Lời thề trên đỉnh núi Ka Tăng

Thứ Sáu, 28/08/2009, 08:31

Bao nhiêu năm quăng quật giữa núi rừng mà không tìm được hướng thoát nghèo cho dân bản, hai người đàn ông rủ nhau lên đỉnh núi thề độc "Trong ba năm tới, nếu đời sống của bà con vẫn cứ cơ cực thì Liêm và Hùng này sẽ bị trời bắt mà chết thê thảm giữa rừng". Lời thề từ tâm khảm đã trở thành động lực lớn thôi thúc hai con người ấy thực hiện bằng được niềm mong ước của mình.

Họ là những già làng, trưởng bản Khe Đá mới, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị). Tâm nguyện và việc làm của họ đã không chỉ vực dậy những cuộc đời cơ cực ở bản làng, mà còn xây dựng nên khu dân cư văn hoá tiêu biểu, kết nối và phát triển tình hữu nghị và đoàn kết với các bản nước bạn Lào ở vùng biên giới.

"Ở đâu có tình yêu thương, ở đó có bình yên và văn hoá"

Vượt hơn 90 cây số từ TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị lên bản Khe Đá mới lúc đứng trưa, tôi gặp được già làng Ăm Liêm khi ông vừa kết thúc cuộc họp, bàn việc giữ gìn, xây dựng khu dân cư sạch về tội phạm. Già làng Ăm Liêm mời tôi về nhà, ông trầm ngâm nhớ lại: "Đời sống của bà con Khe Đá từ năm 2000 trở về trước hết sức khó khăn. Đất đai sản xuất chật hẹp, trong khi phần lớn bị nhiễm bom mìn chưa nổ sót lại sau chiến tranh, kế sinh sống của người dân chẳng khác nào việc con nai, con mang kiếm cái ăn nay đây mai đó giữa núi rừng. Người dân Khe Đá khó có thể quên được hình ảnh 5 người dân bản chết hết sức thương tâm do cuốc đất khai hoang trúng bom mìn.

Năm 2001, già bàn bạc với bà con chuyển nơi ở từ Khe Đá (Lao Bảo) về chân núi Ka Tang, thị trấn Lao Bảo. Những năm đầu, cuộc sống ở đây vẫn cơ cực lắm; không có cái ăn, bà con hay sinh ra những điều không tốt. Trách nhiệm già gánh vác càng nặng nề hơn, vừa lo cho dân bản thoát nghèo, vừa đảm bảo bình yên khu dân cư trong tình trạng an ninh trật tự phức tạp".

Già làng Ăm Liêm và Trưởng bản Khe Đá  mới Hồ Xuân Hùng (trái sang phải), những người đem lại cuộc sống ấm no và bình yên cho bản làng của mình.

- Cách nào đã giúp già vượt qua được khó khăn, xây dựng Khe Đá mới trở thành bản văn hoá tiêu biểu như bây giờ?

"Ở đâu có tình yêu thương, ở đó có bình yên và văn hoá. Già luôn dành hết tình yêu thương của mình cho dân bản; đối với gia đình nghèo khó, vợ chồng hay cãi vã nhau, già bày tỏ niềm thông cảm và khuyên bảo họ; động viên và giúp đỡ họ vượt qua khó khăn. Già luôn lắng nghe để khuyên bảo bà con mỗi khi họ mắc lỗi lầm dù rất nhỏ, nhờ đó họ không mắc lỗi lầm lớn hơn", già nói.

"Mình từng nghèo khó nên biết bà con khó nghèo sẽ như thế nào; mình đã chia sẻ với bà con từ thực tế ấy"

"Không chỉ người dân Khe Đá mà người dân nước bạn Lào ở đối diện vùng biên giới Hướng Hoá đều rất quý trọng già Ăm Liêm. Bao năm qua, già đã bằng tấm lòng chân thật của mình, giữ gìn và phát huy tình hữu nghị, đoàn kết vốn quý báu giữa hai dân tộc anh em", ông Hồ Xuân Hùng, Trưởng bản Khe Đá tâm sự. "Năm ngoái, 3 gia đình ở bản Đông, huyện Sê Pôn, tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt (Lào) muốn nhập cư vào bản Khe Đá mới. Biết chuyện, già Ăm Liêm rủ mình qua bên đó thăm hỏi bà con. Già nói với bà con rằng: Biên giới là chỉ để đảm bảo quản lý dân, chứ không phải chia cắt. Người Lào, người Việt sống bên này, bên kia nhưng đều là một, tấm lòng luôn hướng về nhau. Sau chuyến thăm đó, già đứng ra vận động bà con Khe Đá mới đóng góp 3 tạ gạo, 3 tạ muối, rồi chuyển sang bên đó giúp đỡ những gia đình khó khăn. Người bản Đông cảm phục và biết ơn lắm!", ông Hùng kể.

- Duyên cơ nào mà bao nhiêu năm qua, anh đã cùng với già làng Ăm Liêm tiên phong trong việc xoá đói nghèo, lạc hậu, giữ vững bình yên cho bản làng mình?

"Mình làm trưởng bản 10 năm rồi. Mình đảm nhận việc này cũng vì nặng duyên nợ với già Ăm Liêm đó. Nhà mình cách đây 10 năm, khi đó đang ở bản Khe Đá cũ, đói nghèo lắm; bữa ăn nhìn con nuốt củ mài mà chảy nước mắt. Mình nghèo không phải vì lười lao động mà vì không biết cách lao động ra lúa gạo. Một lần, già đến nhà mình nói chuyện, bàn cách làm ăn. Cách già nói mình không hiểu lắm, nhưng có một sức mạnh nào đó thổi vào người mình, cứ bắt mình suy nghĩ và vận động. Sau nhiều năm khai hoang đất, trồng lúa, hoa màu nhưng thu hoạch thấp, mình và già lại gặp nhau ở cái chí, leo lên đỉnh núi Ka Tăng cao hơn nghìn mét, thề độc rằng trong ba năm tới nếu đời sống của dân bản vẫn cứ cơ cực thì Hùng này và già sẽ bị trời bắt mà chết thê thảm giữa rừng. Lời thề ấy đã trở thành động lực lớn giúp mình và già quyết tâm tìm ra cách làm ăn hiệu quả", ông Hùng trầm ngâm nhớ lại.

- Cách làm đó như thế nào?

"Mình và già phát hiện ra vùng đất ở chân núi Ka Tăng rất thích hợp với cây chuối mật mốc, trong khi những năm gần đây giá chuối này rất cao. Mình và già đã cùng dân bản trồng hàng chục nghìn cây chuối loại này, thu hoạch rất khá, có gia đình trên 20 triệu đồng/năm. Ngoài ra, mình và già hướng dẫn bà con xây dựng trang trại chăn nuôi, chỉ 3 năm lại đây, cả thôn đã nuôi được gần 1 nghìn con trâu, bò… Đời sống của dân bản nay khấm khá lắm rồi, mình mừng lắm!".    

- Người Khe Đá nói rằng, anh luôn chăm lo đời sống cho bà con trước rồi đến gia đình mình sau?

"Điều này không đúng lắm, cái gì mình làm thử nghiệm mà thành công thì dốc hết tâm sức hướng dẫn cho bà con cùng làm. Mình từng nghèo khó nên biết bà con khó nghèo sẽ như thế nào; mình đã chia sẻ với bà con từ thực tế ấy!", ông Hùng bộc bạch

Phan Thanh Bình
.
.
.