Nghệ An: Không phải cầu treo nhưng bị “treo” 3 năm

Thứ Sáu, 09/02/2007, 15:15

Nếu như xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nổi tiếng với cây cầu “bò” thì ở xã Quỳnh Ngọc cùng trong địa bàn huyện có một cây cầu lớn cũng… vừa "bò", vừa "trườn". Đó là cầu Nguyễn Văn Trỗi.

Khi UBND tỉnh Nghệ An quyết định cho dựng mới cây cầu mang tên Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng, tháng 12/2004, nhân dân xã Quỳnh Ngọc đã mừng rỡ dự lễ khởi công. Thế nhưng đã gần 3 mùa xuân trôi qua, cầu mang tên anh Trỗi vẫn là một công trình ngổn ngang, dang dở. Còn bà con hai bên bờ sông (đặc biệt là xóm 11, 13) thì đang rơi vào tình trạng như bị bó chân, bó tay bởi công trình giao thông huyết mạch duy nhất vẫn là một cây cầu... treo.

Cầu Nguyễn Văn Trỗi được xây dựng từ năm 1980, theo thời gian cây cầu này bị xuống cấp nghiêm trọng, gần như bị tàn phế. Nếu muốn đến trung tâm Quỳnh Ngọc người dân phải đi vòng qua xã Quỳnh Thọ gần 10km.

Tháng 12/2004, UBND tỉnh Nghệ An quyết định xây dựng mới cây cầu vẫn mang tên Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng. Theo kế hoạch, cây cầu dài 50m này sẽ được hoàn thành sau gần 4 tháng. Thế nhưng, sau gần 3 năm thi công, nó vẫn là một công trình thuộc diện… treo.

Trước sự việc tiến độ thi công cây cầu quá chậm, ngày 2/3/2006, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 925/UBND yêu cầu UBND huyện Quỳnh Lưu kiểm tra sự việc xung quanh những phản ánh của người dân về tiến độ thi công cây cầu. UBND huyện Quỳnh Lưu đã làm việc với đơn vị thi công là Công ty Vạn Tường. Công ty này đã cam kết sẽ hoàn thành cây cầu vào tháng 7/2006.

Giữa năm 2006, trong một lần lãnh đạo UBND huyện Quỳnh Lưu về tiếp xúc và lấy ý kiến cử tri, nhân dân Quỳnh Ngọc lại tiếp tục chất vấn cán bộ huyện về tiến độ của cây cầu, UBND huyện Quỳnh Lưu đã hứa với bà con là sẽ hoàn thành cây cầu vào đúng ngày 19/5/2007. Thế nhưng, có thể bởi mất quá nhiều lòng tin và sự chờ đợi nên nhiều bà con vẫn cứ nghi ngờ "chẳng biết là 19/5 năm nào(?)".

Anh Phạm Văn Hà, Trưởng xóm 10 xã Quỳnh Ngọc cho biết: "Cách đây khoảng gần 1 tháng, nếu các chị về đây dự 3 đám tang của ông Phạm Thế Ngoạn, Ngô Quang Chế và bà Chu Thị Tri (xóm 11, 13) thì mới biết bà con ở đây đã phải chịu khổ cực thế nào.

Khu nghĩa địa xóm 10 là nơi chôn cất người chết của cả 3 xóm nên mỗi khi xóm 11 và xóm 13 có người qua đời đều phải đưa qua sông. Cầu xây 3 năm vẫn chưa xong nên các gia đình phải thuê đò với giá từ 400 đến 600.000đ/chuyến. Chiếc quan tài chòng chành trên con thuyền nhỏ, hàng chục thanh niên trai tráng đội mưa, xắn quần lội sông rồi rướn hết sức để trườn, đẩy thuyền ra…

Người dân hai bờ sông Thai bao năm nay đều phụ thuộc vào cầu Nguyễn Văn Trỗi nên ngay lập tức bị cô lập với thế giới bên ngoài, việc đi lại cũng như giao lưu buôn bán đều ngưng trệ. Các cấp chính quyền và các ngành hữu quan của tỉnh Nghệ An và huyện Quỳnh Lưu nên tích cực đưa ra các biện pháp nhằm thúc đẩy tiến độ thi công cầu Nguyễn Văn Trỗi để giúp bà con hai bên bờ sông Thai sớm ổn định cuộc sống, các em học sinh có thể yên tâm đến trường

Hoàng Mai
.
.
.