“Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”!

Thứ Bảy, 28/01/2006, 10:13

Cùng với tháng năm, giai điệu kiêu hùng và đầy chất lãng mạn người lính Tây Tiến cứ ngân nga theo chúng tôi  lớn lên cùng năm tháng. Vào những ngày cuối năm này, chúng tôi có dịp trở lại Mai Châu, Hòa Bình - nơi rộn ràng với những điệu xòe của cô gái Thái với những địa danh như: "Mường Hịch cọp trêu người", đã từng đi vào thơ của nhà thơ Quang Dũng để chứng kiến những đổi thay trên mảnh đất này.

Buổi sáng, Mai Châu chìm trong biển sương giá lạnh, cái lạnh của vùng sơn cước cao gần 500 mét so với mực nước biển. Quả thật nếu mới lên Mai Châu lần đầu, người ta sẽ không cảm nhận được hết chất nguyên sơ, xen lẫn vẻ đẹp của núi rừng trùng điệp.

Từ thị xã Hòa Bình, xe chúng tôi xuất phát từ 12 giờ trưa, mất gần 2 giờ đồng hồ vượt qua màn sương mù dày đặc mới lên đến được địa phận của huyện. Qua đèo Thung Khe, từ trên quốc lộ 6 nhìn xuống, thị trấn Mai Châu hiện ra với nóc nhà sàn thấp thoáng trong sương, trông thật quyến rũ. Mai Châu là thị trấn hình lòng chảo nằm giữa hai dãy núi chạy từ ngã ba Tòng Đậu ra đến hạ lưu sông Mã, giáp huyện Quan Hoa, tỉnh Thanh Hóa. Mảnh đất này trước đây là vùng đất cổ với tên gọi Mường Mai nổi tiếng với những cô gái Thái xinh đẹp và duyên dáng, đây cũng là một vùng đất đẹp của khu vực Tây Bắc nên ngay từ thời Pháp, người ta đã chọn đây là một trong những địa điểm để xây dựng khu du lịch văn hóa. Và hiện nay, Mai Châu cũng là một trong những địa chỉ du lịch văn hóa đầu tiên được lựa chọn của du khách nước ngoài khi đến với vùng Tây Bắc.

Nhưng có lẽ điều thôi thúc chúng tôi trở lại Mai Châu lần này không phải là đi du lịch mà trở về nơi xuất phát của đoàn quân Tây Tiến năm xưa. Đây là một trong những đoàn quân trong kháng chiến chống Pháp đã từng hành quân chiến đấu suốt dọc vùng núi rừng Tây Bắc qua Mường Lát, Thanh Hóa lên đến biên giới thượng Lào. Đoàn quân Tây Tiến với những tráng sĩ ra đi chẳng tiếc đời xanh, được nhà thơ Quang Dũng khắc họa đã trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân nơi đây. Tại trung tâm của thị trấn là nghĩa trang liệt sĩ, hiện có 70 ngôi mộ của chiến sĩ Tây Tiến đã hy sinh trên mảnh đất Mai Châu và được nhân dân quy tập về. Họ đã sống, chiến đấu và hy sinh vì nhân dân, do vậy trong suốt gần 50 năm họ vẫn luôn được nhân dân Mai Châu đùm bọc, cho dù giờ đây nhiều liệt sĩ ở đây vẫn là vô danh.

Địa danh đầu tiên là nơi đóng quân của đoàn quân Tây Tiến ở Mai Châu chính là xã Vạn Mai. Đây là xã nằm ở phía Tây Nam vùng lòng chảo của huyện, từ trung tâm huyện về xã khoảng 15 km. Khi chúng tôi đến, cũng chính là lúc Đảng ủy và nhân dân trong xã đang vui mừng đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trước khi chúng tôi vào Vạn Mai, đồng chí Trưởng Công an huyện nói: “Vạn Mai vốn là địa bàn chiến lược, không chỉ trong kháng chiến mà ngay cả trong thời bình đây cũng là một trong những xã quan trọng trong mô hình liên kết an ninh với các xã vùng giáp ranh với Thanh Hóa”. Suốt hơn 50 năm qua, trải qua các thời kỳ lịch sử, quân và dân xã Vạn Mai vốn là nơi có truyền thống cách mạng, do vậy trong kháng chiến chống Pháp nơi đây là hậu cứ của mặt trận Tây Bắc và trở thành nơi che giấu nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và quân đội. Nhiều thanh niên của xã Vạn Mai đã hăng hái lên đường tham gia vào bộ đội, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ quê hương, trong số đó có nhiều người trở thành bộ đội Tây Tiến.

Nhân dân tích cực giúp đỡ, phục vụ bộ đội, làm nhiều kho tàng chứa lương thực, thực phẩm để chuẩn bị cho chiến trường Tây Bắc. Các đồng chí Hoàng Ba, Hoàng Sâm, Lê Mai Hiếu là những chỉ huy của mặt trận Tây Tiến thời ấy đã cùng với cán bộ nhân dân Mai Châu nói chung và Vạn Mai nói riêng đã tích cực chuẩn bị cho chiến trường miền Tây như sửa đường số 6, bãi Sang, gò Lào, trục đường 15 để chuẩn bị đón bộ đội về bản. Nhớ lại những ngày tháng gian khổ nhưng đầy hào hùng đó nhiều cụ già ở đây kể lại: Sau năm 1947, thực dân Pháp tấn công đánh chiếm Hòa Bình, sau đó mở mũi tấn công theo đường số 6 lên Mai Châu, lúc đó nhân dân Vạn Mai đã tản cư, di chuyển kho tàng của bộ đội tránh xa tuyến đường hành quân của địch. Để đảm bảo an toàn, lương thực, đạn dược, thuốc men của bộ đội được nhân dân vận chuyển lên núi cao, còn du kích Vạn Mai ở lại bám làng, bám đất cùng bộ đội Trung đoàn 52 chặn đánh từng bước tiến của giặc, tiêu diệt, án ngữ ghìm chân bọn chúng và giáng trả những đòn chí tử. Nhiều chiến sĩ Tây Tiến đã trở thành người nhà của bà con người Thái Vạn Mai.

Ông Hà Công Quy, một trong những cán bộ lão thành cách mạng ở Vạn Mai nhớ lại: “Bộ đội Tây Tiến ngoài lúc chiến đấu với giặc, thời gian còn lại giúp dân dựng nhà, làm nương. Nhiều anh em ở dưới xuôi, do lên đây không hợp với khí hậu miền núi đã bị sốt rét hàng tháng trời, người xanh như tàu lá. Không có thuốc chữa sốt rét để chữa cho bộ đội, bà con trong bản Noọng của tôi đã vào rừng lấy rau rừng về nấu canh cho bộ đội ăn. Tôi nhớ nhất là bộ đội Hiền quê ở Ninh Bình. Lúc đó anh trẻ lắm, chỉ quãng 19, 20 tuổi. Anh vẫn thường ra suối tắm và bắt cá về nhà cùng với bà con để cải thiện. Ở Vạn Mai được một thời gian sau thì anh cùng một đồng chí nữa đã hy sinh trong một trận càn. Năm sau, tôi vào bộ đội, chiến đấu để bảo vệ xóm làng và trả thù cho anh”.

Chúng tôi trở lại Mường Hịch (nay là xã Mai Hịch) nơi đặt trụ sở của Mặt trận Tây Tiến khi xưa. Nhớ lại những ngày ấy các cụ Hà Công Lọng, Hà Văn Nhom, Hà Văn Tiến là những bộ đội Tây Tiến đến nay vẫn còn sống ở đây hồi tưởng: “Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, từ lòng căm thù giặc nhân dân xã Mai Hịch nhất tề đứng lên góp sức người, sức của cho kháng chiến. Các đoàn thể chính quyền vận động nhân dân tự tạo vũ khí đánh giặc, trang bị cho lực lượng du kích hơn 30 khẩu súng hỏa mai, súng kíp và nhiều vũ khí khác để đánh lại kẻ địch. Cuối năm 1946, đoàn quân Tây Tiến hành quân đến tạm trú tại địa bàn xã Mai Hịch, được nhân dân nồng nhiệt đón tiếp. Nhân dân xã Mai Hịch đã ủng hộ bộ đội hàng nghìn cây gỗ, bương tre giúp bộ đội làm lán trại. Chị em phụ nữ đảm nhận việc nấu cơm, nấu nước dẫn đường cho bộ đội hoạt động và hành quân tuyệt đối an toàn, tổ chức tuyên truyền thanh niên cứu quốc vận động nhân dân chống bắt phu, bắt lính chống địch o ép dồn dân và thành lập đội tự vệ đầu tiên gồm 6 người, sau đó phát triển lên 66 người”.

Có lẽ đối với những người dân ở xã Mai Hịch thì ngày 5/10/1947, đã trở thành ngày không thể nào quên. Sau khi Ủy ban Kháng chiến hành chính lâm thời liên xã của Mai Châu được tổ chức ở đây thành công, bọn Pháp vô cùng cay cú, chúng tổ chức lùng sục gay gắt khắp nơi và dùng đạn súng cối bắn vào Mường Hịch làm cháy hết nhà của dân. Chúng đã bắt hàng chục cụ già, em nhỏ, phụ nữ đưa về đồn đánh đập hết sức dã man. Không khai thác được gì về bộ đội Tây Tiến, bọn Pháp đã lùa cả dân Mai Hịch ra một cánh đồng rồi giết hại hàng chục người vô tội. Có gia đình đã mất 2, 3 người cùng một lúc như hai anh em ông Hà Công Nhất và Hà Công Hai... Cho dù vậy, nhân dân Mai Hịch vẫn quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”, kiên trì bám trụ làng xóm, lao động chở che bộ đội chống lại từng đợt càn quét của giặc. Nhiều cụ già, em nhỏ ở đây sẵn sàng hy sinh chứ không chịu khai ra nơi trú ẩn của bộ đội.

Trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, cả Vạn Mai và Mai Hịch là những địa bàn chiến lược và cốt tử của mặt trận Tây Bắc nói chung và đoàn quân Tây Tiến nói riêng. Ông Vi Văn Tít, Chủ tịch xã Mai Hịch cho biết: “Phát huy thế mạnh của một xã miền núi, chúng tôi đã cố gắng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao vươn lên để phát triển kinh tế. Trong những năm qua tình hình an ninh quốc phòng ở Mai Hịch luôn đảm bảo. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, xã Mai Hịch đã có 18 người vào bộ đội trong đó có 3 liệt sĩ đã hy sinh. Có 8.604 lượt người đi dân công phục vụ chiến dịch”. Trở lại đây điều mà chúng tôi ghi nhận chính là sự đổi thay trên mảnh đất xưa kia vốn là chiến trường ác liệt nay cuộc sống đã thực sự đổi thay và hồi sinh.

Trong những ngày này, cả Vạn Mai và Mai Hịch đều đang tưng bừng đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong niềm vui chung đó có lẽ điều đáng ghi nhận nhất chính là cuộc sống của người dân Vạn Mai và Mai Hịch đã thực sự đổi thay. Chỉ tiêu phát triển kinh tế của hai xã đều đạt loại khá ở trong huyện, lương thực bình quân đầu người đạt 450 kg/người/năm, thu nhập bình quân của mỗi người dân ở đây là 3 triệu/năm. Hệ thống điện, đường, trường, trạm đã được phủ kín về đến các thôn bản. Chính quyền và nhân dân đoàn kết cùng nhau giải quyết tốt những khó khăn, tháo gỡ những vướng mắc từng bước đi lên.

Xuân đang đến trên những chồi non, lá biếc. Đâu đây trong những nếp nhà sàn phảng phất mùi cơm nếp mới. Mai Châu! Mường Hịch! Vạn Mai lại sắp vào xuân từ những điệu xòe rộn rã trong đó là những lời xuân da diết

Mai Phương
.
.
.