chỉ được hưởng trợ cấp thương tật hơn 200.000 đồng/ tháng. Anh vẫn vui vẻ nói: “Nhiều người thiệt thòi hơn mình, nằm lại ở chiến trường, không còn nữa thì sao? Công lao nào kể hết với họ? Mình sống là cho mà, đừng nhận nhiều, vì nhận nhiều thì nợ nhiều đấy...”
Trọng Hoàng
.
.
.