Một cựu chiến binh hơn 25 năm chữa bệnh từ thiện

Thứ Năm, 03/12/2009, 09:40
Hơn 25 năm qua, ông Lê Văn Yên, ở xã Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái), hành nghề bốc thuốc nam. Đã có hàng ngàn người được ông cứu chữa khỏi ốm đau, bệnh tật, điều đặc biệt là ông chữa bệnh từ thiện, với những gia đình bệnh nhân nghèo từ xa đến, ông còn giúp ăn ở ngay tại gia đình mình...

Từ những bài thuốc nam trong quân ngũ

Rời thị trấn Cổ Phúc, chuyến đò ngang qua sông Hồng đỏ rựng phù sa đưa chúng tôi sang xã Y Can. Trên đò, nhắc đến ông lang Lê Văn Yên, ai trong số đó cũng biết. Nhà ông ở tận thôn Quyết Tiến, căn nhà gỗ 3 gian trông cũ kĩ, nhưng sạch sẽ và ấm cúng, nằm lọt giữa những vườn cây thuốc nam xanh tốt.

Chúng tôi ngồi nói chuyện với cậu con trai út của ông chừng 30 phút, mới thấy ông vác một bao tải cây thuốc về. Nói chuyện với chúng tôi, ông kể: Ngay từ thời biết chăn trâu, cắt cỏ, ông đã được ông nội và cha truyền cho những bài thuốc đông y.

Ông sinh năm 1953, là đời thứ năm theo nghề y học cổ truyền của dòng họ Lê ở Y Can, chữa bệnh hoàn toàn bằng thuốc nam. Ông tâm sự, nếu không có chiến tranh, có lẽ ông đã thực hiện được di nguyện của thân phụ mình là theo học nghề y. Nhưng năm 1972, cũng như bao trai tráng của cái làng quê nghèo Quyết Tiến, ông Yên tòng quân "quyết tiến" vào chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Thời kỳ trong quân ngũ, mỗi khi hành quân qua các bản làng Trường Sơn, ông thường tìm gặp các cụ già làng, trưởng bản, các bà mế để học hỏi thêm những bài thuốc bí truyền của đồng bào dân tộc.

Cứ có thời gian rảnh rỗi, ông lại xin phép chỉ huy đơn vị lần mò đi tìm những cây thuốc nam, nhét vào ba lô để dành chữa bệnh cho anh em trong trung đội. Bài thuốc gia truyền tủ nhất của ông là chữa gãy xương, bong gân, sai khớp, đây là những thương tích khá phổ biến của bộ đội trong khi hành quân, tham gia chiến đấu.

Năm 1975, từ giã binh nghiệp trở về địa phương, ông được tín nhiệm giao làm kế toán của hợp tác xã, nên ít có thời gian dành cho nghề đông y gia truyền. Đầu năm 1984, người con trai thứ hai của ông nghịch ngợm ngã gãy xương vai, thời đó kinh tế khó khăn, bệnh viện lại ở xa, đò giang cách trở nên ông quyết định dùng những kiến thức của mình để chữa trị cho con tại nhà.

Hơn một tháng đắp thuốc, vết gãy của con ông ổn định và khỏi hẳn, cậu bé tiếp tục đến trường. Sau cái đận ấy, ông tâm nguyện phải quay về với nghề bốc thuốc cứu người của gia đình.

Thầy thuốc của dân làng

Mấy chục năm bốc thuốc chữa bệnh, ông Yên không nhớ nổi đã có bao nhiêu bệnh nhân tìm đến mình. Nhưng đáng nhớ nhất là trường hợp bà Nguyễn Thị Bàng, 63 tuổi, ở thôn Hòa Bình, xã Y Can. Năm 2006, bà bị tai nạn xe máy, gãy xương tay, xương sườn, xương đùi gãy làm hai đoạn.

Gia đình đưa đến bệnh viện, bác sĩ bảo phải mổ, xếp, vít lại xương và nằm bất động mấy tháng, tốn kém cả chục triệu đồng. Vì gia đình quá nghèo nên con cái đành đưa bà về nhờ cậy thầy thuốc làng Lê Văn Yên. Nguyện vọng của các con bà, chỉ mong cứu chữa cho mẹ mình ngồi được dậy là quí lắm rồi.

Sau khi thăm khám kỹ, tham khảo phim X-quang, ông Yên tìm những vị thuốc quí để chữa trị cho bà. Sau vài tháng sử dụng thuốc nam của ông Yên, bà Bàng bắt đầu chống gậy lần đi lại mà không cần người giúp đỡ. Hiện tại, bà đi lại bình thường, hàng tuần vẫn một mình đội cả thúng hoa quả sang bán ở chợ Cổ Phúc.

Ngoài bà Bàng, còn rất nhiều trường hợp khác bị gãy xương chân, xương tay, có người bị chùn đốt sống cũng được ông chữa trị lành bệnh, lao động sản xuất bình thường. Ông Triệu Đình Khoa, Chủ tịch UBND xã Y Can khi làm việc với chúng tôi cũng cho biết cách đây gần chục năm, ông Khoa bị vỡ xương bánh chè cũng tìm đến nhờ cậy thầy thuốc làng Lê Văn Yên, và được chữa trị khỏi.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người khi có bệnh đều tìm đến ông, có những người ở mãi Lào Cai, Tuyên Quang, Lai Châu cũng về tận nhà ông để thăm khám và bốc thuốc. Nhiều bệnh nhân nghèo, như bà Triệu Thị Tơ ở tận Bảo Thắng (Lào Cai) được con cái đưa xuống đây để nhờ ông chữa trị.

Thấy hoàn cảnh bà Tơ quá nghèo, ông cưu mang cả hai mẹ con, ở lại nhà ăn ở miễn phí gần hai chục ngày đến khi bệnh thuyên giảm. Ông quan niệm, chữa bệnh là làm một việc nghĩa cứu một người phúc đẳng hà sa, nên không kể đêm hôm mưa gió, có bệnh nhân là ông lại khoác túi lên đường.

Được mọi người tín nhiệm, ngày càng có đông bệnh nhân tìm đến ông, nhưng nhiều trường hợp sau khi thăm khám, ông vẫn tư vấn và khuyên họ đi bệnh viện để chữa trị. Đông - Tây y kết hợp, chữa bệnh thì không thể xem nhẹ phương pháp nào, ông nói vậy. Đã từ lâu, người dân quanh khu vực vẫn trìu mến gọi ông là thầy thuốc của dân làng.

Điều làm người ta trân trọng và cảm phục là tấm lòng của ông, mấy chục năm làm phúc cứu người nhưng tuyệt nhiên ông không lấy tiền công, chữa khỏi bệnh, gia đình cảm tạ bằng đồng quà tấm bánh với tấm lòng biết ơn chân thành thì ông nhận. Ông khiêm tốn: "Nghề y là nghề nhân đạo và làm từ thiện. Tôi không phải là thầy thuốc, chỉ có chút kiến thức về đông y do ông cha để lại thì cố gắng chữa trị bằng cái tâm, làm phúc cho mọi người"

Vũ Mạnh Hà
.
.
.