Nghĩa tình quân dân ở một vùng biên giới Tây Nguyên

Thứ Tư, 29/12/2010, 20:00
Mỗi câu chuyện của những người lính Binh đoàn 15 ở miền biên giới Tây Nguyên gắn bó với buôn làng, đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương là những kỷ niệm không thể nào quên.

Già làng Rơ Lan Vinh, ở làng Sung, xã Ia Dók, huyện Đức Cơ (Gia Lai) tâm sự, năm 1999, những người lính Công ty 75 bắt đầu việc khai hoang trồng cao su ở biên giới Đức Cơ, Gia Lai là những ngày phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ nhất.

Lúc đầu do bà con dân làng không hiểu, chưa quen cách làm kinh tế của bộ đội nên có người không ưng cái bụng. Khi được bộ đội giải thích, già làng Rơ Lan Vinh vận động, người dân đã hiểu và hết lòng ủng hộ công ty.

Nhờ có bộ đội đến đây làm kinh tế, dân làng được giúp đỡ cách làm ăn, được vào công nhân và đời sống khá lên từng ngày. Từ đó, bà con thôn làng hiểu cái bụng bộ đội, hiểu tình cảm của anh chị em công nhân người Kinh, một lòng đoàn kết phát triển kinh tế vững mạnh ở từng thôn làng.

Trong khoảng thời gian từ năm 2001-2002, ở làng Sung có một số đối tượng xấu đến xúi giục bà con bỏ nương rẫy, bỏ làng vượt biên trái phép, nhưng nhờ được bộ đội và các hộ đồng bào Kinh giải thích, vận động nên bà con không ai bị mắc lừa.

Già cũng như hết thảy bà con làng Sung luôn yêu quý bộ đội công ty, thương yêu các con cháu công nhân người Kinh như con em mình sinh ra, và nhận chúng làm những đứa con của bản làng.

Cán bộ Binh đoàn 15 hướng dẫn người dân tộc thiểu số địa phương kỹ thuật cạo mủ cao su.

Còn chị Đào Thị Hà, công nhân Đội 2, Công ty 74, Binh đoàn 15, kể, năm 2006, Công ty 74 bắt đầu tổ chức gắn kết hộ giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số.

Chị Hà xung phong gắn kết với gia đình Pui Vân ở làng Ghè, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Buổi đầu tổ chức gắn kết, hai gia đình tổ chức bữa cơm ra mắt anh em hai gia đình, nhận nhau là anh em ruột thịt, coi nhau như anh em một nhà.

Em Pui Vân thì hướng dẫn cho vợ chồng chị Hà phong tục tập quán địa phương, còn vợ chồng Hà giúp vợ chồng Pui Vân kỹ thuật khai thác mủ cao su, nhờ vậy mà Pui Vân từ chỗ chưa biết gì về cây cao su nay đã trở thành thợ cạo mủ cao su giỏi, đạt giải ba cuộc thi "Bàn tay vàng" cấp công ty. Pui Vân vừa xây được căn nhà 120 triệu đồng, mua ti vi, 2 xe máy, 1 công nông...

Từ mô hình gắn kết giữa các hộ công nhân đồng bào Kinh với các hộ đồng bào dân tộc địa phương đã giúp nhau xóa đói giảm nghèo cho hàng ngàn hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn Tây Nguyên, nơi những người lính Binh đoàn 15 đóng chân.

Chính nhờ tình gắn kết như máu thịt giữa quân với dân mà những người lính Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng đã biến hàng chục ngàn ha đồi hoang, chứa đầy vết thương chiến tranh ở miền biên giới Tây Nguyên rất khốc liệt, trở thành bạt ngàn cao su, bạt ngàn cà phê, đem lại cơm no áo ấm cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương

N.Như
.
.
.