Mặc sức phóng sinh rùa tai đỏ

Thứ Tư, 25/08/2010, 13:53
Giữa lúc vùng ĐBSCL phát sốt với mối lo rùa tai đỏ vốn là loài gây hại môi trường, ức chế, lấn át, xâm hại các loài bản địa thì tại TP HCM, nhiều người rất thờ ơ với mối nguy này. Bằng chứng là tại không ít ngôi chùa ở thành phố, rùa tai đỏ được bày bán la liệt, khách vãn chùa mặc sức mua phóng sinh với số lượng không giới hạn.

Cách trung tâm thành phố khoảng 30km, đang là cao điểm của rằm tháng 7 nên khu vực bến đò Hội Sơn (phường Long Bình, quận 9) rất đông thiện nam tín nữ trẩy hội. Điểm dừng đầu tiên của chúng tôi là chùa Hội Sơn, ngôi chùa cổ gần 200 năm tuổi hiện còn lưu giữ nhiều bài vị, sắc phong nên không đợi đến đại lễ Vu Lan, vào những ngày rằm trong tháng, ngôi chùa cổ này cũng được phật tử gần xa tìm đến chiêm bái nườm nượp. Tâm lý của khách đi chùa thường làm điều phước để tích đức nên khoảng sân trước chùa đổ dài xuống bến đò Hội Sơn hiện diện hơn 20 điểm bán chim, cá, rùa phóng sinh.

Nhìn những chiếc thau nhựa bên trong lố nhố hàng trăm con rùa tai đỏ cỡ đầu ngón tay cái người lớn được bán với giá 5.000 đồng/con, các thiện nam tín nữ vô tư chìa tiền để mang rùa đi thả nước. Với tâm lý càng phóng sinh nhiều càng tích đức nhiều, có nữ khách mua cả trăm con rồi te te xuống mép sông Đồng Nai trút đổ cho đám rùa gây hại mặc sức phát tán.

Rời chùa Hội Sơn, chúng tôi lên đò vượt sông Đồng Nai đến cù lao Phước Long (ấp Cù Lao), nơi có chùa Phước Long nằm biệt lập giữa vùng sông nước cũng rất được phật tử, khách hành hương rồng rắn tìm đến khấn cầu. Sau khoảng 10 phút chẻ nước, đò cập bến. Vừa đặt chân lên bậc tam cấp nằm sát mép sông, đập vào mắt khách hành hương là những lồng chim, bọc cá, thau rùa tai đỏ được bày ngổn ngang chờ bá tánh đến "làm phước". Chẳng rõ thông tin "phóng sinh rùa được phước nhất do rùa nhằm trong nhóm tứ linh (long-lân-quy-phụng)" bắt nguồn từ đâu nhưng phần lớn khách có nhu cầu phóng sinh ở đây đều truyền miệng câu nói này và đua nhau mua rùa.

Chúng tôi bắt chuyện với một tiểu thương, chị ta tâm tình "rùa bán được nhất" và khoe sáng giờ bán hơn 500 con. Lúc này có một bà khách dáng người sang trọng đến hỏi mua rùa. Nhìn thau rùa chỉ còn vài mươi con trong khi đang có nhu cầu "thả 100 con", bà khách định đảo sang điểm khác thì chị nọ lớn tiếng: "Bác mua cả ngàn con em cũng có nữa là". Vừa nói, chị ta vừa đổ từ chiếc thùng đỏ để sát bên người hàng trăm con rùa thứ dữ cho khách mặc sức lựa chọn…

Còn đang "ngộp" trước cảnh thiện nam tín nữ mặc sức phóng sinh rùa tai đỏ tại 2 ngôi chùa Hội Sơn, Phước Long nằm ở ngoại ô, chúng tôi nhận được tin của nhiều độc giả phản ánh "tại một số ngôi chùa ở khu vực trung tâm thành phố, rùa tai đỏ cũng được bày bán, phóng sanh hà rầm". Một trong số đó là tổ đình Quan Thánh Đế thuộc địa phận phường Tân Hưng, quận 7. Tổ đình nằm giữa sông nước mênh mang với đường vào đi qua mấy cây cầu bắc qua những dòng chảy phụ của con kênh Tẻ, một nhánh rẽ của sông Sài Gòn.

Tại mặt trước và mặt sau tổ đình, chim, cá, rùa phóng sinh cũng được bày bán. Có điều những con rùa tai đỏ ở đây con nào con nấy bự bằng nắm đấm của người lớn. "Một con vậy giá hai trăm (200.000 đồng)" - người phụ nữ bán rùa nói với khách: "Phóng sanh con lớn vầy được phước dữ lắm em ơi! Chứ phóng sanh loại be bé nó khó sống lắm phần do bị cá ăn, do không đủ sức chống chọi với môi trường mới, lạ. Phóng sanh như vậy thì chỉ tổ tạo thêm nghiệp chướng mà thôi". Thấy khách còn chần chừ, chị ta đế thêm: "Rùa tai đỏ cỡ này là mang cả bụng trứng, chờ đến ngày đẻ. Chị không mua phóng sanh, chỉ sợ người khác họ rinh về rang muối thì tội nghiệp lắm!"(?).

Có nhìn cảnh người ta thả xuống dòng chảy những con rùa tai đỏ cỡ nắm đấm người lớn, mới thấy mối lo rùa tai đỏ xâm hại môi trường tự nhiên đang đến rất gần. Có khách bên cạnh việc phóng sinh còn mua nhiều cặp rùa về nuôi làm cảnh. "Nghe nói giống rùa này dễ nuôi, trên bờ dưới nước gì nó sống cũng được, lại mắn đẻ nên tui tuyển vài cặp về thả hồ xem sao" - một thiện nam vô tư nói.

Hỏi thăm nguồn rùa tai đỏ lấy từ đâu, những người bán cho biết hàng nhập từ mối lái ở các tỉnh miền Tây và từ một số hộ dân ở quận 12, quận Thủ Đức. Có người như ông Bình, bán hàng chim, rùa phóng sinh lúc chúng tôi gặp ở cù lao Phước Long, bật mí nguồn rùa do ông ta "tự sản xuất". Đề cập chuyện có biết rùa tai đỏ là loài gây hại, kẻ bán, người mua, kể cả một số sư thầy ở các chùa ai nấy đều lắc đầu. "Rùa là giống hiền lành, chậm chạp thì hại được ai. Nếu nó là loài gây hại thì Nhà nước cấm mua cấm bán cả rồi. Đằng này có thấy ai cấm ai phạt gì đâu" - ông Bình bày tỏ.

Vì là sinh vật ngoại lai vừa gây hại cho môi trường sinh thái vừa có nguy cơ truyền bệnh cho người nên Bộ NN&PTNT cấm nhập khẩu rùa tai đỏ nhưng không phải ai cũng biết rõ mối nguy hại của loài này. Bằng chứng là ngay tại TP HCM, giống rùa nguy hiểm vẫn được mua bán tràn lan trong sự thờ ơ của chính quyền địa phương. Nghệ nhân T.V.P (hội viên Hội Sinh vật cảnh TP HCM), chia sẻ: "Chúng ta từng phải trả giá quá đắt với "thảm kịch" ốc bươu vàng, nay đến lượt rùa tai đỏ, mong rằng "lịch sử" sẽ không lặp lại. Muốn như thế, thiết nghĩ đã đến lúc ngành chức năng cần phát động phong trào toàn dân bài trừ rùa tai đỏ, nên phát, dán tờ rơi về những mối nguy, tác hại của loài này tại các ngôi chùa để các phật tử, khách hành hương biết đường mà né, tránh cảnh người dân làm phước nhưng lại vô tình gây hại cho môi trường và xã hội".

Thành Dũng
.
.
.