Một làng có hơn 300 lượt người ra xây đảo Trường Sa

Thứ Năm, 16/05/2013, 23:45

Họ chính là những người nông dân sống ở vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Cách Trường Sa hàng ngàn cây số, nhưng những người nông dân ở thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy (Nam Định) lại nắm rất rõ luồng lạch, từng đảo nhỏ ở Trường Sa.

Họ có thể kể vanh vách về đặc điểm thời tiết, các loại hải sản ở mỗi đảo nhỏ. Ngôi làng đặc biệt này lâu nay vẫn được các cán bộ Hải quân gọi bằng cái tên là trìu mến “làng xây đảo”…

Ký ức chở đá xây đảo

Chúng tôi tìm về Bỉnh Di để nghe câu chuyện vác đá xây đảo của những người nông dân nơi đây. Để vào được thôn Bỉnh Di, chúng tôi đi qua một cánh đồng trồng rất nhiều loại rau xanh vút tầm mắt.

Đến đầu làng, chúng tôi hỏi thăm nhà ông Lê Văn Biền, ông là một trong những người đầu tiên của Bỉnh Di ra Trường Sa xây đảo. Cuộc trò chuyện trở nên thân mật hơn khi ông Biền kể cho chúng tôi nghe chuyện về người nông dân Bỉnh Di vượt hàng ngàn cây số ra xây đảo Trường Sa.

Đó là vào những ngày giáp Tết năm 1991, ông Hoàng Kiền - người làng Bỉnh Di, khi ấy là Trung đoàn trưởng Đơn vị 83 công binh về quê để tuyển một số thợ giỏi cùng với Bộ đội công binh ra xây dựng đảo. Trong đợt đầu đăng ký Trung tá Hoàng Kiền tuyển được 7 người thợ giỏi nhất, ngoài ông Biền còn có ông Diện, ông Tự, ông Túc, ông Hoàn…

Sau một phút hồi tưởng, những kí ức của 20 năm về trước như hiện ra trước mắt ông Biền: “Đó là vào tháng 2/1991 sau khi ăn Tết xong, ông cùng 6 người trong làng nhận lệnh lên đường. Nhiệm vụ đầu tiên khi ra đến đảo, ông Biền cùng với anh em trong tổ thợ là xây nhà hai tầng cho bộ đội hải quân đóng quân trên đảo và xây dựng cột mốc chủ quyền trên đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa.

Ông Lê Văn Biền đang ngồi bên những kỉ vật Trường Sa của mình.

Lúc đó doanh trại của cán bộ chiến sỹ đều là nhà cấp bốn, các chiến sĩ hải quân rất khó khăn và nguy hiểm khi hàng ngày phải đối mặt với sóng dữ. Dù đã chuẩn bị tinh thần về những khó khăn nhưng khi đặt chân lên đảo thì những người nông dân mới thấy hết được những nỗi vất vả đang chờ đón họ ở phía trước.

Thiếu nước ngọt, rau xanh luôn là nỗi lo thường trực của tất cả những ai sống trên đảo. Thời tiết ở đảo khắc nghiệt, thường xuyên phải chiến đấu với cái nắng cái gió cộng thêm nỗi nhớ nhà da diết nhưng không vì thế làm nhụt chí ông và mọi người…

“Lúc đầu tôi khó chịu lắm vì không quen tắm nước biển nên da cứ đỏ như tôm luộc, phải mất một thời gian da mới trở lại bình thường”, ông Nguyễn Văn Bốn - một người làng Bỉnh Di ra xây dựng đảo Trường Sa hồi năm 1992 nhớ lại. Ngày đấy, vì nước ngọt hiếm nên mỗi người chỉ được phân phối 10 lít nước một ngày để tắm giặt và vệ sinh. Nước ngọt sau khi đã qua sử dụng không được đổ đi mà dùng để trộn bê tông vì nước biển mặn không sử dụng được. “Thời tiết ở đảo rất phức tạp, nhiều khi đang nắng nhưng chỉ một lúc sau mây đen kéo ập đến làm anh em không kịp che những chỗ vừa xây xong làm công sức của anh em cả ngày hôm đó coi như đổ xuống sông xuống biển…”, ông Bốn chia sẻ.

Sau chuyến đi đảo đầu tiên của những thợ nông dân làng Bỉnh Di, cho đến nay có hàng trăm người tham gia xây dựng trên các hải đảo của quần đảo Trường Sa. Có người đi ít thì vài tháng, người đi nhiều thì mấy năm trời mới về quê một thời gian rồi lại đi tiếp. Có những người như ông Bốn, ông Cần, ông Hương, ông Hoàn sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về quê lại mong muốn được tiếp tục ra để xây dựng biển đảo.

Anh Đỗ Văn Sinh là một trong những người nông dân Bỉnh Di vừa mới ở Trường Sa trở về. Anh Sinh cho biết, anh đi từ hồi tháng 5 và đến tháng 11/2012 thì hoàn thành nhiệm vụ trở về quê. Công việc chính của anh khi ra đảo là xây kè bờ biển.

Anh Nguyễn Văn Bốn (và vợ) vẫn khao khát được ra Trường Sa thêm một lần nữa.

Theo như lời anh Sinh, bây giờ tuy điều kiện sống và làm việc ở quần đảo Trường Sa đã được cải thiện rất nhiều, nhưng công việc xây dựng giữa trùng dương sóng gió này rất khó khăn và phải làm trong điều kiện khắc nghiệt vì lúc nào cũng phải dìm mình trong nước mặn.

Thời gian làm việc của công nhân phải phụ thuộc vào việc lên xuống của con nước. Công việc bắt đầu vào lúc 5 giờ chiều và kết thúc vào khoảng 2 giờ sáng ngày hôm sau khi mà nước biển bắt đầu dâng lên. Công việc xây kè bờ biển là công việc cực kì khó khăn, đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe và kiên nhẫn.

“Nhiều khi vừa đặt mạch vữa lên chưa kịp cho đá lên xây thì đã bị sóng đánh vào làm trôi hết vữa”, anh Sinh nhớ lại.

Tự hào vì đã góp sức xây dựng Trường Sa

Bất cứ ai đến Bỉnh Di sẽ không khỏi ngạc nhiên khi mà trong tủ kính của nhiều gia đình đều có một vài vỏ sò, vỏ ốc biển. Ông Lê Văn Biền mở tủ cho chúng tôi xem những “báu vật” ông mang từ Trường Sa về.

Ông cho biết: “Đây là những món quà mà anh em lính đảo tặng tôi đấy, tuy không có giá trị về vật chất nhưng nó là sợi dây gắn kết tình cảm của tôi với mảnh đất và con người nơi ấy. Và tôi coi Trường Sa là ngôi nhà thứ hai của mình”.

Không riêng gì nhà ông Biền mà những người công nhân ở Bỉnh Di đã từng ra Trường Sa đều đang “sở hữu” rất nhiều vỏ sò, vỏ ốc và những vỏ đạn được trưng bày ở vị trí trang trọng nhất của gia đình. Mỗi khi có khách đến nhà chơi, mọi người thường hỏi chuyện về những kỉ vật này, các bác đều vui vẻ hào hứng kể về nó, các bác coi đây là một phần thưởng tinh thần, tình cảm mà những người lính đảo dành tặng cho mình. “Chúng là những kỉ vật của một thời sóng gió Trường Sa”, bác Đỗ Văn Phông nói.

Tính từ thế hệ đầu tiên ra xây dựng đảo thì cho tới thời điểm này cả làng Bỉnh Di có tới gần 300 lượt người ra Trường Sa xây đảo. Nhiều năm nay, sau khi ăn Tết xong, những người con Bỉnh Di hết lớp này đến lớp khác lại khoác ba lô, khăn gói lên đường để tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng cho Trường Sa. Họ lên đường với hành trang mang theo mình là lòng nhiệt huyết, dù khó khăn, vất vả nhưng vinh dự, tự hào vì đã đóng góp một phần công sức cho hải đảo Tổ quốc.

Những thế hệ đầu tiên ra đảo xây dựng năm nào, tuy giờ tuổi đã cao nhưng các bác luôn hướng về Trường Sa với một nỗi nhớ khôn nguôi là muốn được quay trở lại Trường Sa, được ngắm nhìn những công trình mình tạo dựng, được xem những thay đổi của cảnh vật xung quanh.

Ông Lê Văn Biền tâm sự: “Giờ đây xem tivi thấy Trường Sa được xây dựng khang trang, hiện đại lên rất nhiều, chúng tôi không khỏi xúc động và tự hào vì có một phần những đóng góp nhỏ bé của người dân Bỉnh Di, để cán bộ chiến sĩ Hải quân đang ngày đêm nắm chắc tay súng, bảo vệ biển đảo quê hương

Ngọc Linh - Hà Sơn
.
.
.