Một gánh ve chai nuôi 3 con vào ĐH

Thứ Sáu, 26/09/2008, 10:20

Ngày nào cũng vậy, cứ từ 6h sáng đến 7h tối, với chiếc xe đạp cà tàng, chiếc nón cũ khét lẹt bụi đường và nắng gió thời gian, cùng chiếc khăn bịt kín tới nửa mặt, chị Tích cần mẫn bươn chải khắp các nẻo đường để mua gom ve chai. Số tiền kiếm được, chị dành cả để nuôi 3 con học ĐH.

Vô tình, tôi quen biết một người phụ nữ chuyên đi mua ve chai (phế liệu) nhân một lần bán cho chị một số đồ phế liệu trong nhà. Từ đó, như một duyên cớ để tôi có điều kiện biết hơn về chị, người phụ nữ với gánh ve chai... nuôi 3 con học cao đẳng và đại học, có khuôn mặt đầy đặn và giọng nói nhẹ nhàng, dễ mến. Đó là chị Ngô Thị Tích, 48 tuổi, ở thôn Xuân Thành, xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Được biết, bắt đầu từ năm 1997 (khi các con chị: 3 trai, 1 gái, đứa lớn 16 tuổi, bé nhất 7 tuổi) đang độ ăn, độ lớn, với mấy sào ruộng khoán không đủ chi tiêu nên chị đành giao công việc đồng áng cho chồng là anh Nguyễn Tá Ngân (nguyên bộ đội tham gia chiến dịch biên giới phía Bắc xuất ngũ) chăm lo, còn chị cùng với chiếc xe đạp cà tàng theo một số chị em trong làng đi mua ve chai, phế liệu để kiếm tiền nuôi con ăn học.

Mới đầu, chị chỉ đi mua phế liệu quanh làng, hoặc sang các xã bạn, sáng đi tối về, nhưng số tiền kiếm được chẳng đáng là bao. Cuối cùng, chị đành rời quê lên tận vùng Bố Hạ, Đồng Kỳ, Hương Vỹ (Yên Thế) và huyện Lạng Giang... để kiếm sống.

Ngày nào cũng vậy, cứ từ 6h sáng đến 7h tối, với chiếc xe đạp cà tàng, chiếc nón cũ khét lẹt bụi đường và nắng gió thời gian, cùng chiếc khăn bịt kín tới nửa mặt, chị cần mẫn bươn chải khắp các nẻo đường để mua gom ve chai. Tuy có xe đạp, nhưng chị thường phải dắt bộ là chính (vì hàng phải chằng buộc cồng kềnh), vòng vèo tới tận đầu làng, ngõ xóm để tìm hỏi mua hàng.

Cứ thế, bình quân mỗi ngày chị phải đi bộ tới vài chục cây số. Bữa trưa thường chị ăn tạm bát bánh chan hoặc cái bánh chưng cho đỡ đói, chỉ đến bữa tối, ba bốn chị mới góp gạo cùng nhau nhờ bà chủ vẫn gom hàng của các chị  nấu cơm, với những món ăn đạm bạc chừng 2.000 - 3.000 đồng/người, còn tiền kiếm được chị dành dụm để gửi cho con ăn học. Tối đến ngủ tá túc nhờ bà chủ, 6h sáng hôm sau lại bắt đầu một ngày bươn chải mưu sinh.

Dẫu nhọc nhằn là vậy, nhưng đều đặn tháng nào chị Tích cũng lên Bưu điện Bố Hạ gửi tiền về tận trường đại học cho con, tháng thì tám trăm, tháng thì một triệu đồng. Đã hơn 10 năm qua, bươn chải với cái nghề mua bán ve chai, chị đã góp sức cùng chồng nuôi các con trưởng thành.

Cháu Nguyễn Tá Hải, 27 tuổi, đã tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, hiện đang làm việc tại một công ty ở Cẩm Phả (Quảng Ninh). Cháu Nguyễn Tá Hưng, 25 tuổi, cũng đang học tại Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên. Cháu thứ 3 Nguyễn Tá Bắc, 21 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Điện Bắc Ninh năm 2007 và cháu gái út Nguyễn Thị Lệ, 17 tuổi, năm nay bước vào lớp 12 Trường THPT 2 Hiệp Hòa. Các cháu đều nhận thức được sự tần tảo, vất vả của mẹ cha nên cháu nào cũng ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành.

Khi nghe tôi hỏi: “Năm nay đã 48 tuổi rồi, chị định tiếp tục nghề mua bán ve chai này bao lâu nữa?”, Chị cười hiền và nói: “Bao giờ các cháu học xong và không còn sức khỏe nữa thì em mới nghỉ chị ạ!”

Trần Thị Mây Lai
.
.
.