Nạn trộm cắp tài sản tại các vùng ngoại thành Hà Nội

Thứ Tư, 20/04/2016, 08:45
Dù cuộc sống kinh tế có phần thay đổi nhưng về nhận thức cũng như suy nghĩ của một bộ phận người dân ven đô dường như vẫn không thay đổi. Vẫn còn đó sự thật thà, chất phác, vô tư trong mỗi con người nơi đây. Mọi người vẫn chủ quan trong việc bảo vệ tài sản cá nhân cũng như tài sản gia đình.

Chúng tôi đã có khoảng thời gian tìm hiểu về cuộc sống của người dân tại các làng xã ven đô. Sự yên bình và đời sống của người dân tại vùng quê đã phần nào thay đổi với sự phát triển về kinh tế và xã hội. Đường phố tấp nập, tiếng còi xe, tiếng buôn bán len lỏi mọi ngả đường. Người dân hối hả với công việc của mình.

Dù cuộc sống kinh tế có phần thay đổi nhưng về nhận thức cũng như suy nghĩ của một bộ phận người dân dường như vẫn không thay đổi. Vẫn còn đó sự thật thà, chất phác, vô tư trong mỗi con người nơi đây. Mọi người vẫn chủ quan trong việc bảo vệ tài sản cá nhân cũng như tài sản gia đình.

Khi “treo mỡ trước miệng mèo"

Buổi trưa, mọi người đóng cửa nghỉ ngơi trong nhà, nhưng các phương tiện như xe máy, xe đạp vẫn dựng ngoài sân trong khi đó phía ngoài cổng lại không được khóa. Nhiều gia đình còn dựng xe máy ngay ngoài đường mà không khóa cẩn thận. Mỗi khi đi làm ngoài đồng ruộng, người dân thường để phương tiện của mình ngay trên bờ, sát đường đi mà không khóa cẩn thận.

Có một số gia đình trước đây đã từng bị kẻ xấu đột nhập vào trộm gà, vịt..., máy bơm nhưng vẫn còn thờ ơ với việc tự giác bảo vệ tài sản của mình. Chính vì điều đó đã bị kẻ gian lợi dụng để trộm cắp tài sản khiến cho vấn nạn này ngày càng tăng ở làng quê.

Sau mỗi lần mất mát về tài sản là những kinh nghiệm và bài học được rút ra. Chị Phan Thị Huyền (34 tuổi, ở xã Sơn Đồng, Hoài Đức), là nạn nhân bị kẻ xấu trộm một chiếc xe đạp vào tháng 1-2016.

Người dân thường chủ quan, vẫn để xe máy ngoài đường, vỉa hè không khóa cẩn thận.

Qua hỏi thăm hàng xóm, chúng tôi đã tìm đến được nhà chị Huyền. Cổng nhà khóa chặt, chúng tôi đứng ngoài gọi, một lúc sau chị Huyền từ trong nhà đi ra ngoài cổng mở khóa cho chúng tôi.

Chị Huyền chia sẻ, vừa rồi gia đình chủ quan, sơ hở nên bị trộm mất chiếc xe đạp, may mà lực lượng Công an đã tìm thấy nên bây giờ dù ở nhà thì chị cũng phải khóa cổng cẩn thận, xe máy hay xe đạp để ngoài sân cũng phải khóa cổ thì mới yên tâm được. Đi làm ngoài đồng ruộng, phải để xe trên bờ nên chị đã mua một cái khóa càng to để bảo vệ xe máy.

Trước đây, khi chưa bị trộm xe đạp, chị Huyền và gia đình thường hay chủ quan, đi ra ngoài hàng xóm thì cứ để cửa như vậy, nhiều hôm ngủ trưa còn không thèm đóng cổng. Sau khi bị mất tài sản mới nhận ra là phải cẩn thận đề phòng “bọn trộm nó rình mình chứ mình không rình được bọn nó” – chị Huyền nói.

"Bó đũa" chống trộm

Theo thống kê, bốn tháng đầu năm 2016, trên địa bàn huyện Hoài Đức – Hà Nội, đã xảy ra 12 vụ trộm cắp, trong đó có 2 vụ trộm cắp xe máy, 3 vụ trộm máy tính xách tay, 3 vụ trộm điện thoại, 3 vụ trộm tiền mặt và 2 vụ trộm xe đạp. Công an huyện Hoài Đức đã điều tra làm rõ 10 vụ, xử lý hình sự 9 vụ và hành chính 1 vụ, 2 vụ đang tiếp tục điều tra làm rõ.

Trung tá Nguyễn Thạc Thắng, Đội trưởng Đội Tổng hợp Công an huyện Hoài Đức cho biết thủ đoạn của các đối tượng trộm cắp là lợi dụng sơ hở của người dân để ra tay thực hiện, các đối tượng trộm cắp trên địa bàn chủ yếu là thanh niên không có công việc và là thành phần nghiện ma túy. Để trấn áp tội phạm nói chung và tội phạm trộm cắp nói riêng,

Công an huyện Hoài Đức đã triển khai kế hoạch 108 đấu tranh phòng chống tội phạm bằng việc phục bắt, tuần tra trên địa bàn. Thời gian qua, Công an huyện phối hợp với lực lượng Công an xã mở đợt cao điểm phòng chống tội phạm trộm cắp cây trồng có giá trị cao như cây phật thủ. Đồng thời, hàng tháng, Công an huyện viết bài tuyên truyền phát bằng loa phát thanh,  phát tờ rơi tại các xã để người dân nắm bắt được thủ đoạn và nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa tội phạm trộm cắp.

Nhận định về tội phạm trộm cắp tài sản trên địa bàn huyện Phúc Thọ, Thiếu tá Phạm Anh Tuấn, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Phúc Thọ cho biết, thời gian trước đây, tình trạng trộm cắp trên địa bàn diễn ra phức tạp.

Trước tình hình như vậy, lực lượng Công an huyện đã kết hợp với Công an xã tăng cường tuần tra, phục bắt thường xuyên để trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự. Theo đó, từ đầu năm 2016 đến nay trên địa bàn mới xảy ra một vụ mất xe máy do người dân dựng ngay đường quốc lộ 32 để vào quán ăn nhậu.

Để đẩy lùi tình trạng trộm cắp, cũng như đảm bảo ANTT xã hội trên địa bàn, lực lượng Công an xã đã thực hiện và duy trì nhiều mô hình tự quản đem lại hiệu quả cao, giúp người dân có cuộc sống yên bình. Tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, lực lượng Công an xã đã thành lập và triển khai nhiều mô hình tự quản, trong đó mô hình Tổ xe ôm trật tự tự quản đã được thành lập và duy trì hơn 10 năm nay.

Qua quá trình thực hiện, tổ tự quản đã phối hợp và cung cấp cho chính quyền, cho lực lượng Công an những thông tin vụ việc kịp thời, chính xác để cơ quan chức năng ngăn chặn và xử lý hiệu quả. Bên cạnh đó, Công an xã còn thành lập mô hình Câu lạc bộ phòng chống tội phạm.

Đặc biệt, tại xã Sơn Đồng đã thành lập mô hình Dòng họ tự quản về ANTT. Mô hình này giúp mọi người trong dòng họ, gia đình nhận thức được việc đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau tạo nên một tập thể đoàn kết vững mạnh, giúp địa phương ngày càng phát triển và an toàn.

Đồng chí Nguyễn Đức Luân, Trưởng Công an xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ thì chia sẻ về Hội liên minh Công an - Quân sự - Cựu chiến binh" được phân bố mỗi thôn một nhóm gồm 5 cựu chiến binh và 2 Công an viên.

Các nhóm này thực hiện nhiệm vụ tăng cường tuần tra, mật phục và theo dõi tình hình ANTT trên địa bàn phụ trách, cung cấp thông tin, dữ liệu cho cơ quan chức năng vào cuộc xử lý các vụ việc. Sự phối hợp này được ví như họp nhiều chiếc đũa thành bó đũa bền chắc nhằm huy động sức mạnh của cộng đồng trong đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và nạn trộm cắp nói riêng.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an xã đã xây dựng kế hoạch trấn áp tội phạm và các tệ nạn xã hội trên địa bàn. Một tuần sẽ có 3 ca làm nhiệm vụ mật phục tại các điểm khác nhau. Lực lượng công an xã phối hợp với chính quyền luôn tuyên truyền qua đài phát thanh đến với người dân về vấn đề đối tượng đột nhập vào nhà trộm cắp tải sản.

Xuân Bùi
.
.
.