Một chuyện tình cảm động

Thứ Sáu, 14/09/2007, 11:11
Ngân nhà nghèo phải nghỉ học sớm, còn Hoàn thì tàn tật do di chứng chất độc da cam của bố mẹ để lại. Họ đến với nhau bằng sự chân thành và cảm phục. Từ nghị lực để vượt lên số phận, vợ chồng Hoàn - Ngân đã thực sự sống có ích cho đời, cho xã hội...

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở phường Phú Cát, TP Huế, mẹ mất sớm, bố làm nghề đạp xích lô, gia đình có đến 10 anh em nên khi học lên cấp hai, Trần Thị Kim Ngân phải nghỉ học để đỡ đần việc nhà và làm nghề gói bánh thuê.

Với dáng hình thon thả, khuôn mặt dễ thương, tính tình hiền dịu, tuổi mười tám đôi mươi, Ngân đã có nhiều chàng trai theo đuổi, nhưng chẳng hiểu tại sao cô đều từ chối. Không biết cơ duyên nào khiến Ngân gặp Trần Quốc Hoàn và đem lòng cảm mến ngay.

Người con trai thị xã Đông Hà, Quảng Trị rất thông minh nhưng bị tật nguyền phải đi lại bằng đôi tay vào ra làm ăn cạnh nhà Ngân, đã khiến trái tim nhân hậu của Ngân xao động. Cô đem lòng yêu thương Hoàn dù cho phải gặp bao trắc trở từ những lời dị nghị trong gia đình và xã hội. Tình yêu chân thành của người vợ hiền đã chắp cánh cho Hoàn bay xa hơn nữa.

Trần Quốc Hoàn sinh ra khi đất nước vừa kết thúc chiến tranh. Nhưng khi mới chào đời, do hậu quả của chất độc da cam mà cha mẹ anh lúc đi bộ đội đã mắc phải, đôi chân Hoàn bị teo nhỏ, nên khi lớn lên, anh phải đi lại rất vất vả theo kiểu "tay đạp đất, chân đội trời".

Đối với một người tật nguyền mang đầy tự ti và mặc cảm, nhưng bằng nghị lực và sự đam mê học hành và sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, Hoàn cũng cố gắng cùng những người bạn đồng trang lứa cắp sách đến trường học hết lớp 12.

Trong 12 năm đèn sách, Hoàn đều đạt học sinh tiên tiến và học sinh giỏi. Gia đình của Hoàn cũng nghèo lắm. Một ngôi nhà nhỏ ba gian nằm thọt lỏm trong một khu dân cư ở phường 1, thị xã Đông Hà.

Từ đồng lương hưu ít ỏi, bố mẹ Hoàn phải nuôi 6 người con ăn học. Từ hoàn cảnh của mình, Trần Quốc Hoàn luôn có một ước vọng cháy bỏng, là làm gì để giúp đỡ những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, sớm bị thất học, lang thang kiếm sống bằng các nghề như lượm nhặt nhựa phế liệu, ve chai, đánh giày...

Với ước nguyện đó, ngay trong năm học lớp 12, Hoàn đã tổ chức được một lớp học tình thương, dạy chữ cho khoảng 5 em có hoàn cảnh khó khăn không đến trường được.

Nói là lớp học, nhưng chỗ học được đặt mấy chiếc ghế của nhà để làm bàn, một vài chiếc ghế nhựa nhỏ làm ghế ngồi cho các em và được đặt bên hiên nhà.

Giờ học cũng được linh động, mùa hè nóng nực thì lớp học vào giờ chiều muộn, lúc trời mát dịu thì giờ học bắt đầu có sớm hơn, gặp lúc có cơn mưa đi qua, lớp học đành phải hoãn lại chờ trời tạnh mới tiếp tục...

Từ lớp học này mà trong năm đầu tiên đã có hàng chục lượt em biết đọc, biết viết, biết cộng trừ nhân chia đơn thuần.

Tốt nghiệp lớp 12 vào loại khá, nhưng do hoàn cảnh bản thân và gia đình, Hoàn đành phải gác bút vở lại và chọn cho mình một nghề kiếm đôi ba đồng để giúp thêm cho gia đình.

Nghề của Hoàn thật đơn giản là nhận lại ve lon của các đại lý rồi đập dẹp, tiền công ngày được 3-4 ngàn đồng. Vừa làm nghề Hoàn vừa duy trì lớp học tình thương.

Đến năm 2001, Hoàn đã xây dựng gia đình với Trần Thị Kim Ngân, người con gái dịu hiều xứ Huế. Cùng xuất thân từ một gia đình nghèo khó, vợ Hoàn hết mực thương yêu chồng.

Có thêm người bạn đời vừa là niềm an ủi động viên, vừa cùng Hoàn làm kinh tế phụ giúp gia đình, tuy mỗi tháng cả hai vợ chồng chỉ có mức thu nhập trên dưới 300 ngàn đồng, nhưng đã dành cho Hoàn có thời gian rảnh rỗi hơn để tăng thêm số em đến học chữ.

Lớp học từ 5 em, rồi tăng lên 15-20 em. Qua gần 10 năm, từ lớp học này đã nhiều em có hoàn cảnh khó khăn không đến trường được Hoàn dạy cho biết đọc, biết viết... có em được tiếp tục học lên THCS, THPT.

Ngoài công việc gia đình bề bộn như thế, Hoàn còn thường xuyên rèn luyện môn thể thao xe lăn và anh đã trở thành vận động viên đội đua xe lăn của Quảng Trị đem về nhiều nhiều thành tích cho đội nhà.

Năm 2001, anh đoạt Huy chương vàng Hội thi người khuyết tật toàn quốc tại Huế, 3 Huy chương đồng giải Paragames được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 7/2003... Niềm vui của Hoàn và cả gia đình được nhân lên, đến tháng 10/2003, Ngân đã sinh cho Hoàn một đứa con gái thật kháu khỉnh, đến nay cháu rất khỏe mạnh.

Từ nghị lực để vượt lên số phận và bằng cả trái tim nhân hậu của người bạn đời, giờ đây vợ chồng Hoàn - Ngân đã thực sự sống có ích cho đời, cho xã hội. Riêng tôi vẫn trăn trở cùng ước mơ nhỏ nhoi của vợ chồng Hoàn, mong có được một ngôi nhà nhỏ vừa làm mái ấm gia đình, vừa làm lớp học tình thương dành cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn...!

Hoàng Quốc Tiến
.
.
.