Lực lượng An ninh miền Đông Nam Bộ góp phần “Mở cửa thép Xuân Lộc”

Thứ Tư, 25/04/2012, 23:57
Tại mặt trận Xuân Lộc, lực lượng An ninh miền Đông Nam Bộ nắm chắc tình hình, lên sơ đồ các cứ điểm của địch. Từ đó, phối hợp với các cánh quân chủ lực mặt trận phía Đông luồn sâu vào phía sau quân địch, tập kích bất ngờ, gây thiệt hại lớn về nhân lực và phương tiện khí tài của địch, góp phần “Mở cửa thép Xuân Lộc”.

Kỷ niệm 37 năm Ngày chiến thắng Xuân Lộc và Đại thắng mùa xuân 1975, ngày 24 và 25/4, tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức Hội thảo khoa học về “Mặt trận hướng đông - Từ chiến dịch Xuân Lộc đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”.

Trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, chiến trường miền Đông Nam Bộ là một mặt trận quan trọng có tính quyết định. Bước vào mùa khô 1974-1975, khi lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng giành chiến thắng khắp nơi trên chiến trường; còn ngụy quyền Sài Gòn thì rệu rã vì bị tổn thất nặng nề, đứng trước nguy cơ sụp đổ nhanh chóng cả về quân sự và chính trị, buộc Mỹ - ngụy phải điều chỉnh kế hoạch hòng giành lại thế chủ động trên chiến trường, trong đó chúng tăng cường lực lượng, khí tài để “tử thủ tại Xuân Lộc”.

Nắm vững thời cơ, cán bộ, chiến sỹ An ninh miền Đông Nam Bộ đã sát cánh cùng các lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng kiên trì phát động phong trào cách mạng trong quần chúng. Tại mặt trận Xuân Lộc, lực lượng An ninh miền Đông Nam Bộ nắm chắc tình hình, lên sơ đồ các cứ điểm của địch. Từ đó, phối hợp với các cánh quân chủ lực mặt trận phía Đông luồn sâu vào phía sau quân địch, tập kích bất ngờ, gây thiệt hại lớn về nhân lực và phương tiện khí tài của địch, góp phần “Mở cửa thép Xuân Lộc”.

Để chuẩn bị và tạo mọi điều kiện cho chiến dịch, các lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng An ninh miền Đông Nam Bộ nhất là An ninh các  huyện Xuân Lộc, Cao Su, thị xã Long Khánh ngoài nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng cách mạng nổi dậy tấn công địch, giải phóng xã, ấp còn được lệnh bám sát địa bàn để nắm tình hình địch, bảo đảm bí mật theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ban An ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh và sẵn sàng ở mức cao nhất để phục vụ chiến dịch.

Trong chiến dịch mùa khô 1974-1975, với nhiệm vụ “Căng kéo, kìm chân địch trong đô thị, thị xã, thị trấn, hỗ trợ cho ba mũi tấn công, vây ép địch và giải phóng các ấp vùng ven”, các lực lượng trinh sát vũ trang, trinh sát bảo vệ chính trị đã liên tục tấn công vào các điểm trụ của bọn tình báo, cảnh sát Mỹ - ngụy, bắt, diệt những đối tượng thuộc diện chỉ điểm; lột những mạng lưới gián điệp ngầm mà ta đang đấu tranh.

Phát huy thắng lợi, những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4/1975, lực lượng An ninh cùng các lực lượng cách mạng của thị xã Long Khánh đã lần lượt bức hàng, bức rút, chiếm lĩnh và làm chủ các đồn Bảo Vinh A, Bảo Vinh B, Suối Chồn và Bình Lộc, giải phóng hoàn toàn các xã, ấp vùng ven; tạo địa bàn, chuẩn bị chiến trường để các cánh quân chủ lực đứng chân, mở những trận đánh chiến lược ở cửa ngõ phía Đông - Đông Bắc ra vào thủ phủ Sài Gòn của địch.

Trước khi chiến dịch Xuân Lộc mở màn, để chủ động trong tấn công cũng  như bảo đảm an ninh trên địa bàn, Ban An ninh Bà Rịa - Long Khánh đã chỉ đạo An ninh các huyện, thị: tăng cường lực lượng ở các điểm chốt của ta, dự đoán cho hết những nơi địch có thể rút bỏ, chạy trốn hoặc co cụm, trà trộn trong dân để bắt, diệt cho được những đối tượng quan trọng do An ninh mỗi cấp phụ trách; nhân lúc địch hoang mang, giao động, lực lượng An ninh phải thừa thắng mở rộng diện tấn công, truy kích bọn trà trộn bí mật, ẩn nấp trong nhân dân, sử dụng lực lượng bí mật đánh sâu vào những nơi co cụm của địch, tiếp tục tạo điều kiện để cơ sở đi sâu vào lòng địch thì tiếp tục công tác. Đồng thời, giáo dục số bắt được, sử dụng chúng kêu gọi bọn còn lại ra đầu hàng, đầu thú. Nhanh chóng truy bắt những tên lẩn trốn, khẩn trương sơ cung để phục vụ truy kích, thu giữ tài liệu và bóc gỡ màng lưới bí mật đưa về tuyến sau giam giữ; Nơi nào xét thấy địch có thể rút trước khi ta tấn công, An ninh phải phối hợp với quân sự kịp thời phát hiện, đề xuất cấp ủy, Ban Chỉ huy từng cấp kịp thời đối phó.

Bằng biện pháp nghiệp vụ thu thập từ nhiều nguồn, An ninh Bà Rịa - Long Khánh đã nắm được nguồn tin, cũng như dự định kế hoạch rút chạy nếu không chống cự nổi”. Những tin tức tình báo mà An ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh nắm được và cung cấp có giá trị thực tế rất cao, góp phần giúp các cấp lãnh đạo chủ động có kế hoạch và đối sách đúng để chỉ đạo kịp thời trong quá trình đấu tranh với địch.

5h30 sáng 9/4/1975, chiến dịch tiến công Xuân Lộc mở màn. Từ tọa độ được đánh dấu chính xác, hỏa lực của giải phóng dội lên chi khu quân sự Xuân Lộc - tiểu khu Long Khánh và các mục tiêu phụ cận khác, lực lượng An ninh các huyện Xuân Lộc, Cao Su, thị xã Long Khánh đã sát cánh cùng các đơn vị bạn tấn công vào các mục tiêu đã định.

7h40, cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên nóc Dinh tỉnh trưởng và một số mục tiêu quan trọng. Các cơ sở điệp báo của An ninh Bà Rịa - Long Khánh được lệnh bám sát diễn biến của địch, kịp thời cung cấp tin tình báo cho Ban Chỉ huy chiến dịch; An ninh thị xã Long Khánh huy động mọi lực lượng hiện có vào phục vụ chiến dịch: Dẫn đường cho quân chủ lực, phối hợp đánh chiếm các mục tiêu quân sự, vận động quần chúng nổi dậy, giải phóng xã, ấp và hướng dẫn đồng bào sơ tán khỏi vùng chiến sự v.v... Trước sức tiến công quyết liệt của quân giải phóng ngày 21/4/1975, Xuân Lộc - Long Khánh hoàn toàn được giải phóng.

Sau khi thất thủ tại mặt trận Xuân Lộc - Long Khánh, ngày 23/4/1975, Tổng thống Mỹ Giê rôn Pho đã phải tuyên bố: “Cuộc chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt đối với Mỹ”

Nhóm phóng viên chuyên đề
.
.
.