Người Anh hùng 7 lần được gặp Bác Hồ

Thứ Sáu, 19/12/2014, 10:29
Ở xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có ấp Sơn Ton. Đây là tên của Anh hùng Quân đội (nay là Anh hùng LLVTND) mà thời 9 năm chống Pháp đã tham gia Đội du kích Long Phú lừng danh, được ca sĩ, nhạc sĩ Quốc Hương thể hiện trong bài hát “Du kích Long Phú” làm rung động lòng người. Đặc biệt, ông đã có 7 lần được gặp Bác Hồ.

Giã từ đời lính, Anh hùng LLVTND  Sơn Ton (SN 1933, hiện đang ngụ phường An Hội, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) trở về đời thường trong vai của một người cha, người ông thương con, yêu cháu. Tuy gánh nặng tuổi già, những vết thương từ hai cuộc chiến như chực chờ quật ngã người Anh hùng một thuở nhưng ông vẫn giữ nếp của một người lính Cụ Hồ, vẫn đạp xe đến họp cựu chiến binh... Vì ông luôn yêu và nhớ đời lính. Chính tình yêu đó đã biến cuộc đời của một cậu bé Khmer đen nhẻm, đói nghèo thành một Anh hùng.

Anh hùng LLVTND Sơn Ton sinh ra ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh trong một gia đình Khmer nghèo, thuở nhỏ phải đi ở đợ kiếm cơm. Khi mới 12 tuổi (SN 1945), ông Sơn Ton trốn chủ xin tham gia du kích để được đánh Tây. Anh du kích trẻ Sơn Ton có tài gài bẫy lựu đạn nên đã được bà con ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng) tặng danh hiệu “Vua lựu đạn”. Một lần lãnh đạo xã đang họp, có cán bộ tỉnh, huyện về dự, địch bao vây và xông vào bắn phá, một mình Sơn Ton dũng cảm chiến đấu bắn chặn, cầm cự với giặc để hội nghị rút an toàn. Năm 1953, ông được cử lên Đội du kích tập trung của huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng để xây dựng cơ sở và phát triển lực lượng. Trong vòng hơn 7 tháng, đơn vị ông Sơn Ton đã tiêu diệt 67 tên địch và bắt sống 100 tên, thu 43 súng, vận động được nhiều binh lính về với nhân dân và động viên được 50 thanh niên trong các phum sóc tòng quân đánh giặc. Cuối năm 1953, ông được điều về Trung đoàn 3 Bộ đội miền Tây Nam Bộ, thành một Tiểu đội trưởng đặc công và vinh dự được kết nạp Đảng… Năm 1954, Hiệp định Geneva ký kết, ông Sơn Ton nằm trong số 12 chiến sĩ thi đua của miền Nam tập kết ra Bắc sớm nhất.

Anh hùng LLVTND Sơn Ton cùng cháu nội.

Tháng 8/1955, ông Sơn Ton được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng Quân đội. Sống ở miền Bắc, ông Sơn Ton may mắn được gặp Bác Hồ 7 lần. Để lại ấn tượng nhất là khi Bác Hồ thăm Trường Lục quân, nơi ông Sơn Ton đang học tập. Tổ học tập của ông Ton có 12 người, đều là Anh hùng Quân đội các vùng miền. Ông Sơn Ton kể lại: “Hôm ấy, khoảng 17h tối, tổ đang học, anh La Văn Cầu lúc ấy là Tiểu đội phó, đã kêu lại: “Các đồng chí, Bác đến thăm”. Cả tổ đứng nghiêm, vỗ tay. Bác vào, hiền hòa nhìn mọi người. Lúc ấy Anh hùng Núp mặc áo dân tộc, Bác nhắc: “Chú Núp phải không. Mình là bộ đội thì phải mặc áo bộ đội chứ. Trong các chú, ai là người Khmer Nam Bộ?”. Tôi đứng dậy trả lời: “Dạ cháu”. Bác hỏi: “Chú có học chữ Pali không?”. Tôi trả lời: “Dạ cháu không học”. Bác nói tiếp: “Prochia-cheon Việt Nam, Campuchia, Lào samaky veay com - chat anany cum Ba răng (Nhân dân Việt Nam, Campuchia, Lào đoàn kết đánh đuổi thực dân Pháp). Thế cháu có hiểu không?”. “Dạ cháu không hiểu samaky là gì ạ?”. Bác cười: “Là đoàn kết đó cháu. Nếu nhân dân Đông Dương không đoàn kết thì sẽ không chiến thắng được thực dân, cháu ạ”. “Thực sự tôi quá bất ngờ khi nghe Bác nói tiếng Khmer. Sau đó Bác dặn dò tôi phải học chữ Pali để dùng làm phương tiện kêu gọi đồng bào Khmer đồng lòng đánh đuổi giặc thù, cứu nước” – ông Sơn Ton nhớ lại. Dù chỉ được gặp Bác Hồ trong khoảng thời gian rất ngắn, nhưng ông Sơn Ton cảm thấy rất hạnh phúc, cảm thấy rất gần gũi với vị Cha già kính yêu của dân tộc.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Anh hùng Sơn Ton về Quân khu 9 công tác và là Phó ban Chính sách Tỉnh đội Hậu Giang. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông được phân công làm trợ lý chính sách cho Đoàn 978 (QK9) tình nguyện sang giúp nước bạn Campuchia chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot. Năm 1983, ông về nghỉ hưu với cấp bậc Trung tá. Trở về địa phương (phường An Hội, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), ông luôn quan tâm, nhiệt tình giúp đỡ các hội viên Cựu chiến binh và bà con chòm xóm phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Anh hùng Sơn Ton cho biết: “Sau này, mỗi khi nhắc lại chuyện gặp Bác Hồ, tôi luôn xúc động vì thấy Bác lúc nào cũng quan tâm đến CBCS miền Nam. Bác luôn nghĩ về miền Nam trong hoàn cảnh nước nhà bị chia cắt. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao Người lại nói: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”.

Văn Đức
.
.
.