Nghề đi tìm “tử thần”

Thứ Ba, 18/03/2008, 08:46
Trên vai ông Lõi là cái giỏ đệm đựng nào là leng, cuốc, bình ắc qui, máy rà với đồng hồ điện kế, một bàn nam châm, một chiếc loa nhỏ… là đủ công cụ cho một chuyến "làm ăn". Chúng tôi theo chân ông Lõi làm một chuyến rà bom, mìn, phế liệu trong khu vực núi Dài (Tri Tôn - An Giang).

Từ tờ mờ sáng, những người đàn ông chuẩn bị nào là cuốc, xẻng, leng, bình ắc qui… cùng máy rà tìm kim loại để chuẩn bị cho một ngày đi tìm… "Tử thần". Còn những người phụ nữ trong gia đình cũng phải dậy thật sớm, để nấu cơm sáng rồi gói gém cho những người đàn ông mang theo ăn trong ngày.

Đó là khung cảnh thường ngày của người dân hai ấp An Nhơn, An Thành, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn (An Giang) từ suốt hơn 20 năm qua. Công việc của họ là rà kiếm bom, mìn, phế liệu… còn sót lại từ thời chiến để bán ve chai.

“Tử thần"… luôn rình rập

Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc đi qua hơn 30 năm, cả những ngày chiến đấu ác liệt chống lại bọn Ponpot tàn ác đã khiến vùng chân núi Dài thuộc địa bàn hai xã Lương Phi và thị trấn Ba Chúc (Tri Tôn) phải gánh biết bao nhiêu bom đạn quân thù trút xuống.

Hoà bình lập lại, trên mảnh đất ấy, "tàn tích chiến tranh" vẫn còn nhan nhản quanh triền núi, trong hang động và trên những mảnh ruộng dưới chân núi. Nơi đó, chính là những điểm để những người rà tìm phế liệu mưu sinh. Công việc rà tìm ấy, thật sự không phải do người dân nơi đây nghĩ ra mà xuất phát từ một sự tình cờ.

Ông Trần Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Lương Phi, cho biết: "Địa phương vận động họ bỏ nghề, cho vay vốn, dạy nghề, đưa họ đi làm công nhân trên thành phố… nhiều lắm. Mình nhẹ nhàng khuyên họ từ bỏ cái nghề nguy hiểm có, bắt họ cam kết có, nhưng do chưa có cơ chế xử lý nên chúng tôi chỉ khuyên bảo là chính. Mỗi khi nghe tiếng nổ, tụi tôi sợ có người chết, sợ rừng bị cháy. Còn khi được tin báo có người chết vì tìm phế liệu, chúng tôi đau xót vô cùng".

Đó là ông Hai Hồng một người dân ở ấp An Nhơn có anh rể sống Bình Dương chuyên sống bằng nghề tìm phế liệu ở chiến khu D. Tha phương khi cuộc chiến Tây Nam đang ác liệt, ông Hồng theo người anh rể vào rừng tìm phế liệu chiến tranh mang về xuôi bán.

Thấy công việc rà những mảnh bom, đạn còn sót lại có thu nhập cao hơn nghề nông, mà đồ nghề thì khá đơn giản nên khi trở về quê hương, ông Hồng tiếp tục theo nghề này quanh chân núi Dài.

Thấy nhà Hai Hồng làm nghề rà phế liệu kiếm cũng khá, vài người bạn trong xóm lân la đến hỏi. Vốn tính thật thà, lại muốn giúp đỡ mấy người bạn nghèo, ông chỉ chỗ mua máy rà, các thao tác rà… và họ sắm sửa đồ nghề theo chân ông kiếm sống. Trong số đó, có ông Bảy Lõi (Phùng Văn Lõi, nhà ở ấp An Nhơn, xã Lương Phi, Tri Tôn).

Ông Lõi, nhớ lại: Khoảng năm 1985, gia đình nghèo quá, ít đất sản xuất mà canh tác thì chẳng được là bao. Thấy Hai Hồng làm cái nghề tuy nguy hiểm nhưng cũng đủ đắp đổi qua ngày thế là tui theo nghề từ dạo ấy"… 

Đến nay, hơn 20 năm theo nghề, và bây giờ, con trai, con rể và cả những đứa cháu cũng theo nghề của ông đi tìm "thần chết" để kiếm sống.

Ông Lõi kể tiếp: "3 giờ sáng hai vợ chồng tôi đã thức dậy. Bà xã thì chuẩn bị cơm nước, còn tôi coi bình ắc qui, kiểm tra cái máy, vì nó là "nồi cơm" nên mình phải hết sức chăm chút. Chuẩn bị leng, cuốc, giỏ đệm… là đủ hành trang lên đường. Mỗi chuyến đi dù xa hay gần thì ít nhất phải 2 ngày mới về". Thu nhập bình quân vài ba chục ngàn một ngày, ngày nào trúng mánh được vài trái đạn cối bán giá "bèo" cũng được cả trăm ngàn.

Chúng tôi theo chân ông Lõi, cùng anh Lành cháu ông làm một chuyến rà phế liệu trong khu vực núi Dài (Tri Tôn). Ông hỏi: "Các chú leo núi giỏi không? Đi cực lắm, lại nguy hiểm nữa".

Chúng tôi cam đoan sẽ theo chân ông làm chuyên đi thực tế, thế là lên đường. Trên vai ông Lõi là cái giỏ đệm đựng nào là leng, cuốc, bình ắc qui, máy rà với đồng hồ điện kế, một bàn nam châm, một chiếc loa nhỏ… là đủ công cụ cho một chuyến "làm ăn".

Ông Bảy Lõi đang rà bom, mìn, phế liệu… ở chân núi Dài.

Vượt con đường nhỏ ven chân núi, len lỏi qua những dốc đá, chúng tôi đã vào sâu trong núi. Ông Lõi dặn: "Các chú đi sau tôi cho an toàn, khu vực này gần căn cứ Ô Tà Sóc, khoảng những 1970 bọn Mỹ ném bom nhiều lắm. Tụi tôi rà tới, rà lui mà vẫn tìm được mấy mảnh bom sót lại. Lâu lâu vớ được vài trái đạn cối là mừng như vớ được vàng...

Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Lõi cho biết, mấy tuần trước sắp nhỏ ở ấp An Thành rà được nguyên 1 quả bom B52 nặng cả trăm kg và báo cho xã đội mang về. Tiếng bíp bíp cứ vang lên liên tục cùng lúc với chiếc cuốc bới đất nhặt  mấy vỏ đạn bằng sắt đã gỉ sét.

Gió núi se lạnh, len lỏi trong tán rừng vài ánh nắng yếu ớt, đêm trước có mưa nên chuyến đi này rất khó khăn. Chúng tôi có cảm giác như "tử thần" luôn rình rập…

Thương lắm chuyện "Sinh nghề, tử nghiệp"

Trên đường về, ông Bảy Lõi tâm sự: "Cái nghề này bạc bẽo lắm, làm thì trốn chui trốn nhủi vì chính quyền đâu có cho hành nghề. Đây là công việc nguy hiểm, cái chết đến lúc nào có ai mà biết".

Rít một hơi thuốc "ém" sâu trong phổi, ông Lõi lắc đầu: "Cái xóm nhỏ này mấy năm nay đỡ đấy, chứ lúc trước tụi nó đi rà bị mất mạng hoài".

Đó là anh Phùng, ở gần nhà ông. Một ngày giữa năm 1998, sau chuyến đi rà trúng mánh với mấy trái cối 105 ly, anh ra sau nhà hì hục cưa để lấy thuốc nổ, kíp, đồng mang bán. Công việc chưa đến đâu thì "đùng", tiếng nổ vang trời cướp đi sinh mạng của anh khi còn rất trẻ.

Gần đây là trường hợp anh Trương Văn Tây cũng gặp thảm cảnh tương tự. Theo bà Lê Thị Thàng (mẹ anh Tây), khoảng tháng 7 năm 1999, sau khi ăn cơm sáng xong, anh Tây cùng hai người bạn đến tận Hà Tiên (Kiên Giang) để rà, những mong sẽ tìm được nhiều đồ để mấy ngày nữa còn đi cắt lúa không đi được.

Nhưng đâu ngờ đó cũng là chuyến sau cùng của anh. Vừa đến điểm cần rà thì máy phát tín hiệu vang lên rất lớn, biết vớ được đồ "ngon" thế là cuốc ngay vào, một tiếng nổ vang trời hất anh tung xa cả chục thước và… tắt thở.

Theo thống kê, chỉ riêng xã Lương Phi (Tri Tôn) hiện đã có 123 hộ chuyên hành nghề rà tìm phế liệu, bom, đạn, tàn tích chiến tranh. Quả là một con số đáng báo động.

Bên cạnh những hiểm nguy luôn rình rập ấy, thì thời gian gần đây, mỗi khi có bom, mìn người dân còn mang lên núi Dài đốt cho nổ, để nhặt mảnh vỡ khiến nguy cơ cháy rừng ở địa phương luôn treo lơ lửng...

Nam Thơ - H.Anh
.
.
.