Một gia đình Fulro từ rừng sâu trở về con đường sáng

Thứ Bảy, 12/11/2005, 06:45

Người Churu cũng có một câu nói tương tự câu tục ngữ của người Kinh: "Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại". Vận câu nói này với Tounéh Den và gia đình anh thật đúng. Chị Kiều Thị Hương, vợ Tounéh Den thì lại có cách nói khác khi nhớ lại những tháng ngày lầm đường  lạc lối của gia đình mình: "Như giẫm phải cái gai ấy, nhổ một lần rồi, nghĩ lại vẫn còn thấy đau...".

Tôi còn nhớ rất rõ, đó là ngày 4/7/1994. Một cú điện thoại bất ngờ của một người bạn làm việc ở Công an Lâm Đồng vào lúc đêm khuya: “Ngày mai, cậu đi với tụi mình nhé! Có một gia đình Fulro vừa trở về sau gần 20 năm lạc lối giữa rừng sâu...”. Những ngày sau đó, chúng tôi có mặt chứng kiến câu chuyện về gia đình Tounéh Den...

Sinh năm 1936, Den là con trai của một gia đình khá giả thuộc dòng họ Tounéh - một dòng họ lớn của người Churu buôn Klăngbong, thuộc xã Tà Năng (Đức Trọng, Lâm Đồng).  Năm 29 tuổi, Den gia nhập cảnh sát ngụy. Ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất. Trong khi cả dân tộc đang hân hoan  chào đón hòa bình lập lại trên quê hương sau gần 30 năm đau thương, tang tóc thì Den và nhiều người khác đã nghe theo lời kẻ xấu xúi giục  với những luận điệu cực kỳ phản động để rồi chui lủi vào rừng sâu đến gần 20 năm mới trở về.

Bằng một giọng trầm buồn, Den kể lại: “Lúc đó tôi hoang mang lắm! Người ta rỉ vào tai tôi rằng, ai tham gia chế độ cũ sẽ bị trả thù tàn khốc, một cuộc tắm máu rùng rợn sắp sửa xảy ra. Rằng, người Mỹ sẽ giúp chúng ta lấy lại chính quyền sau 6 tháng. Phải vào rừng tập hợp lực lượng để chống lại Cộng sản, theo Fulro để thành lập nhà nước Đềga tự trị của người Tây Nguyên. Bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy vô cùng ngu ngốc và xấu hổ...”.

Tounéh Den lại tiếp tục lầm đường từ một tên cảnh sát ngụy và trở thành một tên  Fulro. Ba năm sau khi vào rừng, Den được phong hàm “đại úy” và chức “tỉnh phó” rồi sau đó là “tỉnh trưởng" Phan Rang.

Năm 1982, giữa rừng sâu Kây Kmao trên vùng đất Bình Thuận, Den lấy vợ, hay nói đúng hơn là cướp một người con gái hiếm hoi trong lực lượng Fulro làm vợ, đó là Kiều Thị Hương - một thiếu nữ người Chăm quê ở Phan Rang, vốn là công nhân ngành chè Lâm Đồng cũng nghe lời xúi giục của kẻ xấu bỏ trốn vào rừng. Giữa rừng sâu đói khát và bệnh tật ấy, 6 đứa trẻ đã chào đời trong đó có 2 đứa mới sinh ra đã chết vì bệnh tật và đói khát.

Họ mất liên lạc hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Họ cũng hoàn toàn không biết rằng từ lâu lực lượng Fulro đã bị thanh toán và những tàn quân cuối cùng đã cuốn lá cờ phản động và phi nghĩa ấy tại một khu rừng vắng trên đất Campuchia. Giữa rừng sâu, chỉ còn lại gia đình Den và tên lính cuối cùng Mang Sanh. Đói rét, bệnh tật, thú dữ và vô vàn những nguy hiểm đe dọa họ trong suốt những tháng ngày sống trong hang đá và lang thang kiếm ăn suốt các dốc núi, triền rừng... 

Qua nguồn tin của nhân dân, Công an Lâm Đồng đã phát hiện ra họ. Tháng 4/1993, huyện Đức Trọng phát đi một lá thư kêu gọi gia đình Den trở về với buôn làng. Thư nói rằng, nếu họ tự nguyện ra đầu thú sẽ được đảm bảo tính mạng, được hưởng chính sách khoan hồng, được cấp ruộng đất và tạo công ăn việc làm. Nhận được thư kêu gọi, Den và cả gia đình đã thao thức suốt ba ngày đêm suy nghĩ, và cuối cùng đã quyết định trở về với con đường sáng. Sau nhiều tháng ngày luồn rừng, vượt suối, tháng 7/1994, họ đã về đến buôn Klăngbong, xã Tà Năng, huyện Đức Trọng.

Trên đường đi, thêm một lần chị Hương trở dạ sinh con và cũng trên cuộc hành trình trở về gian nan ấy, Mang Sanh đã chết vì sét đánh. Nhìn thấy buôn làng thân yêu và gặp lại người thân, vợ chồng Den đã khóc, những giọt nước mắt của hạnh phúc và hổ thẹn. Chị Hương nói: “Gia đình tôi đã được nhìn thấy ánh sáng, suốt những năm tháng dài ở trong rừng chỉ thấy bóng tối! Xin cảm ơn cách mạng đã khoan hồng và tạo điều kiện cho chúng tôi có một cuộc đổi đời, chấm dứt cuộc sống như loài cầm thú...”.

Trong ngôi nhà gỗ khang trang của mình, Den  kể lại cuộc hành trình dựng xây cuộc sống mới của gia đình anh. Năm 1995, khi đoạn tuyệt với cuộc sống “người rừng” trở về, bà Ma Đoan, chị gái của anh đã mua cho vợ chồng Den một căn nhà nhỏ. Ở rừng về không có lương thực, anh đã mất hai năm chạy gạo để nuôi vợ con. Sự giúp đỡ của chính quyền, sự cưu mang đùm bọc của buôn làng, đã khơi dậy trong anh ý chí lập nghiệp, vượt qua nghèo đói. Chỉ trong vòng hơn 7 năm trở về với con đường chính nghĩa với ý chí lập nghiệp đổi đời, Den đã dựng nên cho gia đình một cơ nghiệp ổn định, với 8 hécta đất, thu nhập bình quân gần 30 triệu đồng/năm. Anh đã mua sắm máy cày, máy xới đất, máy tưới cà phê; trong nhà có điện, có tivi và radio do Nhà nước cấp. Ngoài ra, anh còn tạo được rất nhiều công ăn việc làm cho bà con trong buôn. Các con của vợ chồng anh đã thực sự hòa nhập với cuộc sống mới, hàng ngày cắp sách đến trường và đều học giỏi, ngoan ngoãn. 

Gương mặt Den rạng rỡ khi kể về các con của mình. Anh nói trong sự xúc động: “Mình vận động đồng bào học theo người Kinh thôi. Con cái mình cho đi học để  biết cái chữ, tiến bộ. Mình vô cùng cảm ơn Đảng và Nhà nước đã giúp mình trở về con đường sáng, giúp mình có một gia đình hạnh phúc, có một cuộc sống ngày càng ấm no...”.

Ngoài lao động sản xuất để vun vén cho cuộc sống gia đình, 5 năm nay Den là Tổ trưởng an ninh thôn. Anh đã nhiệt tình tham gia hòa giải những bất đồng, mâu thuẫn, anh là cái gốc để chính quyền tìm hiểu về những kẻ xấu đang tìm cách chống phá sự bình yên của buôn làng. Bà con trong buôn tin cậy, ủng hộ và cùng anh tham gia mọi công việc.

Gặp Den trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân do UBMTTQVN tỉnh Lâm Đồng tổ chức, chúng tôi hỏi, anh có suy nghĩ gì khi gần đây vẫn có một số kẻ xấu kích động đồng bào đi theo cái gọi là nhà nước Đềga ở Tây Nguyên. Den trả lời: “Làm gì có nhà nước này, đây chỉ là tổ chức. Chính tôi gần 20 năm đi “xây dựng nhà nước Đềga” của bọn phản động mê hoặc những khối óc u mê, mù quáng. Tôi đã kịp nhận ra mình lạc lối và trở về trong sự khoan hồng của chế độ và bàn tay bao dung nhân hậu của buôn làng. Bằng sức lực và khối óc, tôi đã tạo lập một cuộc sống hạnh phúc ngay trên chính quê hương, trên mảnh đất mà trong những ngày đen tối nhất của cuộc đời tôi đã nghe lời kẻ xấu từ bỏ ra đi...”. Tôi nghĩ, lời của Den là những lời tâm huyết được tổng kết từ mấy chục năm trời

Uông Thái Biểu
.
.
.