Người chiến sỹ An ninh gần 10 năm hoạt động trong lòng địch

Thứ Hai, 14/01/2008, 14:50
Theo chân Đại úy Nguyễn Thanh Lam - Đội phó Công an phụ trách xã của Công an huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi men theo con đường làng xóm 12 xã Đức Lâm (Đức Thọ) tìm gặp cụ Thái Kính, 86 tuổi, người chiến sĩ an ninh gan dạ đã từng hoạt động trong lòng địch ở vùng Tây Nguyên gần 10 năm.

Qua lời chỉ dẫn của cậu bé chăn trâu, chúng tôi tìm được nhà cụ Kính, đó là một căn nhà cấp 4 đơn sơ ẩn mình dưới vườn cây trong xóm nhỏ hiền hòa. Cụ giờ da đã mồi, tóc trắng xóa, nhưng dáng vóc vẫn khỏe mạnh, đôi mắt hiền từ dễ gần.

Bên chiếc bàn trà đơn sơ nhưng đầy ấm cúng, cụ bồi hồi kể cho chúng tôi nghe về những ngày còn hoạt động trong lòng kẻ thù.

Một buổi chiều đầu tháng 7/1962, anh Tân Nhuận, Phó ban Bảo vệ chính trị tỉnh Công an Hà Tĩnh mời tôi lên lán ăn kẹo lạc, uống chè xanh và nói tôi chuẩn bị tinh thần đi công tác xa theo điều động của Bộ.

Một tuần sau, 7 anh em trong Công an tỉnh nhận được lệnh phải ra gấp Hà Nội tập huấn nghiệp vụ để vào Nam hoạt động trong lòng địch. Sau một năm được đào tạo khá chu tất về nghiệp vụ, chúng tôi được lệnh hành quân vào miền Nam để hoạt động.

Điều sung sướng nhất của anh em chúng tôi trước lúc ra đi là được Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm hỏi động viên. Bác căn dặn chúng tôi ngắn gọn nhưng đầy tình cảm: "Các chú đi làm nhiệm vụ lần này cực kỳ khó khăn gian khổ, vì thế các chú phải hết sức cố gắng khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ, Bác và chú Phạm Văn Đồng tin tưởng ở các chú". Cả đoàn gần 120 người đáp lại bằng cách đồng thanh hô: "Hồ Chủ tịch muôn năm!".

Ngày lên đường, Bộ trưởng Bộ Công an hồi ấy là đồng chí Trần Quốc Hoàn đi ôtô tiễn chúng tôi ra khỏi Hà Nội. Chúng tôi mỗi người được cấp phát 2 bộ quần áo bà ba đen, 1 khẩu súng ngắn K54 với 20 viên đạn. Đến trạm cuối cùng của tỉnh Quảng Bình nằm giáp đất Quảng Trị, anh em mới nhận hành lý. Một cái gùi, 1 chiếc balô đựng quần áo, 10 tấm lương khô, gạo cùng với khoảng 20kg muối.

Chúng tôi hành quân cắt rừng, ngày đi đêm nghỉ ròng rã mất 7 tháng trời mới vào đến thị xã Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận). Do bị bọn địch bao vây phong tỏa các ngả đường, thế nên, vừa đặt chân đến thị xã, sợ bị địch phát hiện, anh em lại phải tức tốc băng qua đường ray của ga tàu lửa ở Tháp Chàm, men theo rừng cây, trèo đèo lội suối để đến được mảnh đất Lâm Đồng. Tới đây, đoàn tách ra mỗi người một nơi, một địa bàn hoạt động độc lập và bặt tin nhau từ đấy.

Chiến trường ở Tây Nguyên, Mỹ - Quân đội Sài Gòn tập trung mở hàng loạt chiến dịch càn quét mạnh. Lực lượng An ninh địch được tung về tận các ấp để tuyên truyền và chỉ huy chiến dịch, gây nhiều khó khăn, mất mát cho cán bộ nằm vùng của ta. Một số đồng chí chưa kịp đến nơi đã bị địch bắt hoặc bị sát hại. Vì thế mà để tiếp cận được đồng bào là điều hết sức khó khăn.

Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ tận tình của đồng đội, bà con, mấy tháng sau, tôi cũng đã vào được ấp Tân An (huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Tại đây, tôi sống với một gia đình nằm sát đường 20 chuyên trồng chè, làm nương rẫy. Phải mất một thời gian khá dài tiếp xúc, mới nắm được tình hình, nguyện vọng của bà con ta trên đó, bấy giờ tôi mới bắt tay vào tuyên truyền về cách mạng, về CHXN tốt đẹp.

Được sự giúp đỡ của chủ nhà, để gây được thiện cảm, hàng ngày tôi cuốc rẫy cho Trưởng xã Thơ Mân, làm giúp cà phê cho Trung úy Nguyễn Bảy - Trưởng ban An ninh ấp. Dần dà, ông Bảy, ông Mân cũng thực sự có cảm tình với tôi.

Trong thời gian này, phía ta vừa có chính sách mềm dẻo, vừa dọa sẽ trừng trị những tên an ninh gian ác, nợ máu với cách mạng, với nhân dân, chính điều này đã làm cho bọn chúng run sợ, nhiều tên đã tìm cách liên lạc với cán bộ nằm vùng của ta để cung cấp thông tin. Từ khi được tôi cảm hóa, hai ông Mây và Bảy nhận làm tuyên truyền giúp đỡ cách mạng, như cung cấp thuốc men, lương thực, lấy thông tin.

Riêng ông Bảy, sau khi biết rõ về nhiệm vụ của tôi, đã mạo hiểm đưa tôi về ở hẳn trong nhà, để che mắt bọn Cảnh sát, ông nhận tôi là người giúp việc. Nhờ đó, mọi thông tin, kế hoạch càn quét của địch, tôi đều kịp thời chuyển báo về cơ sở.

Bên ngoài, ông Bảy, ông Mân giả vờ lo lắng công việc của ấp, nhưng bên trong hai ông ngấm ngầm hết lòng giúp đỡ cách mạng, che chở cho tôi hoạt động. Ông Bảy giúp tôi làm căn cước và nhập khẩu hẳn vào gia đình, vì thế tôi có điều kiện công khai để tuyên truyền vận động nhân dân, kêu gọi được hầu hết bà con trong ấp tin tưởng và hướng về cách mạng.

Tháng 3/1971, tôi đột nhiên bị lên cơn sốt ác tính, nằm liệt nhiều tháng trời, thấy vậy cấp trên bí mật chuyển tôi ra Bắc. Ở Hà Nội một thời gian, vẫn không thuyên giảm, thế nên cấp trên lại đưa tôi lên máy bay đến CHDCND Triều Tiên tiếp tục chữa trị.

Năm 1972  tôi bình phục trở về đơn vị (Công an Hà Tĩnh), được đề bạt làm Phó phòng Bảo vệ chính trị I cho đến năm 1976 về nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá.

Điều tâm đắc nhất của cụ Thái Kính trước khi kết thúc câu chuyện này là, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cụ đã vào thăm lại ấp Tân An, cụ được bà con đón tiếp nồng hậu như người thân trở về quê hương qua bao năm xa cách.

Ông Mân và ông Bảy lúc này vẫn còn sống, tuy tuổi đã cao nhưng các ông ấy vẫn luôn nhiệt tình trong mọi công tác của chính quyền cánh mạng.

Gặp lại cụ Kính, những người một thời đã từng đứng bên kia chiến tuyến, được cụ cảm hóa, rưng rưng nước mắt, tỏ bày sự biết ơn, khâm phục đối với người chiến sỹ An ninh biết dựa vào nhân dân, hoạt động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong lòng địch.

Ngày nay, đất nước đang trên đà phát triển, lực lượng Công an nhân dân của chúng ta đã không ngừng trưởng thành về mọi mặt, cụ Kính và những chiến sỹ Công an cách mạng ngày đó, mãi mãi là niềm tự hào cho các thế hệ Công an noi theo.

(Ghi theo lời kể của cụ Thái Kính - nguyên Phó phòng Bảo vệ chính trị I, Công an tỉnh Hà Tĩnh)

Quang Anh - Văn Đình
.
.
.