Nghị lực phi thường của "cô bé da cam"

Thứ Năm, 25/08/2011, 20:00
16 năm đến trường bằng đôi chân của mẹ và cha, bé Thương đã được vào đại học. Khó có thể tưởng tượng, một nạn nhân chất độc da cam cao chừng 70cm, tay chân quặt quẹo, không đi đứng được, song đã phấn đấu để bước chân vào trường đại học, thực hiện mơ ước trở thành một lập trình viên trong tương lai. Nghị lực sống phi thường của bé Thương đã làm cho bao người phải thán phục...

Sắp đến ngày tựu trường vào năm học mới 2011 - 2012, tôi về xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, nghe nhiều người bàn tán chuyện của em Trương Thị Thương (22 tuổi), con gái vợ chồng anh Trương Công Bảy và chị Lương Thị Huệ, là nạn nhân chất độc da cam, song đã phấn đấu vượt qua nỗi đau bệnh tật, và cuối cùng được Đại học Đà Nẵng đặc cách xét tuyển thẳng vào học ngành Công nghệ thông tin (CNTT) Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Tìm đến nhà Thương ở thôn Đông Phước, trò chuyện với anh Bảy, chị Huệ và nghe Thương tâm sự, mới hay hành trình đến với con chữ của em thật lắm đỗi gian nan...

Chị Huệ kể rằng, vợ chồng chị có 4 người con, Thương là con thứ nhì. Mang thai đến tháng thứ bảy, trong lúc xách thùng cám cho heo ăn, chị đã đẻ rớt em ở cửa chuồng heo. "Lúc đó, cháu như một cục thịt có gắn cái đầu bé tẹo, chân và tay thì tí xíu như những mẩu bút chì. Tui hoảng sợ, song nghĩ lại dù sao cũng là con mình nên bế vào nhà...".

Được cha mẹ nuôi dưỡng chăm chút, theo thời gian “cục thịt” kia lớn dần lên và có một cái tên: Thương. Vợ chồng chị Huệ vì quá thương đứa con ra đời không may mắn nên đặt cho cái tên ấy. Đến năm Thương lên 5-6 tuổi, vợ chồng chị Huệ thường giao cho con gái đầu là Cúc trông giữ để lo chuyện đồng áng. Cúc hơn Thương 2 tuổi, ngoài giờ đi học Cúc ở nhà là trông em và học chữ. Thương nằm một chỗ đôi mắt lúc nào cũng chăm chăm nhìn chị, cái miệng mấp máy theo từng chữ cái chị đọc. Bất ngờ một ngày Thương bập bẹ nói và đọc được những chữ cái mà Cúc đã học. Thương nằng nặc đòi mẹ bế đi học.

Chị Huệ nói: "Nhìn nó tật nguyền tui nghĩ khó thể học được, song nó cứ khóc lóc đòi nên tui đành bế tới trường mẫu giáo trong làng". Vì đôi chân Thương quặt quẹo, dễ bị gãy, còn đôi tay quá yếu, không bám được nên nói "bế", chứ thực ra là "bưng" em đi. Cũng vì thế việc đưa em đến trường chỉ mỗi mình chị Huệ làm được...

Ngỡ Thương thấy chị gái đi học nên thích quá đòi, nào hay em học tiến bộ rất nhanh, học giỏi và viết chữ cũng khá đẹp. Song, nghiệt ngã thay, lúc em vào lớp 1 được 3 tháng thì anh Bảy bị tai biến dẫn đến bán thân bất toại. Mọi việc nhà dồn lên vai chị Huệ. Có lúc quẫn chí chị đã cho Thương nghỉ học. Nhưng, ngày nào Thương cũng khóc, khóc đến lạc giọng, đòi tới trường học chữ nên cầm lòng không đặng chị lại bế con đi. Nhà xa trường, phải băng cánh đồng, lên một dốc cao và lội qua hai khe nước, nên mùa mưa lũ rất khổ, lúc nào cũng phải "vác" Thương trên vai, chân bám vào con đường trơn trượt mà nước mắt cứ trào ra.

Cũng có lần giữa đường bị lốc xoáy, cây ngã đè hai mẹ con, làm cho đôi tay yếu ớt của Thương bị gãy lìa phải vào bệnh viện bó bột. Nhưng rồi, tình thương yêu của người mẹ và nghị lực phi thường của đứa con cũng đã vượt lên bao gian khó...

Em Thương tại góc học tập ở nhà.

Những ngày Thương bị gãy đôi tay, tuy bị bó bột, em vẫn được mẹ đưa tới lớp. Em đến nghe thầy, cô giáo giảng, còn bài thì nhờ bạn bè chép hộ vào vở. Vậy mà việc học hành của em không hề bị sa sút. Liên tục trong các năm học Tiểu học, rồi THCS, năm nào em cũng là học sinh giỏi. Lên THPT Thương thi đậu vào Trường THPT Chu Văn An ở tận xã Đại Đồng, cách nhà đến gần 14 cây số. Rất may, lúc này anh Bảy cũng đã qua cơn bạo bệnh, đi lại được. Chị Huệ vừa làm đồng, vừa bán chè, sữa đậu nành ban đêm dành dụm tiền mua được cái xe máy cà tàng.

 Từ đó, anh Bảy để Thương ngồi trong giỏ treo trước xe và trở thành tài xế đưa con tới trường suốt những năm học THPT. Qua kỳ thi tốt nghiệp, Thương nộp đơn thi vào ngành Công nghệ thông tin (CNTT) của Đại học Sư phạm Đà Nẵng và Trường Cao đẳng Việt - Hàn...

Ngày thi đầu tiên, vợ chồng anh Bảy đưa con đến điểm dự thi ở Trường Tiểu học Lê Lai, TP Đà Nẵng. Buổi sáng thi xong môn Toán, đến chiều tiếp tục thi môn Vật lý thì các thầy, cô giáo ở Hội đồng coi thi thấy trường hợp của Thương quá đặc biệt nên báo cáo về Hội đồng tuyển sinh Đại học Đà Nẵng. Sau đó, họ bảo vợ chồng anh bế Thương đến Đại học Đà Nẵng. Sau khi xem xét, cân nhắc kỹ càng, lãnh đạo Đại học Đà Nẵng quyết định xét tuyển thẳng vào ngành CNTT, Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Thế là mơ ước của Thương thành hiện thực...

Anh Bảy nói rằng, anh đang thu xếp xuống Đà Nẵng ở trọ cùng Thương để chăm sóc cho con (vì Thương không thể tự mình làm vệ sinh thân thể được). Và mỗi ngày, sau khi bế Thương lên giảng đường đại học, anh sẽ tận dụng thời gian còn lại làm thuê, làm mướn để kiếm tiền nuôi sống hai cha con. Việc nhà, mẹ già và các con nhỏ anh giao lại cho chị Huệ.

Tôi hỏi Thương, mơ ước gì trước ngưỡng cửa đại học. Cô bé đã vào tuổi 22, song chỉ cao chừng 70cm, cân nặng gần 30kg, cười hồn nhiên nói, ước mơ của em là học tập và trở thành một lập trình viên giỏi, làm việc báo đáp công ơn trời biển của cha mẹ và không phụ lòng của những tấm lòng vàng đã từng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn, bệnh tật của em...

Long Vân
.
.
.