Ngày mới ở xóm Việt kiều

Thứ Sáu, 06/08/2010, 19:45
Mệt mỏi với kiếp sống thương hồ nay đây mai đó trên dòng Mekong chảy trên nước bạn Campuchia, hơn 10 năm trước, nhiều cư dân Việt tìm đường trở về đất mẹ và định cư tại ùn Mã Đà, một nhánh rẽ của sông Đồng Nai thuộc địa phận xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), hình thành nên những xóm Việt kiều.

Ông Lê Văn Do, 50 tuổi, là một trong số đó. Trên bè cá lộng gió sắp đến ngày thu hoạch ước tính gần trăm triệu đồng, ánh mắt ông long lanh: "Không đâu bằng đất mẹ, chú ơi! Thời gian đầu về đây, tôi âu lo không biết những ngày tới sẽ sống ra sao. Còn bây giờ, cái khát vọng lên bờ, mua đất cắm sào để an cư lạc nghiệp ngày nào sắp trở thành hiện thực!".

Năm tháng cơ hàn

Ngày còn sống ở nước bạn Campuchia, vợ chồng ông Do cùng người mẹ già và 4 đứa con nhỏ tá túc trên chiếc nhà bè vá chằng vá đụp trên Biển Hồ (Xiêm - Riệp). Ông sinh quán ở xã Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Năm 1978, vì chạy nạn Pôn Pốt (gây ra vụ thảm sát kinh hoàng tại Ba Chúc với hơn 3.000 người bị sát hại) mà ông theo con nước đưa gia đình đi lánh nạn, sống bằng nghề đánh bắt cá rồi trôi dần đến Biển Hồ, cách Phnôm Pênh hơn 300km.

"Cuộc sống ở Biển Hồ cơ cực lắm chú ơi!" - ông Do nhấn giọng: "Tôm cá có hạn mà người đánh bắt ngày một đông nên nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt. Hồi ấy tôi tối ngày quần quật quăng lưới kéo chài lo cái ăn từng ngày nên hai đứa con, đứa tên Việt (25 tuổi), đứa tên Nam (23 tuổi) có được ăn học gì đâu, bởi vậy 2 đứa giờ vẫn mù chữ".

Cách bè cá của ông Do không xa là bè của gia đình anh Trần Xuân Hải, 32 tuổi. Anh tiếp nối câu chuyện về những tháng ngày "khổ tận cùng" bằng chất giọng trầm trầm: "Ba má tôi cũng là dân Ba Chúc chạy nạn Pôn Pốt cáp-duồng (chặt đầu) mà lưu lạc sang Biển Hồ. Hồi tôi được 18 tuổi, ba má nuôi ý định trở về Việt Nam. Suy đi tính lại, do giấy tờ bị mất hết trong quá trình chạy nạn nên nghĩ có về cũng chẳng biết sống bằng nghề gì, ở đâu nên ba má đành ngậm ngùi neo bè trên đất bạn. 2 năm sau, ba tôi mất do một cơn bạo bệnh, bỏ lại ước mơ được trở về cố hương còn dở dang. Vài tháng sau má tôi cũng qua đời. Trước khi mất, như ba, má mong ước được rải tro cốt trên sông Cửu Long". Khẽ thở dài, anh Hải chép miệng: "Hồi ấy sao mà khổ quá chừng khổ".

Tiếp xúc với những cư dân xóm bè khác ở ùn Mã Đà, nhắc đến chuyện xưa, ai nấy cũng trĩu giọng. "Lúc mới về đây, lo lắm, sợ lắm chú ơi! Do xa quê hương đã lâu nên tôi sống giữa lòng đất mẹ mà cứ như ở xứ lạ. Sợ mình không giấy tờ tùy thân sẽ gây rắc rối cho việc quản lý, đảm bảo an ninh trật tự nên chính quyền, mấy anh Công an sẽ trục xuất. Sợ đánh bắt không được cá, cái đói ập đến, mà mình không bà con thân thích, khi ấy chẳng biết bấu víu vào ai" - bà Nguyễn Thị Mười, 67 tuổi, hồi ức.

Trẻ em ở xóm Việt Kiều.

Những khát vọng bừng sáng

Năm 1997, với niềm trăn trở lá rụng về cội, ông Do cùng một số hộ quyết định rời Biển Hồ về Việt Nam. Ông tiếp tục mạch chuyện: "Tôi đi đến hành động táo bạo vì nghe một số khách du lịch người Việt khuyên nên quay trở về quê nhà làm ăn. Đất nước luôn rộng vòng tay đón những người con xa xứ chứ không khinh khi, bỏ mặc như suy nghĩ thiển cận của tôi. Khi hay tin các hộ tiên phong báo tin sống khỏe lắm, nhiều hộ ở Xiêm Riệp, Phnôm Pênh dần kéo đến. Những xóm Việt kiều nên hình hài từ đó. Thời gian đầu chúng tôi sống bằng nghề đánh bắt. Sẵn nghề nuôi cá ngày ở Biển Hồ, tôi đóng bè thả cá bống tượng. Vụ đầu huề vốn, vụ sau lời được 20 triệu đồng. Thu nhập tăng dần theo từng năm. Có tiền tôi sửa sang lại bè, mua sắm tiện nghi, cho 2 đứa nhỏ sinh sau này được ăn học đàng hoàng. Hai đứa học rất giỏi".

Ông Huỳnh Ngọc Yên (Phó Chủ tịch UBND xã Mã Đà):

Toàn xã hiện có 112 hộ nuôi cá bè, hơn 80% số hộ là Việt kiều Campuchia. Những năm đầu bà con sống rất mặc cảm do phần đông không có giấy tờ tuỳ thân. Nay chuyện ấy không còn là vấn đề phải trăn trở. Cuộc sống của bà con hiện có những cải thiện rõ rệt.

Trước đây, con em của các hộ nuôi cá bè đa số học đến lớp 5 là nghỉ ngang. Gia đình nào khá lắm cho con học đến lớp 9 là chấm dứt. Nay có gia đình cho con học đến đại học.

Rồi ông tỏ quyết tâm: "Đời mình do dốt nát mà nghèo khổ nên gia đình tôi quyết cho con ăn học tới nơi tới chốn. Có con chữ làm hành trang vào đời, chắc chắn đời mấy sắp nhỏ sẽ khá hơn đời mình".

Không như gia đình ông Do sắp sửa lên bờ, anh Hải cho biết điều ấy hiện nằm ngoài khả năng của anh nhưng cái viễn cảnh thôi sống trên cái nhà bè dập dềnh theo con nước. Anh bộc bạch: "Hồi trước, tôi chỉ mong ước có được điều kiện sửa sang lại cái bè chắp vá cho đàng hoàng chứ đâu nghĩ mình sắp được đầy đủ vật dụng sinh hoạt, có tivi, đầu máy, xe gắn máy… và tích lũy được số vốn kha khá. Tôi định sang năm đầu tư mở rộng bè cá, ngoài cá bống tượng, tôi sẽ nuôi thêm cá lóc, cá tai tượng".

Gia đình bà Mười, bà Tám Loan và nhiều cư dân xóm Việt kiều ai nấy cũng hân hoan nét mặt tâm tình được sự quan tâm, giúp đỡ cho vay vốn, làm giấy tờ tùy thân của lãnh đạo địa phương mà bà con có sự tin yêu vào cuộc sống. "Xóm Việt kiều hiện có mấy gia đình nuôi con học đến đại học. Điều mà ngày trước chẳng ai dám mơ nghĩ tới" - người đàn ông tên Luyến, chia sẻ.

Nghe những con người từng một thời chỉ biết sống hôm nay, không dám nghĩ đến ngày mai bàn tính, lên kế hoạch mở rộng quy mô bè cá, mua đất dựng nhà, sắm tiện nghi phục vụ sinh hoạt… chúng tôi cảm nhận những đổi thay, khởi sắc trong đời sống kinh tế lẫn tinh thần của họ. Dẫu còn không ít khó khăn nhưng với cư dân Việt kiều, cuộc sống hiện tại ngoài sức tưởng tượng lắm rồi

Thành Dũng
.
.
.