Nước uống trong trường học:

Mối họa từ nước đóng bình

Thứ Hai, 24/05/2010, 09:01
Nhu cầu nước uống tại TP HCM luôn tăng mạnh vào những ngày nắng nóng này, hàng trăm cơ sở sản xuất nước đóng bình, đóng chai trên địa bàn thành phố hiện đang mở hết công suất hoạt động. Trong khi nguồn nước nhiều nơi khan hiếm, các cơ sở bất chấp sử dụng nguồn nước ô nhiễm để sản xuất.

Thanh tra Sở Y tế TP HCM vừa phải đình chỉ hoạt động nhãn hiệu nước đóng bình My ty của Công ty TNHH SX-TM Phát An Khang (quận 6) do không đảm bảo vệ sinh. Đã có 1.217.964 lít nước uống đóng chai, đóng bình không đảm bảo của 130 cơ sở bị Sở Y tế tịch thu, tiêu hủy trong đợt kiểm tra vừa qua. Song vì là mặt hàng tiện lợi, dễ dùng, với kinh phí hiện có nên sản phẩm này vẫn được ưa chuộng trong khối trường học dù theo khẳng định của chính không ít "người trong cuộc" hàng có giá rẻ thường là "có vấn đề".

Công nghệ làm "nước tinh khiết"

Một công bố mới đây của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn TP HCM trong 107 mẫu nước lấy từ nguồn nước ngầm của các hộ dân ở quận 9, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi thì 52% mẫu nước bị nhiễm vi sinh nặng gây ra các bệnh tiêu hóa. Trong các đợt thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về sản phẩm nước uống đóng chai đóng bình (dù trong hay ngoài luồng - không giấy phép) thì chất lượng cũng không đảm bảo.

Cảnh sản xuất nước đóng bình, đóng chai mất vệ sinh, quy trình tạm bợ thường thấy tại các cơ sở trong TP HCM.

Những đợt thanh tra, kiểm tra liên tục của cơ quan quản lý y tế với mặt hàng nước này ở TP HCM đều cho thấy vi phạm phổ biến. Ngoài việc nước nhiễm bẩn, các cơ sở sản xuất nước tinh khiết đều sản xuất trong điều kiện rất bẩn. Đa số cơ sở dùng dụng cụ xử lý nước chưa đạt vệ sinh, thiếu hệ thống xử lý vỏ bình, nhân viên chưa được khám sức khỏe và chưa được tập huấn về VSATTP. Phổ biến nhất là "nhập nhèm" về công bố trên nhãn hàng hóa. 

Theo chân đoàn Thanh tra Sở Y tế TP HCM, chúng tôi đã mục kích một cơ sở sản xuất nước tinh khiết đóng bình thủ công Thiên L (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức). Tại cơ sở này, nguồn nước được lấy từ giếng khoan không được thanh lọc, sau đó được các công nhân vô tư cho vào bình vừa mới xúc rửa qua loa, bên trong còn cáu bẩn. Quy trình làm nước đóng bình, đóng chai đơn giản, không cần một công nghệ nào.

Hay tại một cơ sở sản xuất nước đá Mỹ N (thuộc quận 12) với "bề dày" trên 5 năm hoạt động với mỗi ngày ra lò hàng nghìn lít nước tinh khiết, bỏ mối tại nhiều trường học nhưng khi vào kiểm tra cho thấy hàng chục nhân viên trong tư thế cởi trần trùng trục đang chùi rửa bình đựng nước loại 20 lít bằng nước rửa chén. Song các bình nước sẽ trở nên "láng o" mới tinh khi được dán nhãn và bao ni lông. Trong khi đó tại cơ sở nước uống đóng bình, đóng chai có thương hiệu T ở (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức), nhân viên chà rửa bình bằng cách đưa bình vào vòi nước xịt và xúc rửa qua loa rồi mang ra phơi khô không cần ngâm, hay khử khuẩn bằng hóa chất theo quy định...

Nhẹ kinh phí nhưng nặng mối họa

Theo khẳng định của nhiều cán bộ kiểm tra thuộc đoàn liên ngành thực phẩm thành phố, đa số cơ sở sản xuất nước tinh khiết làm ăn thủ công, manh mún không đầu tư thiết bị nên sản xuất nước đóng bình không đúng quy định, mất vệ sinh…

Thật đáng sợ khi Sở Y tế TP HCM đã phải niêm phong toàn bộ lô hàng nước đóng bình tinh khiết tại Công ty TNHH SXTM Suối Việt (Bình Chánh) với nhãn hiệu Su Vi do phát hiện nhiễm vi trùng gây bệnh mủ xanh Pseudomonas aeruginosa gấp nhiều lần. Qua kiểm tra sổ khách hàng thì biết sản phẩm này rất quen thuộc của hàng loạt các trường tiểu học và mầm non ở quận 5.

TP HCM hiện riêng số trường mầm non cũng đã chiếm khoảng trên 700 trường, Ngoài ra, khoảng gần 800 trường thuộc khối tiểu học, THCS và THPT với hàng triệu học sinh. Nhiều trường tổ chức HS bán trú 2 buổi với việc ở lại tới chiều mới về. Như vậy lượng nước cần cho một ngày hoạt động, học tập vui chơi là vô cùng lớn. Song, có lẽ do khoản vệ sinh phí thu được từ phụ huynh theo ấn định không bao nhiêu (mỗi HS từ 5.000 - 10.000đ/em/tháng) nên kinh phí cho nước uống thường được theo sáng kiến của từng trường.

Do đó 80% các trường trên địa bàn TP HCM hiện sử dụng nước uống cho HS là nước đóng bình với nhiều thương hiệu khác nhau, số trường sử dụng máy lọc nước là rất ít. Nhưng 60% máy lọc nước ở các trường học cũng không thể loại bỏ được các vi sinh vật có hại trong nước, do thiết bị lọc nước đã dùng quá lâu ngày nên bị hoen gỉ chưa kịp thay thế. Dù TP chưa ghi nhận những vụ ngộ độc do nước từ trường học nhưng những cảnh báo trên đây cho thấy tiềm ẩn quá nhiều "mối họa lơ lửng" cho sức khỏe học trò từ nguồn nước uống hàng ngày cần được thực sự quan tâm, xem xét thấu đáo và có kế hoạch thay đổi phù hợp tránh tác hại lâu dài cho sức khỏe học sinh.                         

Trong khi ấy, theo khảo sát của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, hầu hết các cơ sở sản xuất nước đóng bình, đóng chai, tinh khiết đều quảng cáo sai sự thật. Đa số không tuân thủ các điều kiện về nguyên tắc vệ sinh trong quá trình sản xuất, cơ sở vật chất xuống cấp, quy trình sản xuất không được chuẩn hóa. Số cơ sở không đạt này lọc nước bằng than hay sỏi rồi đưa qua hệ thống dùng tia cực tím tạo ozone khử trùng, thậm chí đưa thẳng nước từ giếng vào bình và đóng chai đem bán. "Không có cơ sở nào có công nghệ màng lọc thẩm thấu ngược". Một cán bộ YTDP đã từng khẳng định với chúng tôi.

H. Nga
.
.
.