Người cựu binh dũng cảm cứu người trong lũ dữ

Thứ Hai, 22/10/2007, 15:11
Ngày 21/10, mặc dù lũ đã rút dần, nhưng tỉnh lộ 68 nối các xã vùng Đông huyện Hải Lăng, Quảng Trị vẫn ngập sâu trong nước. Khó khăn lắm chúng tôi mới thuê được chiếc thuyền độc mộc của một dân chài vượt đoạn đường 7km men từ ngã ba Hội Yên để men theo bờ đê về thôn An Nhơn, xã Hải Dương tìm gặp anh Võ Thắng - một cựu binh dũng cảm lao ra dòng nước lũ cứu người, vớt xác.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ chống chèo giữa dòng nước bạc, chiếc thuyền chở chúng tôi mới cập được bến thôn An Nhơn. Nước vẫn ngập lai láng. Trên sắc mặt, người dân vẫn chưa hết bàng hoàng sau những đêm lũ dữ tràn về. Đặc biệt là sau vụ tai nạn lật đò thảm khốc làm chết 2 người con của gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Đông Dương kế bên.

Theo chỉ dẫn của Trưởng thôn, chúng tôi tìm đến nhà anh Võ Thắng. Anh Thắng cho biết: "Trước đây, tui đã cứu 3 người chết đuối rồi và có vớt xác, nhưng chưa có trường hợp mô lại ám ảnh mãi như gia đình bà Lan. Từ hôm lặn cứu người, vớt xác đến nay, về đêm tui thường mất ngủ".

Sáng 17/10, bà Nguyễn Thị Lan cùng 3 người con: Trần Thị Luyến (16 tuổi), Trần Ngọc Sinh (14 tuổi) và Trần Ngọc Hoá (12 tuổi) chèo thuyền đi chợ Điền Hương mua sắm vật dụng để đề phòng nước lũ kéo dài.

Trên đường từ chợ trở về, bà Lan ghé vào nhà người con rể tương lai là Lê Quang Tiệp (Tiệp vừa mới dạm hỏi con bà Lan cách đây 1 tháng và sắp sửa làm đám cưới) ở thôn Thanh Hương Đông, xã Điền Hương, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế (khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế).

Nhìn thấy nước lũ càng lúc càng lớn dần và rất nguy hiểm nên Tiệp lên thuyền đưa mấy mẹ con bà Lan về nhà. Sau khi chống thuyền men theo tỉnh lộ 68 (con lộ này bị nước ngập sâu gần 2m) được gần 4km, đến địa phận thôn An Nhơn thì không may gặp phải dòng nước xoáy, cây sào chống thuyền bị gãy nên chiếc thuyền bị dòng nước dữ nhấn chìm.

Anh Thắng kể rằng, lúc đó anh đang trên đường đi tìm chiếc đò phòng chống bão lụt của thôn bị trôi đêm trước, khi đến cơ sở mộc cách chiếc đò gặp nạn khoảng 50m thì nghe tiếng tri hô "cứu với" rồi tắt lịm từ phía sau lưng. Ngay lập tức anh Thắng lao ra dòng nước lũ.

Sau khi anh cùng bà Lan cứu được hai đứa con Trần Ngọc Sinh và Trần Ngọc Hóa vào bờ, bà Lan ú ớ chỉ tay ra vùng xoáy rồi bất tỉnh. Biết còn nạn nhân bị nước nhấn chìm nên anh Thắng gọi thêm người đến ứng cứu, hô hấp nhân tạo cho 3 mẹ con bà Lan ở trên bờ để anh tiếp tục lao xuống dòng nước xoáy tìm kiếm.

Do không xác định được vị trí nên sau 30 phút đánh vật với dòng nước xiết, anh mới vớt được Lê Quang Tiệp bị trôi cách đó vài chục mét. Đưa Tiệp vào bờ và được người dân tiếp sức, anh Thắng tiếp tục lặn tìm nạn nhân thứ hai và 20 phút sau anh mới vớt được Trần Thị Luyến bị mắc kẹt dưới đáy một đường rãnh. Dù không còn hy vọng nhiều nhưng anh Thắng vẫn huy động bà con khẩn trương đưa nạn nhân về Trạm xá xã Hải Dương cấp cứu...    

Rời quân ngũ trở về địa phương, anh Võ Thắng lập gia đình với chị Nguyễn Thị Luyến, nhưng người vợ của anh lại bệnh tật triền miên, của nả bao nhiêu lần lượt "đội nón" ra đi bấy nhiêu nên vì thế mà gia cảnh anh Thắng luôn thuộc diện hộ nghèo "đội sổ" của làng.

Bốn đứa con của anh thì hai đứa lớn đã thất học từ mấy năm nay. Đứa con đầu ra tận Lạng Sơn làm nghề phụ hồ gửi tiền về quê giúp mẹ chữa bệnh, đứa thứ hai mới xong tiểu học lại phải ở nhà làm ruộng giúp đỡ gia đình. Năm 2006, được Tổ chức Tầm nhìn thế giới giúp đỡ, anh Thắng làm được ngôi nhà trị giá 10 triệu đồng.

Anh Trần Hùng - Trưởng thôn An Nhơn cho hay: "Cuộc sống bộn bề khó khăn, luôn chật vật với bát cơm gia đình nhưng hễ dân làng có việc cần là anh Thắng chẳng nề hà từ tang điếu, hiếu hỷ đến cứu hộ cứu nạn những ngày lũ lụt. Trước đây anh từng cứu 3 thiếu niên trong làng thoát khỏi lưỡi hái thủy thần. Dân làng rất mến phục anh bởi tấm lòng và những việc làm nhân nghĩa"

Hữu Hà
.
.
.