Người bác sĩ quân y suốt đời làm việc thiện

Chủ Nhật, 13/11/2005, 10:17

"Lương y như từ mẫu", dù đã nghỉ hưu nhưng vị bác sĩ quân y già của vùng đất Lệ Xá (Tiên Lữ, Hưng Yên) Vũ Văn Thân suốt đời tâm niệm. Hơn 30 năm cống hiến cho cách mạng, chăm sóc thương bệnh binh, ông xin trở về quê để giúp đỡ nhân dân.

Suốt 21 năm qua, ông khám chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo. "Người ta làm việc thiện bằng tiền, còn tôi làm bằng lòng nhân ái. Điều đó làm tôi hạnh phúc". 

Vị bác sĩ già hạnh phúc

Người bác sĩ già đó là cha đẻ của Bí thư thị xã Hưng Yên, hai người con khác và hai cháu nội công tác tại Tỉnh ủy Hưng Yên. Cả nhà học đại học và trên đại học. Từng là Chủ nhiệm Quân y Cơ quan Bộ Tư lệnh Biên phòng những năm 70 của thế kỷ trước. Ông bước sang tuổi 76 nhưng đã 55 năm tuổi Đảng, là chiến sĩ, bác sĩ quân y trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hiện nay, ông là một thương binh nặng mất 61% sức khỏe, bị một mảnh đạn nhỏ găm trong đầu gây chấn thương não, mắt mờ, mỗi khi khám bệnh thường phải đeo hai chiếc kính lão một lúc.

Con đường 39B nối thị xã Hưng Yên với huyện Tiên Lữ, Phù Cừ đầy bụi bặm. Những chiếc ôtô chở vật liệu xây dựng gầm rú lao nhanh trên đường. Thị xã đang đổi thay từng ngày, nhiều công trình công cộng đang được xây dựng. Chẳng mất công mấy để hỏi đường, chúng tôi cũng đến được nhà ông Vũ Văn Thân. Ngôi nhà mái bằng nằm kín đáo trên con đường làng nhỏ của xã Lệ Xá. So với ở quê thì nhà ông không rộng, nhưng lại rất ấm cúng và tràn ngập cây xanh. Ở đầu hè là một chiếc giường nhỏ, đây là nơi hàng ngày ông vẫn khám và chữa bệnh cho người dân. Mặc dù chỉ còn hai vợ chồng ông sống ở đây nhưng ngôi nhà không bao giờ vắng tiếng chim hót, tiếng nói chuyện của ông với người bệnh, với hàng xóm láng giềng.

Tiếp tôi, ông Thân mặc chiếc áo blouse trắng, ông giở cuốn nhật ký ghi lại quá trình điều trị, tên và địa chỉ của những người đã đến khám (cũng là để dễ theo dõi tình trạng bệnh): “Tôi khám chữa bệnh miễn phí cho người dân quê tôi đã 21 năm nay rồi. Đời mình làm việc thiện thì đời sau được nhờ. Anh thấy đấy, gia đình tôi tuy không giàu có gì nhưng sống đầy đủ, con cái ngoan ngoãn, học giỏi, tôi còn mong gì hơn nữa… Người ta làm việc thiện bằng tiền, còn tôi làm bằng lòng nhân ái. Điều đó làm tôi thấy hạnh phúc!”.

5 năm liền (từ năm 2001 đến 2005) ông được nhận các bằng khen của Hội Chữ thập đỏ Trung ương, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh cho những đóng góp của mình. Gia đình ông nhiều năm liền được bầu chọn là gia đình văn hóa, ông bà mẫu mực. Ông còn là Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Lệ Xá.

Lương y như từ mẫu

“Ngày xưa, gia đình tôi nghèo lắm. Mẹ tôi qua đời vì bệnh gan trong cảnh nghèo khó... Đến đời tôi, được Đảng giáo dục, quân đội dìu dắt tôi đã vượt qua cảnh nghèo... Bây giờ đời sống nhân dân ta khá hơn nhiều, tuy vậy không ít gia đình còn nghèo, ốm đau, bệnh tật là nỗi lo lắng hãi hùng... Làm sao tôi quên được những cảnh đời nghèo khó ấy...”. Đó là lời tâm sự rất chân thành, cởi mở của vị bác sĩ già. Đó cũng chính là lý do ông xin chuyển công tác về quê, dù nếu ở lại Hà Nội ông sẽ có những công việc tốt hơn, thu nhập hơn. Nhưng ông chọn quê hương. Theo ông, quê hương ông còn nghèo, nhiều bệnh tật nữa, nhiều người bị chết hoặc bị thương tật cũng là do không có điều kiện khám chữa bệnh. Ông quay về là để giúp họ.

30 năm cống hiến cho cách mạng, khám chữa bệnh cho các chiến sĩ, những thương binh, giờ là lúc ông trả ơn quê hương, giúp đỡ quê hương. 21 năm trước từ khi nghỉ hưu về với gia đình tại xã Lệ Xá, cũng từ ngày đó, ông khám bệnh, kê đơn thuốc cho người dân nơi đây mà không lấy tiền. Quyển sổ nhật ký chữa bệnh của vị bác sĩ còn ghi lại tên tuổi những người đến đây khám bệnh, quyển sổ cũng là bản theo dõi tình trạng bệnh của người dân.

Đến nay ông Thân đã khám và kê đơn thuốc cho hơn 7.000 lượt người, đó là những người nghèo và được ông khám miễn phí. Ông bảo rằng: “Cái nghĩa rất quan trọng, mình phải giúp đỡ người nghèo, phát hiện bệnh sớm nên người dân không phải đi viện". Ông Thân tốt nghiệp Trường đại học Quân y, giỏi cả đông và tây y. Trở về quê nhà, cây thuốc quý có trong rất nhiều cây cỏ quanh nhà, nên việc điều trị cho người dân thuận lợi hơn. Đã có nhiều trường hợp ông khám bệnh và kê đơn thuốc bằng những bài thuốc dân gian, hay thuốc do ông tự bào chế ra.

Nhiều trường hợp được ông chẩn đoán bệnh kịp thời đưa đi bệnh viện mà nhiều người được cứu sống trong gang tấc. Trong con mắt của người dân nơi đây, vị bác sĩ già Vũ Văn Thân là tấm gương của sự liêm khiết, lòng nhân ái. Họ nói rằng, cái mà ông cho họ không phải tiền bạc, vật chất mà là tình thương yêu của con người đối với con người. Đó là thứ quý giá nhất như lời tâm sự của ông: “Tôi luôn phấn đấu làm theo lời dạy: lương y như từ mẫu”

Tiến Cao
.
.
.