Tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình:

Lũ lụt lớn nhiều địa phương ngập chìm trong nước

Thứ Ba, 19/10/2010, 17:06
Từ ngày 14/10 đến 16/10, tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to và rất to. Mưa tập trung tại Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình với lượng mưa từ 600-700mm, trong đó lượng mưa lớn nhất ngày 16/10 tại Chu Lễ (Hà Tĩnh) là 548mm. Mưa lớn đã gây lũ trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Nam; Tại Hà Tĩnh và Quảng Bình, lũ lớn xảy ra trên mức báo động 3.

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo PCLB TW - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết: Tình hình mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế đang diễn biến phức tạp, trong vài ngày tới có khả năng sẽ tiếp tục mưa to đến rất to, đề phòng lũ lớn kéo dài nhiều ngày; cơn bão mạnh đang xuất hiện trên vùng biển Philippines (tên quốc tế Megi) có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

Tại Hà Tĩnh: Sáng 17/10, phóng viên Báo CAND có mặt tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc thì nước lũ đã ngập sâu gần 2 mét trên nhiều đoạn đường tuyến quốc lộ 1A. Ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Trực, ở tổ 1, khối 12, thị trấn Nghèn đã bị nước nhấn chìm gần hết. Vừa chèo thuyền di dời tài sản, con trai của ông Trực vừa cho chúng tôi biết, chiều 16/10, nước lũ đã dâng rất cao và nhấn chìm nhiều ngôi nhà ở khu vực này.

Ông Ngô Quan Hùng, Bí thư Đảng uỷ xã Phú Phong, huyện Hương Khê cho biết, chiều muộn 16/10, toàn bộ các thôn trên địa bàn xã đã bị ngập, chỗ sâu nhất gần 4m, nước lũ vẫn còn gần 150 hộ với khoảng 400 người dân, làm cô lập hai thôn.

Ban Chỉ đạo PCLB xã đã huy động toàn bộ lực lượng cứu hộ, cứu nạn dùng thuyền nhỏ để di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, và lo nơi ăn, chốn ở tạm thời cho nhân dân vùng lũ. Đến trưa 17/10, đã có 143 xã thuộc 12 huyện, thành phố và thị xã bị ngập sâu trong nước, nhiều nơi nước dâng cao 4 mét so với mặt đất, trong đó 22/22 xã của huyện Hương Khê; 12/12 xã của huyện Vũ Quang và 16/16 xã của thành phố Hà Tĩnh bị ngập hoàn toàn. Tổng số nhà dân bị ngập là 35.430 nhà. Tỉnh Hà Tĩnh đã di dời được hơn 6.000 dân đến nơi an toàn, tuy nhiên, hiện nước lũ vẫn khiến một số lượng lớn người dân ở nhiều xã, thị trấn bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hữu Bình, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết: Nước lũ đã làm ngập 12/12 xã, thị trấn của huyện, nhiều xã bị chia cắt hoàn toàn, nhiều xã bị ngập sâu từ 3,5 đến 4m, làm cô lập 3.000 hộ dân, trụ sở UBND xã Hương Thọ, Hương Minh, Đức Liên, Ân Phú… đều ngập trong lũ trên 1 mét.

Ban chỉ đạo PCLB huyện đã kêu gọi các tàu, thuyền của ngư dân cùng với lực lượng cứu hộ của huyện, xã đưa hàng trăm người dân về hội trường của UBND huyện để họ tránh lũ, đồng thời huyện tổ chức nấu ăn cho người dân tránh lũ.

10h sáng 17/10, ông Lê Trần Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê trên thuyền đi chỉ đạo cứu hộ đã điện thoại trả lời chúng tôi: Đêm 16/10, huyện đã huy động lực lượng sơ tán gần 10.000 dân đến vùng đất cao, nhà cao, cứu nạn hơn 3.000 người dân thoát khỏi nguy kịch do nhà bị ngập nước hoặc bị cuốn trôi.

Hàng ngàn người dân Quảng Bình lại phải chạy lên núi tránh lũ. Ảnh: Sông Lam.

Tại Nghệ An: Với lượng mưa rất lớn liên tục đổ xuống đã khiến hàng nghìn ngôi nhà của nhân dân ở huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu và thành phố Vinh bị nhấn chìm trong biển nước.

Đến sáng 17/10, lượng mưa đo được tại Nghệ An phổ biến từ 150-300mm, tại thành phố Vinh khoảng 600mm. Mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước tại sông Lam, sông Hiếu... bắt đầu dâng mạnh, nhiều điểm vượt báo động 1, báo động 2. Nhiều khu vực hạ lưu bắt đầu ngập nước gần 1m.

Nước ngập gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông nội thành. Rất nhiều xã ngoại thành của tỉnh Nghệ An cũng ngập sâu trong nước hơn 1m. Nhiều tuyến đường liên xóm, liên xã không thể đi lại, hàng nghìn hécta rau màu, hàng nghìn tấn thủy sản ngập chìm trong nước đang đối diện với nguy cơ bị mất trắng vụ này.

Thông tin từ Văn phòng Ban PCLB tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến trưa 17/10, toàn tỉnh đã có 5 người chết, trong đó huyện Nghi Lộc có 3 người và huyện Thanh Chương 2 người. Toàn tỉnh có 4.363ha lúa bị ngập, 14.817ha ngô vụ đông, 1.192ha lạc, 2.265ha khoai lang, 4.806ha rau màu bị hư hỏng nặng, 3.970ha thủy sản bị ngập có nguy cơ tràn bờ bao. Thiệt hại ước tính lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Trong những ngày qua, tỉnh Nghệ An đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội và các lực lượng cứu hộ, cứu nạn thường xuyên có mặt ở các điểm nóng xảy ra lũ lụt để kịp thời cứu giúp nhân dân, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ lụt gây ra.

Người già, phụ nữ, trẻ em được ưu tiên di dời đầu tiên.
Ảnh: Báo Hà Tĩnh.

Tại Quảng Bình: Chỉ trong vòng hơn 10 ngày, người dân vùng cát đã phải chịu đựng 2 cơn lũ lớn dồn dập. Đói, rét vừa lắng dịu, người dân lại phải gồng mình chống lũ. Sức người có hạn, e bà con không đủ sức chống lại sự hà khắc của thiên nhiên khi lũ đang lên nhanh, còn ngoài kia bão Megi cũng đang tìm cách quật tới. "Trời làm chi cực rứa trời" đi đâu chúng tôi cũng nghe được lời than của người dân rốn lũ.

Ngày 15/10, đoàn cứu trợ của Báo CAND mang 10 tấn gạo ra sẻ chia, góp sức với người dân rốn lũ Hương Khê-Hà Tĩnh. 17h cùng ngày, khi những bao gạo cuối cùng được phát đến tay người dân, dọc theo đường Hồ Chí Minh chúng tôi vào vùng rốn lũ Quảng Bình. Mưa trắng trời, trận lũ đại hồng thuỷ nước rút chưa hết, người dân vùng cát Quảng Bình lại phải gồng mình chống cơn lũ mới.

Mưa liên tục kéo dài trong nhiều giờ liền buộc người dân Quảng Bình phải gồng mình chống chọi với cơn lũ kép. Nước sông Gianh tại Mai Hóa dâng cao 7,10m. Nhiều người dân bơi thuyền tay, dắt díu người già, trẻ em chạy trốn lũ.

Trên gương mặt bơ phờ sau lũ dữ nay lại phải đối mặt với lũ kép, bà Trần Thị Thoại, xã Phong Hoá ôm đứa cháu nhỏ cứ khóc tấm tức: "Ông trời làm chi cực rứa hè, chạy lụt cả tuần ni mới về nhà được đúng 1 ngày lại phải chạy. Rồi sống răng đây hả cháu?" nói rồi cụ với tay dùng áo mưa che hết phần cháu còn cụ chấp nhận để nước mưa quất vào người ướt lạnh.

Nhờ sự giúp đỡ của lực lượng CSGT đường thuỷ Công an tỉnh Quảng Bình chúng tôi tìm đến rốn lũ Tân Hoá. Không còn gì ngoài nước lũ mênh mông. Những ngôi nhà chịu trận trong cơn cuồng phong của nước lũ réo kinh người. Chỉ còn lại một ít người dân ở lại giữ nhà chống chọi với lũ lớn. Nhờ có sự cứu trợ kịp thời sau cơn lũ trước nên người dân không đói.

Khi nước lên, người dân Tân Hoá lại dắt díu nhau vào hang đá tránh lũ. Còn những tài sản sót lại sau đợt lũ trước đành bỏ lại. "Bỏ của chạy lấy người, mà nói thật với chú cũng chẳng còn chi gọi là của, vì trong lũ đã ngập hư hết từ đồ dùng sinh hoạt đến lương thực. Bầy tui xách vội thùng mỳ tôm vừa được ủng hộ giúp đỡ rồi cứ thế mà chạy lên núi.

Khi ngoảnh lại thấy nhà mình nước lũ đã bao quanh" - anh Trần Quang Thại ở Tân Hoá nói vậy. Nước lũ sông Gianh mênh mông, đục ngầu cuồn cuộn chảy như muốn cuốn phăng tất cả ra biển lớn. Nhìn dòng nước rồi nhìn nhà mình đang chìm dần, nhiều người dân chạy lũ Quảng Bình đưa mắt nhìn nhau nức nở.

Huyện Quảng Trạch có hơn 1.000 hộ, chủ yếu ở các vùng cồn bãi giữa sông Gianh bị lũ ngập. Tại huyện Tuyên Hóa có 10 xã bị ngập, trong đó nặng nhất là xã Thanh Hóa, Thạch Hóa. Lệ Thủy, Quảng Ninh lại mênh mông trong biển lũ.

Huyện Bố Trạch đã chỉ đạo các xã Liên Trạch, Hưng Trạch, Sơn Trạch di dời 1.200 người ra khỏi vùng ngập lụt sâu đến nơi an toàn. Nước lũ lại bao vây xã Liên Trạch, nơi đợt lũ qua đã làm 5 người trong xã thiệt mạng và hàng trăm nhà cửa bị nghiêng ngả, đổ sập trong lũ. Hàng ngàn người dân Quảng Bình sơ tán chạy lũ vừa trở về nhà nay lại phải tiếp tục bỏ lại nhà cửa, tài sản… để chạy lũ.

Trên quốc lộ 12A, đường Hồ Chí Minh, rất nhiều người dân dắt díu nhau dựng lều tránh lũ. Lũ đang lên rất nhanh, thương nhất là nhiều hộ dân vừa nhận được gạo, mỳ tôm… cứu trợ nay lại phải tay xách nách mang để chạy lũ. Tính đến 16h chiều 17/10, Quảng Bình đã có 18.357 nhà dân bị ngập trong lũ.

Tính đến 17h ngày 17/10, tỉnh Nghệ An đã có 7 người chết; tỉnh Hà Tĩnh có 7 người chết. Do mưa lũ có 12 chuyến tàu Bắc - Nam mắc kẹt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Ngành Đường sắt đã hiệp thương với các công ty vận tải, trung chuyển được 1.500 hành khách về tới Hà Nội và tiếp tục trung chuyển những hành khách còn lại từ TP Vinh về Quảng Bình để theo hành trình vào Nam.

Ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Rút kinh nghiệm đợt lũ vừa qua, lần này tỉnh Quảng Bình đã tăng cường lực lượng cùng nhiều phương tiện kiên quyết hơn trong việc di dời trên 10.000 người dân vùng thấp trũng, sạt lở ven sông, ven biển, vùng nguy cơ lũ quét đến nơi an toàn để tránh lũ và đề phòng bão. Huy động mọi lực lượng, phương tiện, vật tư để tập trung cứu hộ, cứu nạn dân tại các vùng bị ngập lụt, cung cấp lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm thiết yếu hỗ trợ cho các khu vực bị chia cắt bởi lũ, không để người dân bị đói, khát, tiếp tục tìm kiếm người mất tích; tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người bị nạn.

Siêu bão cấp 17 vào biển Đông, uy hiếp miền Trung Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, siêu bão Megi với cường độ cấp 17 và có tốc độ đạt tới 150 km/h đang di chuyển trên khu vực vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippines). Dự kiến, chiều tối và đêm 18/8 bão Megi sẽ đi vào khu vực phía Đông của biển Đông. Đến 7h ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17. Do ảnh hưởng của bão, hôm nay (18/10) vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14, cấp 15, giật cấp 17. Biển động dữ dội. Trong khi đó, mực nước tại nhiều sông miền Trung tiếp tục dâng cao. Như vậy, mưa lũ vẫn tiếp diễn cùng với nguy cơ ảnh hưởng từ cơn bão Megi sẽ còn khiến nhiều vùng tiếp tục chìm trong nước. Các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất tại các địa bàn miền núi.

Ngọc Yến

Sông Lam – Hồng Phú – Nguyễn Hưng – Lê Quân
.
.
.