Lối thoát cho các doanh nghiệp đóng tàu?

Thứ Ba, 10/02/2009, 09:20
Từ ngày 1/2, các ngân hàng thương mại triển khai giải ngân các khoản cho vay với mức hỗ trợ lãi suất 4% nằm trong gói kích cầu nhằm giúp các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng duy trì sản xuất, kinh doanh, đồng thời gia tăng thêm việc làm cho người lao động. Đây có thể sẽ là cơ hội cho ngành công nghiệp đóng tàu của Nam Định, xốc lại tinh thần sau một thời gian "mắc cạn giữa dòng".

Tuy nhiên, đến thời điểm này, quanh cảnh đìu hiu, không tiếng máy, tiếng búa vẫn bao trùm tại các xưởng đóng tàu. Ngành công nghiệp từng được hy vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế địa phương vẫn chưa tìm ra được hướng đi sau một thời gian dài đình đốn.

Các xưởng đóng tàu vẫn khó khăn

Những ngày đầu năm 2009, có mặt tại Cụm công nghiệp thuộc tổ 13, thị trấn Xuân Trường, hàng trăm chiếc tàu có trọng tải lớn đang đóng dở vẫn nằm sừng sững phơi sương, phơi nắng từ rất lâu do thiếu vốn. Quang cảnh im lìm, không tiếng máy, tiếng búa tại các xưởng đóng tàu vẫn bao trùm không khác gì so với thời điểm giữa và cuối năm 2008 là lúc ngành công nghiệp đóng tàu nơi đây rơi vào tình trạng bị đình đốn nhất.

Những dãy nhà ở cho công nhân vẫn cửa đóng then cài. Lượng công nhân có mặt làm việc tại đây vào thời điểm đầu năm chỉ còn khoảng 30% so với cuối năm 2008. Trong khi đó vào cuối năm 2008, lượng công nhân ở đây cũng chỉ còn gần 50%. Hàng ngàn công nhân, lao động thời vụ tại địa phương không còn công ăn việc làm.

Chỉ có một vài xưởng của một số công ty là có một số công nhân đang làm việc, nhưng cũng chỉ là hoàn thiện nốt những công đoạn cuối cùng của một số dự án tàu vẫn đang còn dang dở, mà cuối năm 2008 vừa qua mới được giải ngân nhỏ giọt như: Sơn vỏ, lắp ráp các thiết bị nội thất trên tàu…

Tính từ khoảng tháng 6 năm 2008 đến nay, tại tất cả các xưởng đóng tàu trên địa bàn huyện Xuân Trường đã không hề có một dự án tàu mới nào được triển khai, lý do là không có khách hàng đặt, vì không có vốn. Những doanh nghiệp nào chỉ đóng mới và sửa chữa cho khách hàng thì còn cố gắng cầm cự, huy động mọi nguồn lực và còn tồn tại được. Đã từ lâu tại nhiều xưởng chỉ còn lại lực lượng bảo vệ trông coi.

Theo thống kê của Phòng Công thương huyện Xuân Trường, vào thời điểm phát triển rầm rộ, các DN đóng tàu tại địa phương đã sử dụng đến 3.600 lao động làm việc. Đó là chưa kể đến hàng nghìn lao động thời vụ tại chỗ cũng thường xuyên có công ăn việc làm. Tuy nhiên đến nay, nhiều DN gần như đã ngừng hoạt động. Một số thì cũng chỉ đang hoạt động cầm chừng. Ảnh hưởng đến gần 70% lao động.

Có thể vực dậy từ gói kích cầu?

Lác đác các xưởng đóng tàu tại Xuân Trường mới có một vài công nhân làm việc.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đình đốn "mắc cạn giữa dòng" của các DN đóng tàu trên địa bàn huyện Xuân Trường nói riêng, cả tỉnh Nam Định nói chung trong năm 2008 là do ngân hàng không giải ngân, giá nguyên vật liệu tăng cao, mọi chi phí đầu vào đều tăng từ lương công nhân, nhiên liệu, phí bốc dỡ… Hàng hóa khan hiếm dẫn đến việc các chủ tàu chạy lỗ.

Trước doanh thu của một chuyến tàu chở hàng từ Bắc vào Nam là khoảng 450 triệu. Nhưng trong năm 2008 doanh thu đã giảm hơn nửa chỉ còn hơn 200 triệu. Bên cạnh đó, tất cả vốn tự có và tiền vay ngân hàng cho con tàu 1.000 tấn là 6,5 tỷ. Định kỳ 3 năm lên đà sửa chữa 1 lần với chi phí từ 300 đến 500 triệu. Do vậy mà nhiều chủ tàu không muốn chạy. Tình trạng đó dẫn đến nhiều con tàu đặt trên đà không xuống được vì khách hàng không lấy. Những con tàu đang đóng dở đành nằm phơi nắng, gió. Các nhà máy đóng vai trò chủ đầu tư rất ít. Do vậy tất cả phải phụ thuộc vào khách hàng.

Bước sang năm 2009, tình hình đã có vẻ sáng sủa hơn. Ngay từ đầu năm, Nhà máy Đóng tàu Sông Ninh - TKV mặc dù vẫn còn một số dự án tàu nằm đây từ rất lâu và đến nay vẫn chưa thấy chủ tàu có ý kiến gì nhưng cũng đã nhận được một đơn đặt hàng đóng mới. Với giá nguyên vật liệu, xăng dầu ổn định như thời điểm từ đầu năm đến nay chắc chắn các DN đóng tàu sẽ đứng vững được. Giờ cộng thêm việc có chủ trương các ngân hàng giải ngân chắc chắn ngành công nghiệp đóng tàu tại địa phương sẽ có hy vọng phát triển mạnh trở lại.

Quan điểm về việc chủ trương giải ngân cho các DN đóng tàu, ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cho rằng, việc giải ngân được cho các DN hiện nay là rất tốt. Nó sẽ tạo điều kiện cho các DN tận dụng cơ hội thời điểm này giá nguyên vật liệu, chi phí đang ổn định để phát triển, mở rộng sản xuất.

Ông Nguyễn Đức Túy, Giám đốc Công ty cổ phần Nguyễn Phúc cho biết, hiện công ty đang rất khó khăn vì trên bãi trong xưởng của công ty hiện đang có 5 dự án tàu đang đóng dở.

Cuối năm 2008 vừa qua mới có 2 tàu được giải ngân, nhưng với chỉ mức độ nhỏ giọt. Còn 3 tàu nữa (loại 3.200 tấn) không biết chủ dự án có được giải ngân hay không (với xấp xỉ tổng số vốn gần 60 tỷ đồng). Tính đến hết tháng 1 vừa qua, số tiền mà công ty đã vay để đầu tư vào nhà xưởng vẫn phải trả lãi ngân hàng với lãi suất hơn 13%/ năm.

Các chủ tàu chưa được giải ngân nên DN vẫn đang phải tự thân vận động mọi mặt như mua vật tư, trả tiền lãi ngân hàng để anh em công nhân có việc làm. Quan trọng nhất vẫn là DN phải co kéo để lo cho công nhân.

Trong năm 2008, không thể tiếp cận được với ngân hàng nên bước sang năm 2009 cũng không biết có thể tiếp cận được hay không nên không dám tiếp cận. Hiện cả 5 dự án tàu nằm trên bãi DN vẫn chưa nhận được tiền mà tàu đã hoàn thành 90% và đang tiếp tục thi công. Trước những khó khăn như hiện nay, DN đã bắt đầu chuyển công nhân triển khai sang làm nghề mộc, xây dựng để công nhân có việc làm.

Trao đổi với PV Báo CAND, Ông Ngô Doãn Thọ, Phó phòng Công thương huyện Xuân Trường cho biết, hiện Phòng Công thương của huyện cũng mới chỉ biết là có chủ trương giải ngân kích cầu cho các tổ chức, các nhân vay vốn của các ngân hàng thương mại để duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và cũng đã có thông báo từ phía các ngân hàng thôi, chứ cũng không biết cụ thể triển khai như thế nào.    

Trước những chủ trương mới, các DN đóng tàu trên địa bàn tỉnh Nam Định đang hy vọng, nên chăng các ngân hàng thương mại khẩn trương rà soát lại những DN có năng lực thực sự để sớm giải ngân giúp các DN tháo gỡ khó khăn để phát triển, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, việc này cũng cần có sự tham gia của nhiều ngành chức năng để tránh việc sử dụng nguồn vốn trong gói kích cầu không có hiệu qu

Phan Hoạt
.
.
.