Tại đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam tại Washington những ngày cuối tháng 4/2015:

Mỗi người chỉ có một cuộc đời

Thứ Tư, 29/04/2015, 14:43
Với mỗi người dân Việt Nam, ngày 30-4 mang đến niềm vui thống nhất trọn vẹn thì bên kia bán cầu, tại nước Mỹ, ký ức cuộc chiến tại Việt Nam vẫn chưa tắt những ám ảnh u buồn.

Tại đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở Washington (Vietnam Veterans Memorial), những cựu binh Mỹ vẫn trở lại lặng lẽ tìm lại những kí ức về đồng đội trên bức tường đá khắc tên hơn 58.000 lính Mỹ tử trận tại Việt Nam. Những cựu binh này khoảng 70 tuổi. Có vài người trên dưới 90 tuổi. Họ đến từ nhiều bang khác nhau. Không ít người phải ngồi xe lăn. Đẩy xe cho họ là những tình nguyện viên đứng tuổi.

Dọc theo bức tường đặt nhiều bông hoa cẩm chướng kèm theo tấm ảnh chân dung người lính tử trận. Có ai đó còn để lại cuốn nhật ký ghi lại những suy nghĩ viết vội trong chiến tranh. Đài tưởng niệm là bức tường dài 75m, cao 3m khắc chi chít những cái tên. Nếu dò từng chữ thì không biết đến bao giờ mới thấy. Có hàng chục tình nguyện viên đi chỉ dẫn cho từng thân nhân. Mỗi tình nguyện viên đều tay bê thang gấp, tay kia cầm cuốn danh bạ dày cộp để tra cứu. Sau một lát dò danh bạ, họ sẽ chỉ chính xác từng cái tên ở đoạn tường nào, ở dòng nào.

Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam luôn là địa điểm thu hút người dân Mỹ.

Thân nhân thường áp một tờ giấy lên dòng chữ khắc trên tường rồi dùng bút chì cà vào. Lát sau, dòng tên nổi lên đầy đủ thì họ cất tờ giấy cà tên vào sổ. Tình nguyện viên nào cũng cầm sẵn túi vài cái bút chì để đưa cho thân nhân. Nếu cựu binh ngồi xe lăn thì tình nguyện viên sẽ cà giúp tên đồng đội cho họ.

Cựu binh Gale Bertrand từng tham chiến ở Việt Nam năm 1969 tại vùng Núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) chỉ tay vào tường chậm rãi nói với những người xung quanh: "Rất nhiều đồng đội của tôi đã chết. Lẽ ra, tên của tôi cũng nằm đâu đó trên này. Ơn chúa! Tôi may mắn sống sót!...".

Một số gia đình trẻ rút điện thoại ra chụp hình dòng tên đã tìm thấy. Người đã chết là ông của họ. Một cựu binh còn tráng kiện đứng chỉ vào một dòng tên rồi nhún vai bảo tên tôi đây này. Trên đó ghi "Larry Anderson". Vài người xung quanh ồ lên ngạc nhiên? Cựu binh già vui vẻ: “Chỉ là sự trùng tên thôi mà”.

Anderson kể rằng ông có mặt tại Sài Gòn khoảng cuối thập kỷ 60. Ông chỉ tay vào bức tường và nói với người thân: Những cái tên cứ lặp đi lặp lại giống nhau còn cuộc đời thì không thể lặp lại. Mỗi người chỉ có một cuộc đời thôi.

Nước Mỹ quá rộng nên không phải ai cũng có dịp tìm lại đồng đội ở đây. Anderson từ California cũng chỉ đến đài tưởng niệm này được hai lần. Thông thường các tượng đài trên thế giới đều xây cao để mọi người dễ dàng nhìn thấy từ xa, nhưng khu tưởng niệm này lại làm bức tường đi vát xuống chiều sâu của lòng đất. Không rõ tác giả nghĩ gì, nhưng dường như nỗi đau khắc trên bức tường không muốn cho mọi người dễ nhìn thấy từ xa mà muốn chìm xuống khuất tầm nhìn. Có những điều không dễ thấy khi mở mắt mà chỉ thấy được bằng cảm nhận.

Tình nguyện viên Barbara tìm giúp thân nhân cựu binh.

Rất nhiều cựu binh cao niên phải lắp máy nghe. Chúng tôi hỏi thăm mỗi người một vài câu. Họ phát âm khá nặng nhọc nhưng rất sẵn lòng chia sẻ những cảm xúc. Khi biết chúng tôi từ Việt Nam tới, các cựu binh đều bắt tay thốt lên "Việt Nam! Thật sao! Rất vui khi gặp anh...", rồi lắc tay nhiều lần. Một cựu binh 94 tuổi nói một vài cảm xúc khào khào rồi ho hắng mà rất khó nghe ông ấy nói gì. Rất khó biết rằng đó là tiếng nói hay tiếng than thở. Cựu binh khác ngồi xe lăn chỉ bắt tay lắc đi lắc lại rồi lặng im.

Các con cháu đẩy xe lăn cho cựu binh cũng bắt tay chúng tôi với ánh mắt thân thiện. Có người thốt vài lời, có người chia sẻ bằng nụ cười dường như những chuyện đau buồn chưa bao giờ xảy ra.

Bà Barbara không còn trẻ nhưng vẫn cùng các bạn của mình đến đây với vai trò tình nguyện viên và tất nhiên là không có đồng thù lao nào cả. Bà tận tụy cầm danh bạ, bắc thang, trèo lên dò đúng tên cho từng gia đình như một niềm vui.

Barbara nói với chúng tôi: “Cuộc chiến ấy thật điên rồ. Tôi rất đau lòng khi đất nước các bạn phải gánh chịu điều này. Tôi không biết tại sao. Cầu cho tất cả mãi bình yên”!

26/4/2015 (từ Washington D.C, Hoa Kỳ)

Lê Tâm - Long Hưng
.
.
.