Tiến tới kỷ niệm 39 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam:

Lực lượng An ninh miền Nam và những chiến công hiển hách

Thứ Tư, 23/04/2014, 10:03
Sau ngày ký Hiệp định Giơnevơ (7/1954), đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, hòng tấn công miền Bắc, bao vây uy hiếp phe XHCN từ phía Đông Nam. Các lực lượng cách mạng ở miền Nam đứng trước tình thế vô cùng bất lợi, một mất một còn. Từ đây An ninh miền Nam (ANMN) đứng trước yêu cầu nhiệm vụ mới, trong hoàn cảnh cực kỳ gay go, phức tạp.

Bài 1: Xây dựng và phát triển trở thành một lực lượng nòng cốt

Ngay sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị về tình hình nhiệm vụ mới, chính sách mới của Đảng (ngày 5/9/1954), Bộ Công an đã cử đồng chí Trần Viễn Chi phụ trách công tác phái khiển vào miền Nam để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về công tác phái khiển, quy định thông tin liên lạc giữa hai miền sau Hiệp định Giơnevơ… Lực lượng ANMN chuyển hướng tổ chức thi hành nhiệm vụ mới, chôn giấu vũ khí, máy móc công xưởng, bố trí cán bộ tập kết... chuẩn bị cho kế hoạch lâu dài; mặt khác phối hợp cùng lực lượng quân đội bảo vệ việc chuyển quân tập kết theo chủ trương của Trung ương… Trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ vừa chiến đấu chống địch, tự bảo vệ mình vừa tổ chức xây dựng lực lượng, 21 năm ròng kháng chiến trường kỳ, lực lượng ANMN đã từng bước phát triển vững mạnh và đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất nước nhà.

Sự ra đời và phát triển

Cuối năm 1960 đầu năm 1961, phong trào cách mạng chuyển sang giai đoạn mới đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang. Lực lượng ANMN ra đời với tên gọi là Ban Bảo vệ An ninh Trung ương (10/1961) do đồng chí Phạm Thái Bường, Ủy viên Trung ương Đảng phụ trách. Lực lượng An ninh cơ sở được hình thành chọn từ những đảng viên, quần chúng tích cực trong Ban địch tình, Ban Bảo vệ căn cứ, Ban Binh vận của Đảng và một số cán bộ cốt cán của các ngành, khu, tỉnh, huyện. Từ năm 1962, các Ban An ninh Khu 5, Khu 6 cũng được thành lập. Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, Thường vụ Khu ủy đã tiến hành xây dựng hệ thống tổ chức bảo vệ an ninh từ khu đến tỉnh, huyện, xã và đưa cấp ủy sang phụ trách an ninh.

Chiến sĩ An ninh vũ trang, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam tháo bom lép của địch lấy thuốc nổ chế tạo vũ khí đánh địch.

Đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu, phát triển lực lượng, Bộ Công an chỉ đạo Trường Công an Trung ương tăng cường mở các lớp đào tạo cán bộ, bồi dưỡng cả về chính trị, nghiệp vụ, rèn luyện thể lực để chuẩn bị tăng cường cho ANMN. Trung ương Cục mở Trường ANMN ở khu căn cứ trực tiếp mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ An ninh để tăng cường lực lượng An ninh cho toàn miền, khu, tỉnh, huyện. Do chủ động công tác tăng cường, chi viện cho ANMN kết quả từ năm 1959 đến 30/4/1975, Bộ Công an đã chi viện cho ANMN 11.038 cán bộ gồm 8.038 cán bộ trinh sát điều tra, xét hỏi, tình báo, cảnh sát và hơn 3.000 cán bộ Công an nhân dân vũ trang, trong đó có 1 đồng chí cấp Thứ trưởng, 3 đồng chí Cục trưởng, 7 đồng chí Phó Cục trưởng, 2 Trưởng ty, 23 Phó trưởng Ty, 870 cán bộ lãnh đạo cấp phòng, cấp huyện, thị.

Bảo vệ vững chắc căn cứ và cơ quan đầu não, đánh địch ở 3 vòng chiến lược

Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác bảo vệ căn cứ, bảo vệ lãnh tụ được các cấp ủy giao cho lực lượng ANMN và được đặc biệt coi trọng.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục, các cấp ủy miền Nam và tranh thủ được sự giúp đỡ, ủng hộ của quần chúng các tầng lớp nhân dân miền Nam, lực lượng ANMN đã chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án bảo vệ, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Lực lượng An ninh vũ trang, trinh sát vũ trang của ANMN từng bước được xây dựng vững mạnh cả về số lượng và chất lượng để bảo vệ căn cứ Trung ương Cục ở Tây Ninh, các nơi đóng quân của Khu ủy, Tỉnh ủy. Phối hợp cùng lực lượng quân giải phóng, du kích chủ động tiến công địch, hỗ trợ nhân dân phá ấp chiến lược, chống càn quét, chống gom dân, bắt lính của địch. Đặc biệt, lực lượng ANMN đã sử dụng kết hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ, tích cực đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, xây dựng phong trào “Phòng gian bảo mật” ở vùng căn cứ, vùng giải phóng, tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, thuần khiết nội bộ, đề phòng do thám, chỉ điểm, gián điệp, chiêu hồi, bóc gỡ các đầu mối nội gián bảo vệ nội bộ cơ quan Đảng, đoàn thể… Lực lượng ANMN trở thành mũi nhọn xung kích đấu tranh trực diện với địch, trực tiếp tổ chức nhiều trận chống càn, góp phần đánh bại các cuộc càn quét của Mỹ - ngụy vào khu căn cứ địa Tây Ninh, Dương Minh Châu bảo vệ tuyệt đối việc di chuyển căn cứ Trung ương Cục và các cơ quan, ban, ngành nhiều lần sang lánh tạm ở đất Campuchia, đồng thời trực tiếp giúp Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia di chuyển lánh nạn sang Việt Nam khi Đảng bạn bị khủng bố, gặp khó khăn. Lực lượng An ninh khu, tỉnh, huyện, xã đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở vùng giải phóng, vừa tiến công địch, vừa chủ động bảo vệ mình, củng cố tăng cường lực lượng, hướng dẫn quần chúng đấu tranh thắng lợi đối với địch trong từng thời kỳ cách mạng.

Trong các địa bàn địch chiếm ở vùng rừng núi hay nông thôn, đồng bằng, lực lượng An ninh khu, tỉnh, huyện dựa chắc vào dân, bám đất, bám dân, bám cơ sở sử dụng và kết hợp chặt chẽ 3 mũi đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận hướng dẫn và cùng nhân dân diệt ác, phá kìm, phá tan quốc sách Ấp chiến lược của Mỹ - ngụy. Lực lượng An ninh ở các vùng nông thôn tích cực vận động quần chúng nhân dân, góp phần xây dựng, củng cố các tổ chức đoàn thể xây dựng lực lượng cơ sở trong quần chúng để tạo thế đứng chân bám trụ trên các địa bàn trọng điểm; phát động quần chúng tạo ra những bàn đạp vững chắc thuận lợi cho các trận đánh lớn. Trong các đô thị, lực lượng trinh sát vũ trang kiên trì bám trụ, dựa vào sự giúp đỡ, che chở, ủng hộ của nhân dân tích cực tiến công địch, diệt trừ những tên phản cách mạng có nhiều nợ máu với nhân dân, tạo tiếng vang và gây uy thế cho cách mạng, khích lệ tinh thần đấu tranh của quần chúng, làm nhụt ý chí của kẻ thù.

Lực lượng điệp báo, tình báo ANMN mưu trí, sáng tạo, đã thu thập và chuyển giao nhiều tin tức có giá trị chiến lược, chiến thuật phục vụ các cuộc chống càn, các kế hoạch tấn công địch, bóc gỡ mạng lưới gián điệp, nội gián, chỉ điểm, góp phần thuần khiết nội bộ, chủ động di dời căn cứ, bảo vệ an toàn lãnh tụ và cơ quan đầu não kháng chiến và góp phần cùng các lực lượng quân giải phóng đập tan hầu hết các chiến dịch càn quét thâm độc của Mỹ - ngụy vào vùng giải phóng và căn cứ kháng chiến. Đặc biệt, lực lượng trinh sát vũ trang nội thành, điệp báo trong các đô thị đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức nhiều trận đánh táo bạo, sáng tạo ngay trong sào huyệt địch ở các đô thị ở miền Nam, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thu nhiều tài liệu quan trọng phục vụ cho cuộc đấu tranh quân sự và chính trị trên toàn chiến trường, bóc gỡ nhiều tổ chức đảng phái phản động, phát hiện nhiều âm mưu, kế hoạch chống phá cách mạng miền Nam của Mỹ - ngụy, bắt giữ, xử lý nhiều tên tình báo, cảnh sát, tề điệp, dân vệ ác ôn, nguy hiểm.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị BCHTƯ lần thứ 21 (7/1973), Trung ương Cục khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối an ninh ở miền Nam là: Đảng lãnh đạo, toàn dân thực hiện, lực lượng An ninh là công cụ chuyên môn; phát động toàn Đảng, toàn dân làm công tác an ninh và nâng cao tinh thần cảnh giác; đề ra phương châm công tác an ninh là chủ động tiến công, đồng thời tích cực bảo vệ ta, đánh địch trên cả ba vùng chiến lược, phát triển lực lượng An ninh từng bước theo sự phát triển của cách mạng. Từ tinh thần chỉ đạo đó, sau ngày ký Hiệp định Pari, các lực lượng ANMN tiếp tục chủ động, tích cực tiến công địch trên khắp các mặt trận cả công khai và bí mật, đánh trúng nhiều đối tượng ác ôn, truy bắt được nhiều tên tình báo, gián điệp lẩn trốn, mật vụ chỉ điểm ở vùng giải phóng. Đồng thời thu được nhiều tài liệu tin tức quan trọng liên quan đến thái độ của Mỹ đối với miền Nam, tình hình mâu thuẫn trong hàng ngũ ngụy quyền Sài Gòn và xu hướng của của các đảng phái chính trị, tôn giáo, lực lượng thứ ba ở miền Nam Việt Nam…

(Còn nữa)

N.B.S.
.
.
.