Lớp học dã chiến và người thầy “ươm” con chữ
Hằng ngày, các thầy cô vẫn miệt mài “ươm con chữ” ở nơi đây. Khó khăn đã phải nhường chỗ cho những con người “ươm” con chữ sau lũ dữ.
1. Đồng Ruộng là một trong những xã bị thiệt hại nặng nề bởi trận lũ lịch sử đêm 10 và rạng sáng 11-10 tại huyện Đà Bắc (Hòa Bình). Mưa lũ đi qua, bao khó khăn để lại. Điểm Trường Tiểu học xóm Nhạp (Trường Tiểu học và THCS Đồng Ruộng) nằm nép mình trên mảnh đất lẫn với khu dân cư xóm Nhạp nhanh chóng bị vùi lấp. Hai phòng học vốn là nơi các em học sinh lớp ghép “1 và 3” cùng “4 và 5” sau cơn lũ chỉ còn đất và đá. Bàn ghế, thiết bị học tập theo nước lũ trôi tuột ra dòng sông Đà.
Đây là lần thứ 2, chúng tôi trở lại “rốn” lũ Đà Bắc. Không gian tan hoang, tiêu điều vẫn khỏa lấp trên nhiều khu vực thuộc Đà Bắc. Thiên tai không chừa một ai, không chừa một không gian địa lý nào.
Một buổi lên lớp của cô giáo Lường Thị Huyến tại lán trại dã chiến trên đồi Tân Hương. |
Ông Quách Công Lâm, Chủ tịch UBND xã Đồng Ruộng, khuôn mặt trầm tư. Với ông Lâm cũng như bà con nơi đây, đến giờ họ vẫn không muốn tin những gì mà mưa lũ đã gây ra cho địa bàn là sự thật. Chỉ trong một đêm, lũ dữ đã khiến 2 người chết, 6 người bị thương, đồng thời gây sạt lở đất đá vào 95 ngôi nhà. Trong số này, có 25 hộ dân ở xóm Nhạp cùng điểm trường nơi đây.
Đồi Tân Hương (xã Đồng Ruộng) sau đó được chính quyền địa phương lựa chọn là nơi ở tạm của 25 hộ dân và điểm Trường Tiểu học xóm Nhạp. Hàng chục lán trại dã chiến đã được lực lượng công an, quân đội dựng lên ở nơi đây. 14h20, ánh nắng hắt xiên rặng tre nơi đỉnh đồi.
Lớp học trong lán trại dã chiến có diện tích chưa đầy 20m2 của cô Lường Thị Huyến, giáo viên chủ nhiệm lớp ghép “1 và 3”, không khí học tập thật sôi nổi. Tấm bạt phủ hai bên hông lán trại được cô giáo Huyến vén lên để tăng thêm ánh sáng cho lớp học. Hai dãy bàn học được kê đều. Một dãy dành cho các em học sinh lớp 3. Một dãy dành cho các em học sinh lớp 1.
Tiếng đọc bài được các em học sinh nơi đây đồng thanh cất lên. Các em say sưa nghe giảng, hăng hái giơ tay lên đọc, giải bài tập. Thiên tai đã không ngăn được sự học của các em.
Năm nay là năm thứ 22 cô giáo Huyến “bám” xóm Nhạp, “ươm” con chữ cho các em học sinh. Những ngày đầu, nhận quyết định lên xóm Nhạp giảng dạy, cô gặp nhiều khó khăn trong quá trình giảng dạy. Nhưng, những khó khăn thời điểm ấy không là gì so với trận lũ lịch sử mới quét qua địa bàn.
Cô giáo Huyến tâm sự, lớp ghép “1 và 3” do cô chủ nhiệm có 5 em học sinh theo học. Đây đều là con em của 25 hộ dân xóm Nhạp đã bị lũ “cướp” mất nhà. Lũ dữ tràn về. Điểm trường không còn, nên các em học sinh phải học trong các lán trại dã chiến. Do không có điện lưới, nên ánh sáng luôn là thứ thiếu thốn ở đây. Điều kiện học tập của các em học sinh còn nhiều khó khăn. Nhưng không vì thế mà các em học sinh nản, không đến trường.
Một góc đồi Tân Hương - nơi các lớp học dã chiến tọa lạc. |
Sau khi điểm trường - lớp học dã chiến được dựng lên trên đồi Tân Hương, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám hiệu Trường Tiểu học và THCS Đồng Ruộng, cô cùng các thầy trong điểm trường đã đến từng hộ gia đình trong xóm thông báo lịch học cho các em học sinh. Các em rất hồ hởi và ngày hôm sau đã lên lớp đầy đủ.
“Các em học sinh xóm Nhạp chăm chỉ lắm. Dù lớp học chỉ là lán trại tạm bợ, song vì hiếu học, các em đã trở lại lớp, say sưa nghe thầy, nghe cô giảng bài”, cô giáo Huyến chia sẻ.
Giờ lên lớp của các em học sinh lớp ghép “1 và 3” của cô giáo Huyến chia làm hai buổi. Sáng từ 7h15 đến 11h, chiều từ 13h30-17h. Bất kể trời nắng hay trời mưa, các lớp học dã chiến trên ngọn đồi Tân Hương vẫn khỏa lấp không khí say sưa học tập của các em học sinh.
Trò chuyện với cô giáo Huyến, chúng tôi được biết, để thuận tiện cho công việc giảng dạy của mình, gia đình cô hiện đang tạm cư trong một lán trại dã chiến nằm cách lớp học không xa. Khó khăn chất chồng khó khăn, nhưng nó không ngăn được các thầy cô giáo đến trường “ươm con chữ” cho các em học sinh.
2. Mưa trắng xóa các vạt rừng ngớt dần. Mặt trời ló sau dãy núi phía chân trời. Dòng sông Đà cuộn chảy, một màu trong xanh trở lại. Ở đồi Tân Hương, chúng tôi bắt gặp những thầy, những cô luôn đau đáu với sự học của các em học sinh. Dù đã nhận quyết định nghỉ hưu, song cô giáo Sa Thị Thu, giảng dạy lớp ghép “4 và 5” đã báo cáo Ban Giám hiệu nhà trường tạo điều kiện cho phép mình trong thời gian này được cùng thầy trò điểm trường vượt khó sau khi lũ về.
Trong cái khó khăn càng thêm thấy tình nghĩa thầy trò. Cô Thu đã gần 30 năm gắn bó với việc gieo “con chữ” nơi xóm Nhạp. Cô Thu bảo, khi thấy xóm Nhạp bị mưa lũ “bủa vây”, bản thân cô muốn làm điều gì đó cho bà con, cho các em học sinh. Bởi thế, những ngày qua, cô cùng đồng nghiệp vẫn đều đặn lên lớp.
“Khó khăn vậy chứ khó khăn nữa chúng tôi cũng chịu được. Chỉ mong sao, với sự nỗ lực của chúng tôi, sự học của các em học sinh nơi đây không bị gián đoạn”, cô Thu tâm sự.
Các em học sinh lớp ghép “4 và 5” xóm Nhạp vui mừng vì hằng ngày được lên lớp. |
Lớp cô Sa Thị Thu đang giảng dạy có 7 em học sinh. Thấy chúng tôi đến thăm lớp, em Định Thị Quỳnh, học sinh lớp 5 có đôi mắt tròn và to hồ hởi khoe: “Các bài tập toán mà cô Thu đưa ra, chúng em hứng thú lắm. Chúng em không muốn ở nhà, chỉ muốn ngày ngày lên lớp thôi!”. Nhìn nét chữ đẹp và rõ ràng trên nền giấy ô li của em Quỳnh cũng như các em học sinh nơi đây, chúng tôi thấy thật xúc động. Khó khăn đã nhường chỗ cho sự ham học của các em.
Trong câu chuyện với các em học sinh, chúng tôi được biết, nhờ sự thổi “lửa” của các thầy, các cô nơi đây, các em đã không thấy nản trước những gì mà thiên tai để lại. Và bản thân các em đã tự nhủ, phải thật chăm học, sau này làm người có ích cho xã hội. “Con thích học môn toán, sau này con muốn làm cô giáo dạy học như các thầy, các cô ạ!”, em Đinh Thảo Vy, học lớp 5 nói về ước mơ trong sáng của mình.
Thầy Trần Tuấn Vang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đồng Ruộng đôi mắt thâm quầng sau nhiều đêm mất ngủ. Thầy bảo, đã rất lâu rồi trên địa bàn mới xảy ra trận lũ có sức tàn phá đến như vậy. Cuộc sống của bà con các thôn xóm nơi xã Đồng Ruộng khó khăn chất chồng khó khăn. Nhất là đối với hành trình “nuôi” con chữ của các em học sinh nơi đây. Trường có 5 lớp học với 170 em học sinh; khối THCS có 4 lớp với 80 em học sinh. Các em học sinh chủ yếu là người dân tộc Tày, Mường, Thái...
Sau trận lũ lịch sử xảy ra vào đêm mùng 10 và rạng sáng 11-10, điểm Trường Tiểu học ở xóm Nhạp đã bị cuốn phăng theo dòng nước lũ. Hoạt động giảng dạy theo đó đã bị gián đoạn. “Ngay sau khi lán trại dã chiến được dựng lên ở đồi Tân Hương, ngày 16-10 các em học sinh đã lên lớp trở lại. Dẫu trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng thầy trò điểm trường xóm Nhạp trên đồi Tân Hương luôn nỗ lực vượt khó, gắng sức “nuôi” con chữ, không để sự học của các em bị gián đoạn”, thầy Vang tiếp lời.
Niềm vui của cô giáo Lường Thị Hạnh khi thấy con gái Lường Gia Hân đón mình ở bến đò Hồm. |
3. Trên con đò tạm của anh Lường Văn Tuyên, ở xóm Hồm (Đồng Ruộng), chúng tôi gặp nhiều người dân, cán bộ, nhân viên đang sát cánh cùng bà con xóm Nhạp vượt lũ. Lường Thị Hạnh, giáo viên điểm Trường Mầm non xóm Nhạp (Trường Mầm non xã Đồng Ruộng) để lại nhiều ấn tượng cho chúng tôi ngay lần đầu gặp gỡ. Nụ cười rạng của cô trong chốc lát dường như đã xua tan những khó khăn trước mắt mà thầy trò nhà trường đang gặp phải.
Lũ dữ tràn về không chỉ gây thiệt hại cho điểm trường tiểu học mà nó còn cuốn phăng điểm trường mầm non trong xóm. 17 cháu nhỏ là con em của 25 hộ gia đình trong xóm sau một đêm đã không còn nơi lên lớp. Cô Hạnh cho biết, lũ dữ đi qua, lán trại dã chiến dành cho các em nhỏ đến trường được dựng lên, cô cùng đồng nghiệp là cô giáo Hà Kiều Thị Oanh lên lớp trở lại.
Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, trường lớp trong cảnh tạm bợ, thiết bị đồ dùng học tập, trông trẻ thiếu thốn đủ bề, nhưng với quyết tâm “không để trẻ ngưng lên lớp”, hằng ngày, các cô luôn tất bật với việc trông giữ, dạy trẻ cho các hộ gia đình. “Thời điểm này, việc trông giữ, dạy trẻ càng phải được chú trọng. Vì bà con đang phải sửa sang lại chỗ ở, lên nương làm rẫy”, cô Hạnh cho biết.
Lớp học mầm non dã chiến nằm trên đồi Tân Hương, các cô phải sử dụng đò để lên lớp. Khó khăn là thế, đường đến với điểm Trường Mầm non xóm Nhạp vất vả là vậy, nhưng các cô không lấy đó mà nản.
Trò chuyện với chúng tôi, cô Hạnh cho biết, cô quê ở huyện Mộc Châu (Sơn La). Vì cơ duyên với con chữ nơi xóm Nhạp, nên khi cầm tấm bằng tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm trên tay, Hạnh xin lên đây công tác. Và hạnh phúc đã nảy sinh với cô, khi sau đó, cô đã bén duyên và lập gia đình với một chàng trai người Đồng Ruộng. Có lẽ cũng bởi thế mà cô càng thêm đau đáu với sự nghiệp trồng người nơi đây, nhất là thời điểm hiện tại, lũ dữ đã và đang để lại thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho bà con Đà Bắc.
Nói với những khó khăn mà thầy trò các nhà trường nơi rốn lũ Đà Bắc đã và đang gặp phải, bà Ngô Thị Oanh - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình tỏ ra lo lắng. Bởi từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nói chung và huyện Đà Bắc nói riêng chưa từng xảy ra trận lũ lịch sử có sức tàn phá nặng nề đến như vậy. Lũ dữ đi qua, bao khó khăn để lại. Nhiều điểm trường trên địa bàn huyện Đà Bắc chỉ sau một đêm đã bị ngập ngụa đất đá. Các em học sinh không thể đến trường “nuôi” con chữ.
Trước những thiệt hại do mưa lũ gây ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc cùng các nhà trường triển khai hàng loạt biện pháp phòng tránh, đối phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Với sự nỗ lực, không quản khó khăn vất vả của các thầy, cô giáo “cắm bản” Đà Bắc, đến nay hoạt động giảng dạy tại các trường sau đó đã ổn định trở lại, sự học của các em không bị gián đoạn, dẫu phía trước còn nhiều khó khăn. Ước mơ của các em học sinh nơi rẻo cao Đà Bắc không bị dang dở.
Thật xúc động thay, khi ở chính cái nơi thiếu điện, thiếu nước, thiếu không gian như đồi Tân Hương này, tinh thần ham học đã và đang thăng hoa từng ngày. 15h, con đò chở chúng tôi cập bến Hồm - xã Đồng Ruộng. “Mẹ Hạnh ơi! Mẹ Hạnh ơi!”, từ trên bờ, tiếng cháu Lường Gia Hân, 4 tuổi - con gái cô Lường Thị Hạnh vọng lại. Đôi mắt rơm rớm, cô Hạnh bước vội lên bờ rồi bế bổng cô con gái. Đã nhiều ngày qua, cô Hạnh chưa về nhà...