Khắc phục hậu quả bão số 7 và lũ quét:

Nghĩa tình dịu bớt thương đau

Thứ Hai, 03/10/2005, 06:25

120 CSCĐ của Bộ Công an được điều động, hỗ trợ Công an Yên Bái giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ quét; Báo CAND trích Quỹ XHTT ủng hộ 11 triệu đồng; Công ty Vinh Hạnh ủng hộ 3 tấn gạo và một số thực phẩm khác; Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi ủng hộ 50 võng xếp.

Ngày 30/9, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng chống cơn bão số 7 dưới sự chủ trì của Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban phòng chống lụt bão, tai nạn thương tích và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an.

Tính đến ngày 30/9, theo thống kê sơ bộ của các địa phương, tổng thiệt hại do bão số 7 gây ra khoảng 1.979 tỷ đồng, 61 người chết, 13 người bị thương, 239 ngôi nhà bị đổ sập và 1.532 ngôi nhà bị ngập, hư hại nặng, 6.667ha lúa và hoa màu bị mất trắng. Trên 300 ngàn người dân đã phải sơ tán tránh bão...

Trong bão lũ, lực lượng Công an đã kiên cường bám trụ, chống bão cứu dân, đảm bảo an ninh trật tự. Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, kiểm tra nắm chắc tình hình và tăng cường lực lượng, phương tiện tham gia phòng chống bão.

Bộ trưởng Lê Hồng Anh trực tiếp xuống chỉ đạo công tác chống bão và khắc phục hậu quả tại Thái Bình, Nam Định. Thứ trưởng Lê Thế Tiệm đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình. Bộ Công an đã tạm ứng 1.850 triệu đồng, huy động 10 xe tải và cấp 10 ca nô, xuồng máy, gần 3.000 phao cứu sinh, áo phao, trên 500 đèn pin, gần 30 nhà bạt và các cơ số thuốc... phục vụ đột xuất cho Công an các đơn vị, địa phương; tăng cường 3 xe lội nước cho tỉnh Nam Định.

Đại tá Đặng Đình Thành, Phó Tổng biên tập Báo CAND trao quà cho các gia đình bị thiệt hại do lũ quét.

Bộ cũng đã điều động hơn 700 cán bộ, chiến sĩ của Cục Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp và Công an một số tỉnh, đồng thời đã có hàng vạn chiến sỹ được huy động thường trực sẵn sàng giúp dân phòng chống bão lũ, đảm bảo an toàn tại các địa phương...

Ngày 30/9, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an Nguyễn Khánh Toàn đã gửi thư tới Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố vùng bị bão số 7 và bị lũ quét. Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Khánh Toàn đã thay mặt Đảng ủy CATW và lãnh đạo Bộ Công an cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CAND gửi tới nhân dân vùng bão lũ lời thăm hỏi và thông cảm sâu sắc trước những tổn thất to lớn mà nhân dân phải gánh chịu do hậu quả nặng nề của bão lũ. Hiện tại, Công an các tỉnh đang phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm ANTT cùng nhân dân khắc phục thiệt hại của bão lũ.

Lãnh đạo Bộ cũng đã phát động mỗi cán bộ, chiến sĩ trong CAND đóng góp một ngày lương và đã trích từ Quỹ "Phòng chống thiên tai, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo" 850 triệu đồng để ủng hộ nhân dân vùng bão. Nhiều cơ quan báo chí của lực lượng Công an, trong đó có Báo CAND, đã tổ chức trao tiền, quà để giúp đỡ nhân dân. Ngay buổi sáng đầu tiên, Tổng cục Cảnh sát phát động quyên góp trong cán bộ, chiến sỹ được hơn 100 triệu đồng tiền ủng hộ.

Tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Lê Thế Tiệm khẳng định, lực lượng Công an đã có những nỗ lực lớn trong phòng chống bão số 7, tuy nhiên cần rút kinh nghiệm để đề phòng và chủ động đối phó với bão lũ từ nay đến cuối năm. Thứ trưởng Lê Thế Tiệm lưu ý, cần theo dõi thông tin về lũ quét để kịp thời di dân khỏi vùng nguy hiểm, cảnh báo Công an các địa phương về lũ quét bất ngờ. Thời gian tới, lực lượng Công an cần tiếp tục giúp dân khắc phục hậu quả cơn bão, bổ sung các phương án phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn; bổ sung các phương tiện thông tin liên lạc và phương tiện phòng chống bão lũ vì nhiều nơi còn rất thiếu...

Có mặt tại "tâm điểm" lũ quét - thị tứ Ngã Ba và xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, Yên Bái ngày 29 và 30/9, cảnh tang thương hiện hữu trước mắt chúng tôi. Từng nhóm người mang tang trắng rầu rĩ đứng bên dòng suối Ngòi Phà, những thanh niên khỏe mạnh lặng lẽ căng bạt, lều trên nền nhà đổ nát.

Cũng trong cơn mưa cuối chiều 29/9, Thượng tướng Lê Thế Tiệm đã đến thị tứ Ngã Ba và xã Cát Thịnh thăm hỏi, chia sẻ và trao quà cho một số gia đình bị thiệt hại nặng. Cơn mưa mỗi lúc nặng hạt, toàn thị tứ Ngã Ba leo lét đèn dầu, Thứ trưởng Lê Thế Tiệm lội bộ vượt qua đoạn đường bùn đất nhão nhoẹt, đến khu đổ nát bên bờ suối Ngòi Phà.--PageBreak--

Những chiếc bạt do chính quyền địa phương cấp vừa được người dân căng dây, dựng ngay trên nền nhà lở loang đất đỏ, làm nơi đặt bàn thờ hương khói người thân thiệt mạng. Thứ trưởng Lê Thế Tiệm thăm hỏi, chia sẻ tổn thất với những người thân trong gia đình bà Hoàng Thị Nứa đã thiệt mạng trong cơn lũ quét.

Tối 29/9, trong căn phòng nhỏ thuộc trụ sở UBND xã Cát Thịnh, Thứ trưởng Lê Thế Tiệm chủ trì cuộc họp khẩn cấp gồm Công an Yên Bái và chính quyền sở tại, chỉ đạo một số biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả lũ quét. 120 CSCĐ - lực lượng vừa giúp dân chống bão số 7 ở các tỉnh ven biển phía Bắc, được Bộ điều động gấp lên Văn Chấn để chuẩn bị làm nhà giúp dân. Ngày 30/9, toàn bộ lực lượng chia làm nhiều mũi đi sâu vào các hẻm núi, những nơi bị thiệt hại nặng, triển khai công việc làm lại nhà cho đồng bào…

Chúng tôi hối hả trở về Hải Hậu (Nam Định). Cảnh vật hai bên đường xơ xác tiêu điều, cái nóng oi nồng thật khủng khiếp. Nhìn qua Công an huyện Hải Hậu, tiếng đồng chí trực ban vọng ra: "Cả Công an huyện ra vùng đắp đê Thịnh Long hết cả rồi". Vậy là chúng tôi xuyên thẳng tới vùng tâm bão Hải Hòa. Những đoàn xe cứu trợ của các cơ quan, đoàn thể từ khắp mọi miền đất nước chen nhau đáp tại UBND xã.

Sáng sớm 1/10, tại bãi biển Thịnh Long, chúng tôi chứng kiến các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Hải Hậu đang cùng dân vá đê. Nhiều người dân xúc động kể lại cho chúng tôi nghe về các chiến sĩ Công an tay cầm chắc những tấm bạt để che chắn những cơn sóng cao tận nóc nhà để giữ từng mét đê chắn sóng... Tới khi cơn bão đi qua cũng là lúc mọi người mệt lả, họ phải mượn từng chiếc áo lót để mặc, chia nhau từng mẩu lương khô… Khi trời đất trở lại hiền hòa, hàng ngàn người dân được bảo toàn tính mạng trở về nhà mình thì người chiến sĩ Công an mới tạm yên lòng.

Sáng 2/10, chúng tôi có mặt ở Hậu Lộc (Thanh Hóa). Gần như toàn bộ tuyến đê biển của Hậu Lộc đã hư hỏng hoàn toàn. Nước biển đã đẩy đất đá của đê vào bên trong vùi lên đường nhựa và lấp cả những nhà dân ở gần đê. Có đến hơn 1.300 gia đình, tài sản chỉ còn lại là một chút móng nhà bị nước gặm nham nhở.

Làm sao để những người mất nhà có chỗ ở tạm, những người mất sạch tài sản không bị đứt bữa, rồi đảm bảo an ninh cho dân là nhịêm vụ của chính quyền và Công an sở tại. Chính vì vậy, mặc dù anh em gần như đã kiệt sức nhưng chẳng ai nỡ về nhà, vẫn bộ quần áo mặc hôm trước bão, mọi người ở lại giúp dân. Tại huyện Thạch Thành, cơn bão đã qua đi và để lại đằng sau là những ngôi nhà tốc mái, trường học ngập sâu trong nước và hàng trăm cột điện đổ gãy ngổn ngang.

Suốt 3 ngày gồng mình trong bão, giờ bão tan, những chiến sỹ Công an huyện Thạch Thành, Công an các xã vẫn tiếp tục bám trụ. Trong bão, nhân dân cần các anh, giờ bão tan thì nhiệm vụ đảm bảo ANTT cho những người dân lại quan trọng hơn bao giờ hết. Gạt đi những mệt mỏi, các anh lại giúp các gia đình khó khăn ổn định đời sống... Trong cơn bão, những việc làm cảm động của các chiến sỹ Công an càng sáng lên trong lòng mỗi người dân

Nhóm PV
.
.
.