Mất 18.600 USD vì “trúng số”

Thứ Bảy, 19/08/2006, 08:26

Sau khi chuyển 100 USD “tiền lệ phí lĩnh thưởng” cho tài khoản của ILG, số 18.650 USD trong tài khoản của C. chỉ còn là 50 USD.

Sáng hôm ấy, khi vừa vào văn phòng làm việc, ông Trần Thanh T., giám đốc một công ty TNHH chuyên ngành mua bán vật liệu nhựa, khá ngạc nhiên khi thấy trong hộp thư điện tử của mình có một e-mail, mà người gửi là một tổ chức mang tên  International Lotto Groups (viết tắt là ILG - tạm dịch là Tập đoàn xổ số quốc tế).

Tò mò, ông T. mở ra coi. Nội dung e-mail giới thiệu, rằng họ là tập đoàn chuyên về xổ số đa quốc gia, và từ nhiều năm qua họ đã giành được độc quyền trong việc quảng cáo cho nhiều thương hiệu nổi tiếng trên các trang web phổ thông, được cả thế giới sử dụng như Yahoo, Hotmail, AOL, Lycos..., với lợi nhuận hàng năm lên đến cả tỉ USD.

Định kỳ 6 tháng một lần, chia thành bốn khu vực là khu vực Á - Phi, khu vực châu Mỹ, khu vực châu Âu và khu vực châu Đại Dương, với cơ cấu giải thưởng gồm 3 giải: Giải nhất 100 nghìn USD, giải nhì 50 nghìn USD và giải ba 10 nghìn USD. Trong buổi xổ số, hội đồng giám khảo sẽ chọn ngẫu nhiên 3 địa chỉ e-mail nào đó trong số hàng triệu địa chỉ e-mail rồi bốc thăm.

Cuối cùng, ILG thông báo cho ông T. biết, căn cứ vào kết quả bốc thăm được tổ chức hồi cuối tháng 6/2006, tại Nigeria - khu vực Á - Phi, địa chỉ e-mail của ông T. may mắn đoạt giải ba - nghĩa là tự dưng ông T. có 10 nghìn USD từ trên... mạng rơi xuống.

Bán tín bán nghi, ông T. vào trang web của ILG. Trong đó, ông thấy đúng như những gì mà ILG đã giới thiệu. Click chuột vào thư mục “danh sách những người trúng thưởng”, sự nghi ngờ giảm bớt khi ông đọc tên của người đoạt giải nhất là bà Yamashi Yuchiko, ở quận Haikai, thành phố Nagasaki, Nhật Bản, địa chỉ e-mail là yuchiko_8@yahoo.com, đoạt giải nhì là ông Wellock ở Cape Town, Cộng hòa Nam Phi, e-mail là campusius@hotmail.com, giải ba là Trần Thanh T., e-mail t_thanhtran@yahoo.com.

Đến trưa, ông T. e-mail trả lời ILG. Trong thư, ông giấu là ông không có tài khoản ở ngân hàng, nên ông cho địa chỉ nhà riêng (của một đứa cháu ông). Một mặt ông còn e-mail cho bà Yuchiko và ông Wellock, để hỏi họ về trường hợp trúng thưởng. E-mail buổi trưa thì đến tối, ông nhận được trả lời của bà Yuchiko, với sự khẳng định rằng bà đã nhận được 100 nghìn USD qua tài khoản của bà ở ngân hàng Kyoto (sau này ông mới biết là thư dỏm).

Ba tuần sau, cháu ông trao cho ông một phong bì, có dán tem và đóng dấu bưu điện Nigeria. Nội dung đề nghị ông nếu nhận được thư này, ông e-mail trả lời cho ILG như là một sự xác định, để ILG tiến hành làm thủ tục trao giải thưởng.

Đến lúc ấy, ông T. không còn nghi ngờ gì nữa. Sau khi e-mail hỏi về cách nhận giải thưởng, thì ILG trả lời ông, rằng ông phải nộp 100 USD lệ phí vào tài khoản của họ. Bên cạnh đó, ILG khuyên ông nên nhanh chóng đăng ký một tài khoản ở ngân hàng, vì 24 giờ sau khi ILG nhận được lệ phí này, tiền sẽ chuyển vào tài khoản của ông. Còn nếu không, phải mất vài tuần sau, ông mới nhận được chi phiếu theo đường bưu điện.

Vội vã e-mail cho ILG số tài khoản của mình - mà ông T. nói rằng ông vừa đăng ký -  nhưng vẫn cảnh giác vì sợ bị lộ mật mã nếu chuyển tiền trên mạng, nên ông ra ngân hàng rồi trực tiếp  viết lệnh chuyển 100 USD đến địa chỉ mà ILG đã cho ông. 1 ngày, 2 ngày rồi 1 tuần sau, tài khoản của ông chẳng tăng thêm một cắc. Vào trang web của ILG, mọi thứ vẫn như cũ - nghĩa là không hề được cập nhật. E-mail cho ILG để hỏi, thì biệt tăm. Biết là bị lừa nhưng đã muộn, ông T chỉ còn cách tự an ủi “của đi thay người”, và chỉ mới mất có 100 USD thôi.

Trường hợp cô Lê Thị Kim C. thì khác. Không may mắn như ông T., cô mất trắng 18.600 USD cũng vì tin rằng mình đã “trúng số” của Tập đoàn ILG. Tốt nghiệp đại học khoa tiếng Anh, loại giỏi, Kim C nhanh chóng tìm được việc làm trong một công ty vốn nước ngoài với chức danh Trưởng phòng Quan hệ khách hàng. Sau nhiều năm dành dụm, thẻ tín dụng của cô đã có một số vốn kha khá.

Tiếp xúc với chúng tôi, cô sụt sùi: “Tới ngày bị lừa, trong thẻ của em có 18.750 USD”. Cái ngày định mệnh ấy là một buổi chiều tháng 6/2006, khi cô mở hộp thư điện tử ra, để gửi cho một khách hàng ở Nha Trang bảng báo giá, thì cô nhìn thấy trong hộp thư, một e-mail của ILG.--PageBreak--

Thoạt đầu, cũng như ông T., cô C. bán tín bán nghi nhưng sau đó, khi thư từ qua lại, rồi khi vào trang web của ILG và nhất là nhận được e-mail trả lời của “hai người trúng giải nhì, giải ba”, lại có cả hình ảnh nữa, thì C tin rằng mình đã trúng giải nhất. C. nói: “Từ lâu, em đã cố dành dụm để mua một căn nhà chung cư, nay tự nhiên được 100 nghìn USD thì coi như uớc mơ của em đã thành sự thật”.

Thế là, C. nhanh chóng vào trang web ngân hàng đang quản lý thẻ tín dụng của cô. Chỉ bằng mấy động tác gõ bàn phím, cô nhập số tài khoản, nhập mật mã, ra lệnh chuyển 100 USD “tiền lệ phí lĩnh thưởng” cho tài khoản của ILG. Thấp thỏm suốt đêm không ngủ được, sáng – rồi trưa hôm sau, cứ năm mười phút cô lại kiểm tra tài khoản của mình. Đến 4h chiều, C. không thể tin vào mắt mình được nữa, khi con số 18.650 USD mới chỉ nửa tiếng trước đây, vẫn hiện lên rõ mồn một thì bây giờ, nó chỉ còn là 50 USD.

Tưởng máy tính của mình... bị hư, hoặc trang web ngân hàng có vấn đề, cô sang mượn máy người bạn – rồi ra cả dịch vụ máy tính mà kết quả vẫn như thế. Điện thoại hỏi bộ phận giao dịch của ngân hàng, câu trả lời làm C. điếng người, thiếu điều muốn té xỉu: “Hôm qua, tài khoản của chị có 2 lần giao dịch trên mạng. Lần thứ nhất chuyển 100 USD cho tài khoản X, lần thứ nhì cách lần thứ nhất 20 phút, chuyển 18.600 USD cho tài khoản Y...”.

Ra sức thanh minh rằng mình không hề chuyển 18.600 USD, nhưng câu trả lời của bộ phận giao dịnh vẫn là: “Lệnh chuyển được thực hiện bằng tài khoản và bằng chính mật mã của chị nên ngân hàng chúng tôi không giải quyết được”. Tham vấn ý kiến luật sư để... kiện, Kim C. được Phó đoàn Luật sư Long An, là luật sư Bùi Văn Bình giải thích: “Có hai vấn đề. Một là, chị lỡ làm mất thẻ tín dụng, thì chị phải báo ngay cho ngân hàng để họ khóa tài khoản của chị lại trong khi chờ cấp thẻ mới. Thứ hai, khi mở tài khoản, chị không đăng ký giao dịch bằng chữ ký điện tử, rồi chị vô tình tiết lộ số tài khoản, mật mã của chị cho người khác biết, và người đó dùng mật mã này để rút tiền, là do lỗi của chị, không kiện ai được”.

Tiếp tục nhờ một người quen làm bên ngành công nghệ thông tin kiểm tra e-mail của ILG, cô C. tá hỏa khi trong e-mail, bọn lừa đảo quốc tế đã nhúng vào đó một phần mềm gián điệp. Nó sẽ tự động gửi về cho bọn này các thông số khi cô thao tác trên bàn phím. Kiểm tra tiếp, tài khoản ILG nhận số tiền 18.600 USD, nằm tuốt ở thành phố Abidjan, Cote D'Ivoire - châu Phi (nước Bờ biển Ngà).

Thế là, chỉ vì tham 100 nghìn USD... âm phủ, mà Kim C. đến giờ vẫn ngẩn ngơ khi nghe bạn bè trong công ty vô tình nhắc chuyện cô bị lừa. Anh Nguyễn Trung B., hiện làm tại một dịch vụ máy tính cho biết: “Hôm bữa, bạn gái tôi khi nhận được thư báo tin trúng thưởng giải nhì 50 nghìn USD, tôi nói cô ấy e-mail trả lời rằng, quý vị cứ việc trừ 100 USD lệ phí vào tiền thưởng của tôi, tôi xin biếu thêm 900 USD, rồi chuyển cho tôi 49.000 USD. Thế là nó im luôn, chẳng thấy thưởng phạt gì nữa...”

Vũ Cao
.
.
.