Lý Sơn vẫy gọi

Thứ Sáu, 13/02/2009, 09:56
Cách đây hàng trăm năm, vẻ đẹp của đảo Lý Sơn, hay còn gọi là Cù lao Ré đã hút hồn nhiều du khách, thương nhân mỗi khi có dịp đến, đi ngang qua đây. Vì thế mà tin ngành Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã mở tuyến du lịch đến hòn đảo từng được ví von là "Đảo thần tiên" đã làm nức lòng người dân của tỉnh và nhiều du khách trong nước.

Sau mấy lần thất hẹn, rồi cuối cùng chúng tôi cũng đã có cuộc hành trình đến với Lý Sơn vào một ngày đầu năm 2009. Lý Sơn nằm cách cảng Sa Kỳ 18 hải lý về hướng Đông Bắc. Nhìn từ xa, đảo Lý Sơn tựa như một chiếc bình phong án ngữ bờ biển che chở cho đất liền Quảng Ngãi. Với diện tích rộng chừng 10 cây số vuông, gồm có: Đảo lớn, đảo bé và đảo Mù Cu như thể chân vạc, tạo cho huyện đảo một thế đứng vững chãi trước phong ba, bão táp.

Đến Lý Sơn, du khách có thể ngao du, thưởng ngoạn những thắng cảnh thiên nhiên núi - biển kỳ thú được hình thành từ hàng chục ngàn năm qua. Từ trên một trong năm ngọn núi lớn của đảo chính: Thới Lới, Giếng Tiền, hòn Vung, hòn Sỏi, hay hòn Tai, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những thửa đất trắng nối nhau được che phủ bởi màu xanh của tỏi, hành ra đến tận mép nước.

Với các điểm Suối Chình thác trắng, quần cảnh Mù Cu, núi Giếng Tiền và những bãi cát trắng gắn liền với các thắng cảnh thiên nhiên tạo thành những bãi tắm tuyệt đẹp...

Vào những ngày hè, trời lặng, mặt biển rộng mênh mông tựa như một tấm thảm khổng lồ ôm chầm quanh đảo. Và du khách có thể mặc sức trèo núi, tắm biển, câu cá, bơi thuyền.

Tạo nên sự độc đáo cho hòn đảo này còn là sự tích tụ nhiều di tích lịch sử văn hoá và một hệ thống di sản văn hoá phi vật thể phong phú, vô cùng đa dạng với 2 đình, 10 chùa, trên 30 lăng miếu. Trong đó có hai danh thắng được xếp hạng di tích cấp quốc gia là: Quần thể đình làng An Hải và chùa Hang.

Những lễ hội truyền thống ghi đậm dấu ấn của cư dân trên đảo như: Đua thuyền, lễ hội cầu ngư... được tổ chức thường xuyên vào dịp Tết cổ truyền dân tộc. Bên cạnh đó, với vùng biển có nhiều loại thủy, hải sản quý như: Đồn đột, vích, đồi mồi; cá thu, cá mú; mực thẻ, mực nang; ốc cừ, ốc bàn tay, ốc tai tượng... sẽ mang đến cho du khách nhiều món ăn thật hấp dẫn.

Tuy nhiên, ngoài tiềm năng du lịch có sẵn, để thật sự trở thành điểm đến, thu hút du khách, Lý Sơn vẫn còn những cái khó "đặc thù" của một huyện đảo. Đó là việc thiếu điện, nước, hệ thống dịch vụ như nhà nghỉ, phương tiện đi lại.

Ông Nguyễn Kỉnh, Trưởng phòng Du lịch - Sở TM-DL Quảng Ngãi cho biết: Ngành đã phối hợp với các công ty lữ hành thực hiện các chuyến khảo sát sẽ chọn hình thức phát triển du lịch dựa vào cộng đồng. Có một thuận lợi là các công ty lữ hành và một số hộ dân trên đảo đã "gặp nhau" ở điểm cùng hợp tác phát triển. Đây là cơ sở để các hãng lữ hành triển khai đưa du khách "cùng ăn, cùng ở, cùng du lịch" với người dân bản địa. Bằng cách làm này, sẽ thu hút các hộ dân trên đảo cùng đầu tư, trang trí nhà ở, sắm xe máy đưa đón du khách.

Ông Võ Xuân Huyện, Chủ tịch huyện đảo Lý Sơn cho hay: “Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để khai thác tốt tiềm năng du lịch của đảo, nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân trên đảo. Trong đó huyện sẽ khuyến khích, kêu gọi nhân dân phát triển du lịch theo hình thức cộng đồng, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan sinh thái biển đảo. Từ đó thu hút các nguồn vốn đầu tư hạ tầng du lịch và dịch vụ nhằm thúc đẩy du lịch của huyện đảo”

C.Nguyễn
.
.
.