Một nông dân 15 năm tìm hài cốt liệt sĩ
Trong một lần hái củi mưu sinh, Trần Công Ngọc, thôn Lại Bằng, xã Hương Vân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế tình cờ phát hiện, cất bốc được một bộ hài cốt liệt sĩ. Kể từ đó đến nay, duyên nợ ấy đã gắn chặt với đời anh. Hơn 15 năm không quản ngại nhọc nhằn, với một chiếc gậy sắt, anh ngày đêm xẻ dọc Trường Sơn tìm di hài liệt sĩ.
Giữa bộn bề cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, ai nhìn vào cũng đều ái ngại trước những gánh vác, lo toan cực nhọc của vợ con anh, nhưng anh cười ấm áp, bảo rằng: "Vợ con tôi đều mong muốn, cố sức giúp tôi làm việc nghĩa!".
Ruộng nương anh gửi vợ anh cày
Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, chàng trai Trần Công Ngọc tích cực tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Và anh đã tìm ra hai bộ hài cốt liệt sĩ là bác ruột và người anh con bác ruột. Một ngày giữa mùa khô năm 1990, khi đang hái củi, anh nghe tin Huyện đội Hương Trà tiến hành tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại điểm cây khế bãi trung, phía Bắc thượng nguồn sông Bồ, nhưng không tìm thấy. Hơn 10 giờ đêm hôm ấy, anh Ngọc một mình với chiếc gậy sắt (chiếc gậy anh dùng tìm kiếm phế liệu sau chiến tranh) đến địa điểm trên.
Dọc đường đi, một số người cùng quê hỏi anh: "Đi đâu khuya khoắt thế này?". Anh Ngọc trả lời: "Tôi đi tìm vàng". Đến sáng hôm sau, anh tất tưởi chạy về, vẻ mặt đầy rạng rỡ: "Tìm ra rồi, tìm ra rồi!". Đó là lần đầu tiên anh Ngọc một mình tìm thấy hài cốt liệt sĩ không phải người thân (liệt sĩ Đỗ Trường Giang, quê huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Kể từ đó đến nay, duyên nợ kiếm tìm hài cốt liệt sĩ giữa mênh mông rừng núi đã gắn chặt với cuộc đời anh. Những lúc chồng lên rừng, người vợ thủy chung, tần tảo và các con hiền ngoan chăm lo việc đồng áng, không hề phàn nàn kêu ca.
Những cuộc tìm kiếm ý nghĩa
Sau những chuyến đi không mấy hiệu quả, anh Ngọc nghĩ ra cách cưa phần nhọn chiếc gậy sắt để dễ xác định điểm có hài cốt liệt sĩ. Anh giải thích: "Đất ở các điểm chôn cất hài cốt thường lỏng, sau những trận mưa rừng dễ bị xói mòn và có độ trũng nhất định. Hơn nữa, hài cốt liệt sĩ thường được mai táng trong bọc nylon hoặc võng vải nên gậy sắt được cưa bằng có thể thuốn sâu xuống những điểm này, đồng thời khi đụng phải các vật dụng của bộ đội, đầu gậy sẽ chùn lại và phát ra âm thanh đặc biệt".
Tôi hỏi: "15 năm qua, anh đã vượt bao nhiêu suối khe, đồi núi và bằng kinh nghiệm của mình đã tìm được bao nhiêu hài cốt liệt sĩ?". Anh Ngọc mộc mạc: "Tôi không nhớ rõ số mộ liệt sĩ tìm được, chỉ nhớ đã tìm thấy nhiều nhất vào năm 2002. Sau mỗi lần tìm được hài cốt bộ đội, những ai có tên tuổi, quê quán, tôi liên hệ với gia đình đến nhận về, số khác tôi báo với chính quyền địa phương đưa các anh vào yên nghỉ tại nghĩa trang. Đến năm 2003, tôi mới ghi vào sổ tay số lượng hài cốt, tên tuổi, quê quán các anh để tiện cho thân nhân đến nhận".
Biết anh Ngọc có tài tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, Huyện đội Hương Trà đã cùng anh tổ chức hơn 60 lần tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ quy mô lớn. Kết quả, tìm thấy và cất bốc được 65 bộ hài cốt, đưa vào yên nghỉ tại nghĩa trang xã Hương Vân… Đặc biệt, tháng 3 năm 2005, sau nhiều năm tìm kiếm ở Lào không thấy, gia đình liệt sĩ Nguyễn Thị Chạy, thôn Đồng Lâm, xã Phong An, huyện Phong Điền đã nhờ anh Ngọc qua đó. Tại đây, sau 3 ngày đêm, anh đã giúp gia đình tìm được phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Thị Chạy. Cũng trong năm nay, anh Ngọc còn tìm thấy hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Văn Chung, hy sinh năm 1968 tại đỉnh đồi 935, thuộc khe Trăng, thượng nguồn sông Bồ.
Suốt 15 năm qua, ngoài hàng trăm hài cốt liệt sĩ vô danh, anh đã giúp đỡ không ít gia đình tìm thấy di hài của các anh hùng liệt sĩ có đầy đủ tên tuổi, quê quán như: Liệt sĩ Đặng Thị Bỉ, Nguyễn Thị Túy, Nguyễn Hoài Phương (Thừa Thiên - Huế), Đỗ Trường Giang (Ninh Bình), Lê Văn Mơ (Phú Thọ)...
Năm 2003, anh Trần Công Ngọc đã được Tư lệnh Quân khu 4 tặng Bằng khen về thành tích công tác quy tập hài cốt liệt sĩ. Tiếp chuyện tôi, thỉnh thoảng anh ngoái đầu ra vườn, ở đó vợ con anh đang cần mẫn tưới nước cho những hàng cây ăn quả. Nhưng bỗng chốc, anh lại hướng cái nhìn xa xăm về phía núi rừng, nơi vẫn còn những nấm mồ lạnh lẽo cần được anh đưa về yên nghỉ ấm áp trong nghĩa trang. Trước lúc lên đường, anh thắp nhang lên những am thờ phía trước nhà một cách nghiêm trang. Tôi nhận ra rằng, nơi đây, linh hồn các anh hùng liệt sĩ đang được sưởi ấm bởi tấm lòng của những con người biết sống theo đạo lý: "Ăn quả nhớ người trồng cây!"