Nghĩa tình dân với Đảng

Thứ Bảy, 29/01/2011, 08:46
Phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội) là một làng quê cách mạng, nơi đã nuôi giấu và bảo vệ nhiều đồng chí Trung ương như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng, Bạch Thành Phong… Đây còn được Trung ương Đảng đặt cơ sở in Báo Cờ giải phóng và là đầu mối liên lạc với các cơ sở của Xứ ủy, Tỉnh ủy trong cả nước.

81 mùa xuân đã trôi qua, Đảng ta ngày một lớn mạnh và song hành cùng sự phát triển đi lên của đất nước, của dân tộc. Để có được một mùa xuân đầy ý nghĩa như hôm nay, nhiều thế hệ đảng viên trung kiên của Đảng đã trải qua những năm tháng hoạt động bí mật hết sức gian khổ dưới nanh vuốt kẻ thù. Song, nhắc đến sự hy sinh của các chiến sĩ cách mạng, không thể không nhắc đến những đóng góp to lớn của nhân dân. Chính những người dân lam lũ, bình dị, nhưng đầy ắp tình người đã không sợ hiểm nguy, thậm chí, còn sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để đùm bọc, sẻ chia, cưu mang, che giấu những chiến sĩ cách mạng. Ân tình sâu nặng đó đã làm nên sức mạnh, để đất nước nở hoa độc lập như ngày hôm nay.

Nhân ngày thành lập Đảng 3-2, chúng tôi xin giới thiệu một làng quê cách mạng - nơi đã nuôi giấu nhiều cán bộ của Đảng trong thời kỳ Pháp thuộc. Nơi ấy vẫn còn những dấu tích ghi lại tình cảm sâu đậm giữa dân với Đảng, Đảng với nhân dân…

Phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội) là một làng quê cách mạng. Trước đây, trong giai đoạn 1941-1945, Phú Thượng là an toàn khu của Trung ương Đảng đã nuôi giấu và bảo vệ nhiều đồng chí Trung ương như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng, Bạch Thành Phong… Nơi đây còn được Trung ương Đảng đặt cơ sở in Báo Cờ giải phóng và là đầu mối liên lạc với các cơ sở của Xứ ủy, Tỉnh ủy trong cả nước.

Cây gạo và bến đò Phú Xá là đầu mối giao thông nối liền hai vùng Bắc và Nam sông Hồng; nhân dân hai bên bờ sông Hồng đã chở rất nhiều cán bộ của Đảng qua lại bến sông công tác, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Ở Phú Thượng có 2 thôn Phú Gia và Phú Xá là nơi có phong trào cách mạng mạnh mẽ, nhất là sau ngày Nhật đảo chính Pháp, trong cao trào tiền khởi nghĩa, lực lượng cách mạng hầu như đã làm chủ ở địa phương này. Chính vì sự giác ngộ và nhiệt tình cách mạng rất cao của nhân dân Phú Thượng mà Trung ương Đảng đã chọn nơi đây làm điểm dừng chân của Bác Hồ trên đường từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, chuẩn bị ra mắt quốc dân đồng bào, đọc Tuyên ngôn độc lập vào dịp 2-9-1945.

Trong những ngày lưu lại làng Phú Gia, Bác Hồ của chúng ta đã được bố trí ăn nghỉ trong gia đình nhà cụ An - một cơ sở cách mạng từ trước ngày khởi nghĩa của Trung ương Đảng. Chính trong ngôi nhà này, Bác Hồ đã làm việc với đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh và nhiều đồng chí khác để nghe báo cáo kết quả tổng khởi nghĩa trong cả nước, công tác chuẩn bị cho Ngày Quốc khánh, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Do công tác bảo vệ được giữ bí mật tuyệt đối, nên phải đến ngày 2-9-1945, nhân dân Phú Thượng hòa cùng dòng người nô nức đến Quảng trường Ba Đình để dự lễ mít tinh ra mắt Chính phủ cách mạng. Lúc ngước nhìn lên lễ đài, mọi người mới nhận ra cụ già có đôi mắt sáng ăn ở tại nhà cụ An chính là cụ Hồ Chí Minh - Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

Ở Phú Thượng, ngoài ngôi nhà cụ An còn có 18 gia đình là cơ sở cách mạng của Trung ương. Trong đó, đáng lưu ý có ngôi nhà của gia đình bà Công Thị Lùn (tức Hai Vẽ). Lợi dụng ngôi nhà của bà Hai Vẽ ở gần bờ đê, vừa kín đáo, vừa thuận tiện đi lại, anh trai bà Hai Vẽ là một chức sắc trong làng, tuy phục vụ bộ máy cai trị của thực dân, nhưng ông Phó Phan là người sớm được giác ngộ cách mạng, nên rất thuận lợi trong việc che mắt bọn mật thám.

Thời gian từ 1941- 1945, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ thường ở và làm việc tại đây. Trong căn nhà bà Hai Vẽ, đồng chí Trường Chinh đã khởi thảo tài liệu "Đề cương văn hóa Việt Nam" để tập hợp các văn nghệ sĩ, trí thức vào Mặt trận Việt Minh. Căn nhà bà Hai Vẽ còn gắn kỷ niệm của đồng chí Hoàng Văn Thụ, đây là nơi ở cuối cùng của đồng chí trước lúc đi xa…

Những cán bộ cách mạng của ta sống tại các gia đình cơ sở cách mạng ở Phú Thượng được nhân dân hết lòng chở che, đùm bọc, chia sẻ từng miếng cơm, manh áo cho cán bộ của Đảng, cho dù, hoàn cảnh kinh tế của các gia đình luôn trong cảnh nghèo túng, chạy ăn từng bữa. Tấm lòng của quần chúng với cách mạng được thể hiện bằng những nghĩa cử rất đời thường, nhưng mang nặng tình cảm sâu sắc.

Một bát canh rau rêu đạm bạc do bà Nguyễn Thị Lợi hái về cho đồng chí Trường Chinh, hay những bát cơm nát mà cả gia đình ông Phạm Văn Sự phải ăn thay bằng ngô để có gạo nấu riêng cho đồng chí Lê Đức Thọ bị đau dạ dày… đó là những cử chỉ chân tình làm ấm áp tình cảm gắn bó giữa Đảng với nhân dân.

Không quên những đóng góp lớn lao của nhân dân Phú Thượng với cách mạng, sau này, Bác Hồ đã hai lần về thăm Phú Thượng. Ngày 24/11/1946, sau khi dự khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc trở về, khoảng 9h sáng, Bác đã về thăm Phú Thượng, Bác tới thăm nhà cụ An, sau đó nói chuyện với từng người phụ trách địa phương về đời sống kinh tế của nhân dân và động viên nhân dân tích cực lao động sản xuất, học tập và đoàn kết một lòng để giữ vững chính quyền cách mạng

Nguyễn Đình Cẩn
.
.
.