Nêu cao trách nhiệm xã hội của người làm báo

Thứ Sáu, 06/05/2011, 08:00
Báo chí cần tiếp tục tham gia tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; chống lại tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong cuộc đấu tranh này, cần xác định và thực hiện đúng phương châm "chống để xây"…

Ngày 5/5, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị toàn quốc nhằm đánh giá hoạt động báo chí năm 2010, triển khai nhiệm vụ năm 2011. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự hội nghị có gần 500 đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các Sở Thông tin và Truyền thông…

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đại biểu tại Hội nghị.

Báo chí tạo sự đồng thuận xã hội

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2010, báo chí đã đưa tin kịp thời, toàn diện các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của đất nước và quốc tế. Tuyên truyền có hiệu quả các sự kiện trọng đại, các ngày lễ lớn của đất nước. Thông tin báo chí đã tạo không khí phấn chấn, tin tưởng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, năng động, tích cực phát hiện, biểu dương nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Báo chí cũng tích cực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Báo chí ghi nhận thành tựu to lớn công cuộc đổi mới, phản ánh sinh động hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

"Những thành tựu của đất nước đã khẳng định hoạt động báo chí nước ta có vai trò, sứ mệnh hết sức cao cả là thông tin, tuyên truyền, tạo nên hào khí cách mạng của dân tộc, tạo sự đồng thuận trong xã hội" - Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn khẳng định.

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin mạng, cạnh tranh thông tin diễn ra gay gắt, nền kinh tế trong nước còn những khó khăn… đã tác động nhiều mặt đến hoạt động báo chí. Điều kiện tài chính khó khăn nhưng nhiều cơ quan báo chí đã tự chủ tài chính hoặc giảm dần sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Nhiều báo tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, hỗ trợ đồng bào khó khăn… Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cũng chỉ rõ nhưng hạn chế, tồn tại của báo chí thời gian qua như thông tin sai sự thật, chạy theo thị hiếu kém lành mạnh, đưa đậm thông tin vụ án, mặt trái của xã hội.

Vừa giữ vững định hướng, vừa phải bắt nhịp thời cuộc

Sự có mặt của lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tại Hội nghị tạo diễn đàn thảo luận, phát biểu ý kiến thẳng thắn, xây dựng. Đó là các tham luận về giữ vững định hướng trong công tác báo chí, tuyên truyền, việc phổ biến, quán triệt thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thông tin các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội, các nhân tố mới, điển hình tiên tiến cũng như phản ánh các mặt trái, tiêu cực; về vấn đề tài chính, nhất là trong điều kiện báo in bị cạnh tranh khốc liệt từ báo mạng; vấn đề quản lý, hoạt động báo điện tử, trang tin điện tử, xử lý những tồn tại, thiếu sót…

Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Phạm Tất Thắng trong tham luận chủ đề báo chí với việc tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, khẳng định, để tuyên truyền có hiệu quả, báo chí cần hiểu rõ và nắm vững những điểm mới trong các văn kiện, tránh việc truyền đạt khô khan. Trong các văn kiện, cần làm rõ vì sao có những điểm mới, những điểm mới đó tác động thế nào đối với đất nước? Lộ trình thực hiện đặt ra thách thức gì? Ông cũng đề nghị, người làm báo cần sàng lọc thông tin, nêu cao trách nhiệm. Người dân hiện nay họ có quyền lựa chọn báo chí, lựa chọn thông tin để tiếp cận, do đó cần có cách thức thể hiện phù hợp.

Là cơ quan báo Đảng, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn giải phóng Trần Thế Tuyển cho rằng, vấn đề quan trọng là vừa giữ vững định hướng, đồng thời tăng cường tính thời sự, chất liệu cuộc sống trong mỗi số báo. Ông nói, mỗi số báo đều kiểm tra xem, cái gì báo khác có mà mình không có, ngược lại cái gì mình có mà báo khác không có. Cũng như nhiều tờ báo khác trong điều kiện kinh tế thị trường, câu hỏi thường trực là làm sao nuôi sống bộ máy và phát triển. Nguồn thu báo in có hai nguồn. Về quảng cáo, ông Tuyển thừa nhận sự thật là đi xin quảng cáo, rất không dễ. Thứ hai, nguồn bán báo, xét cho cùng là lỗ. "Báo tôi mỗi ngày phát hành hơn 100 nghìn bản, giá 2.500 đồng/tờ, trừ chiết khấu thu về 1.900 đồng, trong khi giá thành đã gần 3.000 đồng. Như vậy, mỗi ngày lỗ 57 triệu, mỗi năm lỗ gần 20 tỷ. Rõ ràng bài toán kinh tế rất nan giải" - ông Tuyển ái ngại.

Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh kiến nghị, để tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các báo trong bối cảnh giá cả mọi thứ đều leo thang nhưng giá báo vẫn không đổi, nên chăng cần xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các báo, như đã áp dụng với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Băn khoăn của báo điện tử, truyền hình, phát thanh

Tổng Biên tập báo điện tử Vietnam plus (+) Lê Quốc Minh thừa nhận, nhịp độ thông tin, báo chí bây giờ khác xa trước quá nhiều. Sự ra đời nhiều báo điện tử, trang tin điện tử đặt ra những vấn đề đáng quan tâm. Theo ông, có ba vấn đề lớn, đó là chọn lọc thông tin đăng tải, vấn đề bản quyền, vấn đề định hướng. Về chọn lọc thông tin đăng tải, báo điện tử thiên về tin nóng, giật gân, trong khi quy trình biên dịch, xuất bản nhiều khi đi tắt. Trong khi đó, bản quyền là vấn đề phổ biến nhất của báo điện tử. Còn về định hướng, nếu thả lỏng sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân là biên tập viên không nắm được quan điểm, định hướng.

Đại diện các đài truyền hình, Cục Quản lý phát thanh, truyền hình cũng bày tỏ những băn khoăn của báo hình, báo nói. Đó là vấn đề xã hội hóa truyền hình, truyền thanh; xu hướng thương mại hóa, liên kết trong phát thanh, truyền hình, chạy theo thị hiếu, thiếu tính giáo dục…

Giữ vững ổn định xã hội, tăng thêm sự thống nhất, đồng thuận, niềm tin

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang và đồng chí Đinh Thế Huynh đánh giá cao những kết quả tích cực của công tác chỉ đạo, quản lý báo chí và các hoạt động báo chí đạt được trong năm 2010. Hoạt động báo chí đã diễn ra hết sức sôi nổi, phong phú, đa dạng. Tuyệt đại đa số các cơ quan báo chí đã thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước; thông tin đúng đắn, kịp thời, đầy đủ về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, các sự kiện lớn trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân.

Các đồng chí cũng chỉ rõ những thiếu sót, bất cập trong việc phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí ở một số ngành, địa phương; quản lý đối với hoạt động báo chí; công tác đào tạo, bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên....

Đề cập nhiệm vụ năm 2011, các đồng chí Trương Tấn Sang và Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của báo chí là tập trung tuyên truyền phục vụ tốt đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết, các văn kiện Đại hội XI của Đảng, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, góp phần tạo sự thống nhất chính trị tư tưởng trong Đảng và toàn xã hội. Đồng thời, báo chí cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, làm cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 thực sự là ngày hội của toàn dân.

Báo chí cần tuyên truyền, cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, các lực lượng xã hội thực hiện nghiêm túc, có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Kết luận số 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 11 của Chính phủ đã đề ra, thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đưa đất nước ra khỏi tình hình khó khăn, tiếp tục phát triển, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2011 và những năm tiếp theo.

Báo chí cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về các ngày kỷ niệm, các sự kiện lớn của đất nước trong năm 2011; về việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền những thành tựu đổi mới của đất nước; cổ vũ, động viên, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt để tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố và tăng thêm niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, tương lai của đất nước, quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam.

Báo chí cần tiếp tục tham gia tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; chống lại tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong cuộc đấu tranh này, cần xác định và thực hiện đúng phương châm "chống để xây", phê phán, lên án các hiện tượng tiêu cực để giữ vững ổn định xã hội, tăng thêm sự thống nhất, đồng thuận, niềm tin, không để các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, bôi nhọ chế độ ta, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Báo chí cần tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống lại âm mưu "diễn biến hòa bình", đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, vu cáo, xuyên tạc.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu cao của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ các cơ quan báo chí đồng thời đòi hỏi ý thức trách nhiệm cao và nâng cao chất lượng công tác của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chính quyền các ngành, các địa phương đối với hoạt động báo chí.

Thông tin, phản ánh về sai phạm trong Công an cần có cách nhìn khách quan

Tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND, Tổng Biên tập Báo CAND phát biểu về việc phản ánh hình tượng người chiến sĩ CAND trên báo chí hiện nay. Đồng chí khẳng định, Công an và hình tượng người chiến sĩ CAND là chủ đề lớn, được nhiều cơ quan báo chí quan tâm, là đề tài rất sinh động. Nhìn chung, các cơ quan báo chí Trung ương cũng như địa phương ủng hộ và tuyên truyền các hoạt động bảo đảm an ninh - trật tự của lực lượng Công an và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước: Hình tượng người chiến sĩ Công an là đề tài sinh động.

"Bảo vệ an ninh - trật tự là công việc cam go, phức tạp, không có ngơi nghỉ, ngày lễ Tết càng nặng nề, các đơn vị luôn phải ứng trực. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an phải hy sinh xương máu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, truy bắt tội phạm. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng vài chục cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị thương" - đồng chí chia sẻ.

Báo chí cũng phát hiện, thông tin sai phạm của một số cán bộ, chiến sĩ CAND. Tuy nhiên, khi phản ánh vấn đề này, báo chí có lúc chưa thể hiện khách quan, có xu hướng "khơi sâu" vấn đề tiêu cực. Đồng chí cho rằng, phản ánh về hình tượng chiến sĩ Công an luôn có tác động mạnh với dư luận, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng vậy. Nếu nhìn nhận kỹ sẽ thấy, về hình tượng đẹp của người chiến sĩ Công an, báo chí đưa nhanh, kịp thời nhưng liều lượng phản ánh còn "mỏng". Còn hành vi chưa đẹp, một số báo khai thác liều lượng quá nhiều, gây sức ép đối với cơ quan Nhà nước, tạo dư luận không tốt.

Đồng chí khẳng định, với hàng vạn cán bộ, chiến sĩ công tác ở các lĩnh vực khác nhau, quá trình thực thi nhiệm vụ sẽ nảy sinh hành vi này, hành vi khác chưa đúng nhưng Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an coi việc xử lý nghiêm sai phạm, tiêu cực cũng là biện pháp để làm trong sạch lực lượng. Bất kỳ sai phạm nào đều được chỉ đạo làm rõ, xử lý theo đúng quy định. Lực lượng Công an cũng hoan nghênh, tiếp thu các ý kiến góp ý, phê bình từ báo chí, từ nhân dân, góp phần xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, coi báo chí là một kênh phản ánh quan trọng. Thế nhưng cần thấy rằng, để xử lý một vụ việc, một cán bộ, công chức sai phạm phải có quy trình chặt chẽ, phải xác minh, làm rõ, đòi hỏi có thời gian. Do đó, đồng chí đề nghị, cùng việc phản ánh sinh động các hoạt động lực lượng CAND trên mặt trận bảo vệ an ninh - trật tự thì báo chí cũng cần có cách nhìn khách quan, đầy đủ từ hai phía, không nên chỉ chú trọng vào mặt trái, mặt tiêu cực.

Thanh Hòa - Đ.Trường
.
.
.