Người bệnh đang "khát" mô, tạng

Chủ Nhật, 06/03/2005, 17:47

Hàng nghìn người hiện đang phải chống chọi với những căn bệnh trầm kha đeo đẳng suốt cuộc đời. Trong đó bao số phận mà tuổi đời, tương lai đang phơi phới phía trước. Nếu như họ đều được nhận "quà của sự sống" từ người khác thì cuộc đời họ sẽ thay đổi. Rất ít người bệnh có được cái may mắn đó. "Khát" mô, tạng vẫn là vấn đề đeo đuổi người bệnh và nền y học nước nhà.

Đôi mắt trong veo, sáng đến nao lòng của Nguyễn Thị Thu Hương, ở Lạng Giang, Bắc Giang cứ đeo đuổi trong suy nghĩ của tôi. Nếu chưa biết hoàn cảnh của Hương thì lại khác, đằng này... Hương học rất giỏi, từ năm lớp 1 đến lớp 12, Hương đều là học sinh giỏi xuất sắc. Mồ côi cha từ sớm, Hương lớn lên từ sự tảo tần của mẹ. Rồi mẹ Hương quyết định đi bước nữa để có người đỡ đần công việc.

Cha dượng Hương là người tốt, ông đã chăm sóc Hương như chính con ruột mình. Niềm vui trọn vẹn khi Hương có một gia đình hạnh phúc và bước chân vào giảng đường đại học. Nhưng số phận đã không may mắn khi bước sang kỳ 2 của năm học thứ nhất, sức khỏe Hương suy sụp trầm trọng. Điều trị vài tháng, bác sỹ thông báo: Hương bị suy thận. Có lẽ, không gì bàng hoàng, đau đớn và thất vọng hơn khi Hương nhận được tin này.

Với một người ham học như Hương thì việc phải bỏ học là điều mà cô đau đớn nhất. Hương trở thành một trong hàng trăm bệnh nhân sống nhờ vào máy móc và thuốc men. Cô phải thuê nhà ở "xóm chạy thận", hàng tuần 3 lần vào Bệnh viện Bạch Mai chạy thận. Chi phí cả ăn ở, đi lại, chạy thận, thuốc thang một tháng gần 6 triệu đồng. Làm gì có số tiền ấy khi ở nông thôn, bố mẹ cô chỉ trông chờ vào cây lúa?

Nhắc đến "xóm chạy thận", người dân Hà Nội lâu nay đã hình dung đây là một khu phố với những căn nhà cấp bốn chia ô cho những người bị suy thận đang ở vào giai đoạn 3b - 4 đến thuê. Khu này nằm ngay cạnh Bệnh viện Bạch Mai, tiện cho bệnh nhân đi lại. Hầu hết họ ở các tỉnh xa, người bệnh nghèo, lúc nào không chạy thận thì họ đi làm thuê để kiếm sống. Có bệnh nhân gia đình phải lên chăm sóc và ở lại "xóm chạy thận" này 10 năm.

Rất nhiều người như Hương khi trò chuyện với chúng tôi đều có tâm nguyện muốn được "ghép thận". Nhưng không phải ai trong số họ cũng thực hiện được, bởi danh sách xin ghép thận dài dằng dặc, nhưng thận của người sống muốn cho lại rất khan hiếm. Tiến sỹ Đinh Thị Kim Dung, Trưởng khoa Thận - Tiết niệu Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoảng 80% bệnh nhân suy thận có nhu cầu lọc máu và ghép thận.

Theo số liệu 2 năm trở lại đây, số bệnh nhân điều trị thay thế nội trú ở Bệnh viện Bạch Mai từ 1,1 nghìn người đến 1,3 nghìn người. Trong đó 80% là bệnh nhân suy thận ở độ 3b-4 (giai đoạn bắt buộc phải điều trị thay thế). Giai đoạn này, bệnh nhân phải lựa chọn 1 trong 3 phương pháp là: Lọc máu bằng thận nhân tạo; lọc màng bụng và ghép thận.

Người bệnh muốn ghép thận thì bản thân phải khỏe, lục phủ ngũ tạng chưa bị suy, ít truyền máu, phải cùng nhóm máu, HLA (hệ thống miễn dịch) phù hợp với người cho càng cao thì khả năng thải ghép càng ít. Trong khi chúng ta chưa có luật ghép thận tử thi và tình trạng thiếu người cho tạng như hiện nay thì để tìm được những chỉ số phù hợp giữa người cho và người nhận là rất hạn chế. Chính vì thế mà nhiều bệnh nhân có nhu cầu ghép thận đều không thực hiện được và phải chạy thận suốt đời.

Theo Giáo sư  Lê Thế Trung thì nhu cầu ghép thận và gan đang đứng đầu bảng số người đăng ký. Rất nhiều người bị xơ gan, viêm gan đang có nhu cầu ghép nhưng người cho lại cực kỳ ít. Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã đau đớn khi nhắc lại trường hợp cháu bé 7 tuổi do mẹ chần chừ trong việc cho gan dẫn đến cháu bị tử vong. Ông cho rằng đây là trường hợp vô cùng đáng tiếc, chỉ vì sự dùng dằng của gia đình đã dẫn đến cái chết không đáng có cho cháu.

Theo dự kiến của Bệnh viện Nhi thì tháng 4 tới đây, Bệnh viện sẽ tiến hành ca ghép gan đầu tiên (là thứ hai ở Việt Nam). Trang thiết bị, máy móc, chuyên gia nước ngoài, kinh phí bệnh viện, bệnh nhân đã hoàn tất 90%. Nhưng kế hoạch này có lẽ khó thực hiện vì chưa tìm được người cho gan...

Nhu cầu tăng theo cấp số nhân

Khoa Thận - Tiết niệu Bệnh viện Bạch Mai luôn trong tình trạng quá tải, vì theo Tiến sỹ Dung thì số người mắc bệnh thận tăng lên theo từng năm. Trung bình mỗi năm có từ  9.000 đến 10.000 bệnh nhân đến khám ngoại trú. Bệnh nhân nào rất nặng mới được vào nội trú. Bệnh viện không đủ giường bệnh, phải ghép 2 - 3 bệnh nhân/giường. Nhu cầu ghép thận đã tăng theo cấp số nhân.

Nhiều bệnh nhân do không tìm được thận thay thế đã sang Trung Quốc để ghép thận từ người chết não. Tính đến nay, Việt Nam đã có hơn 300 bệnh nhân sang Trung Quốc ghép thận. Như thế đủ thấy nhu cầu về tạng của người bệnh ở Việt Nam lớn đến thế nào.

Ghép tạng là môn y học khó, mới xuất hiện ở nước ta hơn chục năm nay. Thành công lớn nhất của chúng ta ở bộ môn này là ghép thận, ghép gan (nhưng mới chỉ được 1 ca) và tiến tới là ghép tim. Ghép phổi, lá lách, ruột, chúng ta chưa thực hiện được. Ngân hàng mô là ngân hàng dự trữ mô, tạng lớn nhất nước cũng luôn trong tình trạng "khát", bởi người đăng ký hiến mô, tạng còn là con số cực kỳ ít. Trong khi đó, Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tỷ lệ bệnh nhân bị viêm gan B, xơ gan, ung thư gan cao trên thế giới. Nếu như ở giai đoạn đầu, người bệnh được ghép gan thì khả năng sống sẽ rất cao.

Ở Bệnh viện Ung bướu Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân muốn được ghép tạng rất cao. Chị Phạm Thị Thanh Nhàn có chồng bị xơ gan cổ trướng ao ước: "Ghép gan sẽ rất tốn kém. Nhưng để đem lại sự sống lâu hơn cho chồng tôi thì gia đình tôi cũng chi phí đủ. Chỉ sợ không ai cho gan". Theo Giáo sư Lê Thế Trung thì người cho tạng là anh em ruột thịt hoặc bố mẹ là tốt nhất, vì có các chỉ số tương đối bằng nhau, khả năng thải ghép ít. Nhưng không phải gia đình nào cũng thống nhất được điều đó. Có bệnh nhân muốn ghép tạng đã phải chờ vài năm mới thực hiện được bởi phải tìm tạng của người khác phù hợp với chỉ số của mình.

Thực hiện việc ghép tạng sẽ càng khó hơn khi chúng ta chưa có luật chết não, chế định mới về quyền nhân thân: Quyền hiến bộ phận cơ thể hoặc hiến xác sau khi chết; quyền nhận bộ phận cơ thể người. Và hàng nghìn người bệnh vẫn đang "khát" mô, tạng do chúng ta chưa dấy lên được phong trào "mình vì mọi người" cũng như hành lang pháp lý cho việc này

Mai Hạ - Nhật Minh
.
.
.