Quảng Nam:

Một thương binh Công an phủ xanh vùng đất chết

Thứ Tư, 27/07/2005, 08:47

Phải nghỉ hưu do vết thương tái phát, nhưng với nghị lực của người chiến sĩ CAND, ông Hoàng Minh Tư không chịu... yên phận. Ông làm đơn xin chính quyền xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) lên đỉnh đèo Le để trồng rừng. Đến nay, gần 14 năm trôi qua, cánh rừng của ông Tư đã ngút ngàn màu xanh.

Gần 14 năm về trước, khi ông Hoàng Minh Tư, một thương binh loại 4/4, bày tỏ ý định lên đỉnh đèo Le trồng rừng thì không ít người dân xã Quế Lộc đã cho ông là... khùng. Bởi vì khu đất Trạc Bài trên đỉnh đèo Le cằn cỗi đến mức lau lách không lên được làm sao có thể trồng rừng. Thế nhưng, ông Tư vẫn quyết tâm thực hiện ý định của mình...

Cho đến giữa tháng 7/2005, khi chúng tôi cùng các đồng chí lãnh đạo Công an xã Quế Lộc có mặt trên đỉnh đèo Le thì vùng núi trọc rộng hơn 10 ha tại Trạc Bài đã xanh ngút dáng rừng. Ông Tư vui mừng nói với chúng tôi: 5 năm trở lại đây, cánh rừng keo lá tràm, bạch đàn này đã mang lại cho ông trung bình mỗi năm trên 50 triệu đồng. Rừng cũng mang lại cho ông danh hiệu nông dân sản xuất giỏi, bằng khen, giấy khen của huyện, của tỉnh và Bộ LĐTB&XH. Rừng còn mang lại niềm tin của bà con nông dân xã Quế Lộc đối với ông và họ đã đặt cho ông  biệt danh rất thân thương: Triệu phú trồng rừng!...

Kể lại chuyện mình cùng "đồng chí vợ" (vợ ông Tư là cán bộ quân đội nghỉ hưu) và 5 đứa con mang lương thực, vác cuốc, thuổng lên đỉnh đèo Le khai hoang, phát dọn lau lách để trồng rừng ngày ấy, ông Tư cười hiền lành: "Lúc đầu tui cũng chẳng mấy tin tưởng, song trồng lứa bạc hà đầu tiên, sau vài tháng thì thấy nó lên xanh tui phấn khởi lắm, bèn động viên vợ con đừng nản chí. Bây giờ thì cả khu đất Trạc Bài đã có rừng. Dưới tán rừng, tui trồng thêm dứa, nuôi được vài chục con bò...".

Nhìn ông Tư với dáng người gầy nhom, mái tóc muối tiêu, chúng tôi càng khâm phục khi được biết trong chiến tranh ông là một chiến sĩ An ninh dũng cảm, ngoan cường... Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, giữa những năm tháng chiến tranh khốc liệt, lúc tuổi vừa tròn 14, ông Tư đã tình nguyện vào du kích xã Quế Lộc, Quế Sơn. Hai năm sau, năm 1967, trong một trận đánh, ông Tư bị thương nặng được đưa về tuyến sau điều trị. Nhưng khi vết thương vừa lành, ông Tư lại trở về quê nhà cầm súng cùng đồng đội đánh giặc giữ làng...

Ông bảo: "Tui vào ngành Công an năm 1971. Hồi ấy, Ban An ninh đặc khu Quảng Đà đã tuyển chọn và rút tui về công tác tại đơn vị trinh sát vũ trang Ban An ninh huyện Quế Sơn. Sau giải phóng 1975, tui được cấp trên giao nhiệm vụ phụ trách Đội An ninh Công an huyện Quế Sơn...". Ông Tư kể rằng, sau ngày đất nước thống nhất, tại Quế Sơn, bọn ác ôn manh nha hình thành một số tổ chức phản động, chống phá chính quyền cách mạng. Qua công tác nắm tình hình, bám chắc cơ sở, lực lượng An ninh huyện đã phát hiện và phối hợp cùng lực lượng An ninh Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) triệt phá thành công nhiều chuyên án lớn như triệt phá tổ chức phản động "Việt Quốc" do tên Ngô Sáu cầm đầu, tổ chức "Mặt trận Duy Hòa" của tên Nguyễn Văn Quyền, v.v...

Năm 1980, khi đang học nghiệp vụ ở Tp.HCM, ông Tư tình cờ phát hiện tên Ngô Tấn Duy, nguyên là Phó Bí thư Khu bộ Việt Nam Quốc dân đảng Quảng Nam. Ông Tư liền bám theo đối tượng và nhanh chóng báo với Công an quận 1 và An ninh Bộ Công an. Khi bị bắt, tên Duy đã khai nhận, tổ chức của hắn còn đang hoạt động và khai ra 200 tên Quốc dân đảng đang lẩn trốn.

"Trách nhiệm của người Công an trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm thì phải xác định ở bất cứ nơi nào chứ không phải khi đang làm nhiệm vụ...". Ông Tư tâm sự. Với suy nghĩ đó nên giờ đây dù rất bận rộn với công việc, song hàng tuần ông Tư vẫn lội bộ hàng chục cây số đường rừng về thị trấn Đông Phú, xã Quế Lộc để họp thôn và kể cho nhân dân nghe những câu chuyện cảnh giác tội phạm, tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Liên tục nhiều năm qua, ông Tư đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của Công an tỉnh Quảng Nam...

Long Vân
.
.
.