Một nữ du học sinh Việt Nam: Diễn thuyết trên đất Mỹ ủng hộ nạn nhân da cam

Thứ Hai, 11/01/2010, 09:46
Gương mặt khả ái, Võ Thị Minh An nổi tiếng trong giới học sinh, sinh viên Mỹ không chỉ bởi thành tích học tập đáng nể, đứng trong top 10% học sinh giỏi dẫn đầu toàn Trường Trung học tư thục Brentwood (bang California, Mỹ), mà còn bởi cô gái Việt Nam đã tự tin diễn thuyết về chất độc da cam trước toàn thể học sinh và phụ huynh học sinh của 7 trường trung học Mỹ.

Và khi đã trở thành sinh viên của Trường ĐH Mount Holyoke, An tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ cho các hoạt động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Những gương mặt ngây ngô trong thân xác lộc ngộc dường như không cảm nhận được nỗi đau đang hiện hữu của những trẻ em bị ảnh hưởng chất độc da cam ở Làng trẻ Thanh Xuân, Hà Nội, đã níu chân Võ Thị Minh An lại khá lâu trong lịch trình dày đặc của lễ hội du học sinh Việt Nam tiêu biểu chào mừng năm mới 2010 do Trung ương Đoàn tổ chức.

An đã tranh thủ thu thập được nhiều thông tin về các trẻ em là nạn nhân chất độc da cam, về cách dạy, chương trình học cho các em. Chuyến đi thực tế này trong lần trở về Việt Nam sẽ lại mở ra những kế hoạch mới trong các hoạt động xã hội sôi nổi của cô gái Việt đang theo học chuyên ngành Truyền thông quốc tế tại Trường ĐH Mount Holyoke nổi tiếng tại Mỹ.

Trong số 47 gương mặt du học sinh tiêu biểu về Việt Nam lần này, Võ Thị Minh An được giới truyền thông trong nước đặc biệt chú ý khi ai cũng tò mò về sự trưởng thành của cô nữ sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM từng đạt học bổng 30.000 USD của trường trung học tư thục dành cho con em giới thượng lưu Mỹ, được sống trong một gia đình nằm trong top 200 người giàu nhất nước Mỹ và một học bổng toàn phần 200.000 USD tại Trường ĐH danh tiếng Mount Holyoke.

Sau đó là những hoạt động ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam gây tiếng vang trong dư luận nước Mỹ. Vừa học vừa tham gia các hoạt động xã hội, tiếp xúc với nhiều người dân vô gia cư ở Mỹ, đã giúp An học được cách thức giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội của các tổ chức từ thiện của Mỹ. Không chỉ làm từ thiện mà truyền cảm hứng và kỹ năng sống để người khuyết tật, người yếu thế tự nuôi sống bản thân mình.

Với sự nỗ lực, trong vòng 4 tháng, cô đã vận động được Tổ chức Spiral Foundation gây quỹ hơn 50.000 USD giúp các nạn nhân da cam, khuyết tật ở Huế. Không như những tổ chức làm từ thiện khác, với số tiền trên, các trẻ em da cam ở Huế đã được dạy làm những đồ thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm từ các vật liệu phế thải như: Vỏ kẹo, lon bia, có thu nhập nuôi sống bản thân.

An đã rất thành công ở dự án này khi sản phẩm của các em đang được bày bán tại các khu du lịch không chỉ ở trong nước, mà còn có mặt ở nhiều bảo tàng lớn ở Mỹ và được nhiều người nổi tiếng biết đến. An cũng tranh thủ mang những sản phẩm này giới thiệu cho các bạn học cùng trường, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Ngay từ khi học ở Việt Nam, An đã thể hiện khả năng nổi trội ở bộ môn ngoại ngữ. Cuộc sống của một gia đình trí thức bình dị trong một chung cư bình dân ở quận Bình Thạnh, TP HCM đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sớm hình thành trong cô bé có vầng trán rộng, đôi mắt sáng sự tự lập, tính cách mạnh mẽ nhưng rất giàu tình cảm.

Những ngày được nghỉ học, lẽo đẽo theo mẹ đến nơi làm việc là Bệnh viện Từ Dũ, An đã thật sự "sốc" khi bắt gặp những gương mặt dị tật, những thân hình bị méo mó, không giống người bình thường. Và khi được biết đó là di chứng của chất độc da cam, tâm hồn non nớt của cô gái 13 tuổi đã đặt nhiều câu hỏi lớn. An đã trăn trở tìm cách tiếp cận và thu thập thông tin về họ.

Các tư liệu, hình ảnh về nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam mà cô bé tích cóp được trong nhiều năm đã trở thành chất liệu chính trong những thuyết trình của An tại nhiều trường trung học và đại học ở Mỹ. Nhiều học sinh và phụ huynh người Mỹ đã bật khóc khi xem hình ảnh chân thực và sự đau khổ đến tột cùng của từng số phận bị chất độc da cam hủy hoại.

Đối với một sinh viên theo học ngành Truyền thông, An đã mở đầu sự nghiệp của mình một cách xuất sắc, tạo được hiệu ứng lớn khi sau đó đã có rất nhiều người Mỹ rút hầu bao ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam cho các tổ chức phi chính phủ Mỹ mà cô tham gia giúp việc.

Năm 2009, cô cũng đoạt giải thưởng Knudson Churchill Scholarship Trust danh giá của Mỹ vì những đóng góp lớn trong lĩnh vực truyền thông. An cũng là đại diện Việt Nam tham gia hai diễn đàn lớn, do cơ quan HABITAT thuộc Liên hợp quốc tổ chức ở Vancouver, Canada và được Đài Phát thanh British Columbia mời chia sẻ về cơ hội phát triển cho giới trẻ Việt Nam và vẻ đẹp của ngôn ngữ và truyền thống Việt Nam

Thu Uyên
.
.
.