Lòng biết ơn thắp sáng cõi tâm linh

Thứ Năm, 10/11/2005, 16:38

Sau hơn 30 năm đất nước hoà bình thống nhất, vẫn còn đó biết bao người vợ tìm chồng, con tìm cha trong vô vàn hy vọng. Và cũng có không ít con người một đời tâm nguyện tìm kiếm di hài liệt sĩ còn nằm lại đâu đó dưới đất quê hương. Ông Ngô Tình, thôn Liêm Công Đông, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), là một trong số những người như vậy  

Đưa ra tập thư của thân nhân liệt sĩ từ khắp mọi miền đất nước gửi về cảm ơn, ông Tình nói với chúng tôi mà như nói với chính mình: "Ngày xưa họ vào đây chiến đấu, ở ngay trong nhà tôi, cùng ăn bát cơm độn sắn, khoai rồi biết bao anh em qua sông Hiền Lương vào Nam chiến đấu và không về nữa... Thân xác họ được đồng đội đưa về an táng trên miền đất ân tình này và ngày tháng trôi qua không thấy thân nhân họ đến tìm. Dẫu biết rằng ở đây các anh luôn được bà con hương khói, nhưng được yên nghỉ tại quê hương bản quán, bên người thân của mình thì người sống cũng như người chết thấy ấm lòng hơn. Tâm niệm điều đó nên bao năm qua tôi đã đi tìm thân nhân cho họ".

Từ một chuyến ngược rừng

Năm 1977, lúc ấy cuộc sống của gia đình ông Tình khốn khó, một mình ông phải quần quật suốt ngày nuôi 6 miệng ăn và chăm sóc ba mẹ bệnh tật. Ông ngược lên mạn rừng Vĩnh Ô (Vĩnh Linh) chặt củi mang về chợ Hồ Xá bán kiếm tiền mua gạo. Trong một lần leo lên Động Chặt để lấy củi, ông thấy hai ngôi mộ liệt sĩ có tên tuổi, quê quán khắc trên tấm gỗ nằm lẻ loi giữa rừng. Đó là các liệt sĩ Phạm Hữu Đắc, quê Lập Thạch, Vĩnh Phú (cũ) và Trương Xuân Lai, quê Nghệ An. Lúc về nhà, ông liền biên thư cho thân nhân của hai liệt sĩ trên. Chưa yên lòng, sợ sau này thất lạc, ông Tình lại ngược rừng lên chỗ cũ để vẽ địa hình. Hơn một tháng sau, gia đình liệt sĩ Phạm Hữu Đắc vào nhờ ông đưa lên rừng tìm mộ. Không chút ngại ngần, ông thu xếp việc nhà để cùng đi với họ. Lên đường từ sáng sớm, cắt rừng, lội suối gần một ngày mới đến nơi. Thấy phần mộ của người thân, họ òa khóc...

Đến những câu chuyện tìm mộ liệt sĩ cảm động

"Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, đa phần hài cốt liệt sỹ đều được xác định danh tính và quy tập vào nghĩa trang. Nhiều năm sau vẫn không thấy người thân các liệt sĩ vào thăm và hương khói. Thấy xót lòng, năm 2000, tôi mò mẫm đến từng nghĩa trang ghi lại danh sách của hơn 300 liệt sĩ có tên tuổi, quê quán. Lúc đầu, tôi liệt kê danh sách 12 liệt sĩ, gửi thử ra Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) để nhắn tìm thân nhân...", ông Tình tâm sự.

Không lâu sau khi gửi danh sách các liệt sĩ ra Đài TNVN, ông Tình nhận được thư hồi âm của chị ruột liệt sĩ Trần Nam Thinh ở tỉnh Bắc Thái. Trong thư gửi ông Tình, chị kể rằng, đang lúc nấu ăn, con gái chị nghe Đài TNVN phát chương trình "Tìm thân nhân liệt sĩ" đã lấy viên than ghi xuống nền nhà tên tuổi, quê quán liệt sĩ và địa chỉ của ông Tình. Thấy trùng khớp với tên họ, quê quán em ruột mình, chị ôm con gái òa khóc. Thế là sau mấy mươi năm gia đình lặn lội tìm kiếm khắp nơi, tưởng chừng vô vọng đến bây giờ chị đã tìm thấy. Chị cùng con gái khăn gói từ Bắc Thái vào Quảng Trị. Ông Tình đưa mẹ con chị đến nghĩa trang xã Vĩnh Tân (Vĩnh Linh) nơi có phần mộ liệt sĩ Trần Nam Thinh. Nhìn tên em mình, chị lặng người trong nước mắt...

Niềm hy vọng tìm thân nhân cho các liệt sĩ từ đó trở nên thôi thúc ông Tình hơn bao giờ hết. Ông tiếp tục gửi danh sách của hàng trăm liệt sĩ còn lại ra Đài TNVN và nhận được rất nhiều thư hồi âm, thư nhờ ông tìm mộ liệt sĩ. Đưa cho chúng tôi xem quyển sổ mà nhiều năm nay ông ghi lại những điều cần thiết cho việc liên hệ với gia đình các liệt sĩ, câu chuyện xác minh danh tính liệt sĩ Trần Lý, quê Can Lộc, Hà Tĩnh chợt trở về trong ông niềm xúc động sâu sắc.

Tối 17/10/2005, ông Trần Văn Châu (anh ruột của liệt sĩ Trần Lý) nghe tên tuổi, quê quán và nơi an táng phần mộ của em mình phát trên Đài TNVN, chương trình "Tìm thân nhân liệt sĩ". Sáng sớm hôm sau, ông cùng con trai chạy xe máy một mạch từ Can Lộc, Hà Tĩnh đến Vĩnh Thành. "Tui tìm được em tui rồi bác ơi.Công ơn bác là trời bể đối với gia đình tui!"- ông Châu nước mắt ròng ròng ôm chặt lấy ông Tình…

Những tháng ngày kỳ công lần tìm thân nhân cho các liệt sĩ, ông Tình không nhớ hết bao lần mình nghẹn ngào cảm động khi họ tìm thấy phần mộ của người thân. Trong số đó có không ít cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng từng ăn ở tại nhà ông và anh dũng hy sinh trong chiến đấu như liệt sĩ Đặng Quang Hỷ, quê Tiền Hải, Thái Bình, an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Vĩnh Tân. Con trai liệt sĩ là Đặng Quang Hưng sau hơn 20 năm đi khắp các nghĩa trang miền Nam tìm cha mà không thấy. Anh cứ ngỡ mãi mãi sẽ không còn cơ hội để thắp một nén hương trước nấm mộ cha mình. Nhưng rồi anh được toại nguyện cũng chính nhờ vào những thông tin mà ông Tình cung cấp qua Đài TNVN...   

Còn đó niềm hy vọng...

Còn ông Tình, sau chiến tranh, ông làm bảo vệ Trường Tiểu học Vĩnh Thành, đồng lương chưa lo đủ cơm áo, nhưng với hành trình mấy mươi năm miệt mài tìm kiếm thân nhân liệt sĩ là niềm vui lớn không gì bằng đối với ông. Sau mỗi giờ tan trường, ông Tình lại lọc cọc chiếc xe đạp cà tàng tìm đến những nghĩa trang trên đất Vĩnh Linh để ghi tên tuổi, địa chỉ quê quán của các liệt sĩ. Tuổi cao sức yếu, có lần ông vấp ngã gãy cả chân….

Trong bức thư đề ngày 14/9 của em Nguyễn Thị Hồng Liên, xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), cháu của liệt sĩ Cao Thế Nghị, sinh năm 1941, quê quán Vân Lôi, Quảng Hải, Quảng Trạch (Quảng Bình) có đoạn viết: Chiều 13/9, cháu nghe chương trình phát sóng danh sách 17 liệt sĩ ở Quảng Bình và Thanh Hóa. Khi nghe một liệt sĩ có tên Nghị, cháu mừng lắm nhưng quê quán thì không trùng với quê quán của cậu cháu bác ạ. Cho nên hôm nay cháu viết thư này đến nhờ bác tìm giúp phần mộ của cậu cháu cho cháu với. Đã nhiều lần cháu gửi thư đến Đài TNVN, Đài cũng đã nhiều lần nhắn tin, nhưng đến nay vẫn biệt vô âm tín. Bây giờ bà ngoại cháu yếu lắm rồi và đêm nào bà cũng khóc, mong mỏi được nhìn thấy hài cốt của cậu cháu vì cậu cháu là con trai duy nhất của bà cháu...".

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều bức thư gửi đến ông Tình nhờ ông giúp đỡ, tìm kiếm phần mộ của người thân. Và sau mỗi lần như vậy, ông lại lọc cọc đạp chiếc xe đạp cà tàng lên đường. Ai biết mộ liệt sĩ hoặc có tên, địa chỉ người thân của liệt sĩ hy sinh tại Quảng Trị xin gọi đến số máy 053823312 (ở Trường Tiểu học Vĩnh Thành); 053823906 để gặp ông Tình

Thanh Bình - Tiến Sĩ
.
.
.