Loay hoay xử lý biệt thự bỏ hoang ở Hà Nội

Thứ Năm, 15/09/2011, 16:42
Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó một số giải pháp đã được thực hiện, nhưng đến nay vẫn chưa thể lay chuyển được tình trạng biệt thự bỏ hoang. Các cơ quan quản lý Nhà nước đang tỏ ra loay hoay với bài toán khó này.

"Mốt" sở hữu biệt thự

Khu đô thị mới Linh Đàm do Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) đầu tư xây dựng, dù đã được công nhận là khu đô thị kiểu mẫu cũng vẫn không tránh khỏi tình trạng chắp vá do nhiều ngôi nhà đang bị bỏ hoang. Bản thân chủ đầu tư cũng thừa nhận, khó mà giải quyết được tình trạng này: "Tất cả những căn nhà hoang này đều đã có chủ, nhưng hiện không thể tìm được chủ nhà là ai, ở đâu, bởi tình trạng mua đi bán lại" - đại diện HUD cho biết.

Thống kê mới đây của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), từ việc kiểm tra 16 dự án triển khai từ năm 2006-2007 trên địa bàn Hà Nội thì có tới gần 700 căn hộ, chiếm tỷ lệ gần 35% đang bị bỏ hoang. Đây thực sự là một lãng phí rất lớn.

Về nguyên nhân, đa số các ý kiến cho rằng tình trạng biệt thự bỏ hoang là do nạn đầu cơ, tích trữ đất đai để kiếm lời, hoặc một số người mua biệt thự làm "của để dành", tình trạng mua đi bán lại diễn ra phổ biến. Những người này mua không vì mục đích để ở, họ mua biệt thự chỉ là để đầu cơ, hoặc đơn giản chỉ là cái "mốt" sở hữu bất động sản cao cấp. Tình trạng chung của những ngôi nhà này là chủ sở hữu không sử dụng, cho nên cũng không hoàn thiện và để mặc khu nhà đó "trơ gan cùng tuế nguyệt"(?!)

Một lý do khác là do hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ, đường sá chưa hoàn thiện, thiếu các tiện ích phục vụ cho sinh hoạt, trường học, siêu thị, an ninh kém… cũng là nguyên nhân khiến chủ nhà không muốn dọn về đây ở. 

Bên cạnh đó Bộ Xây dựng cũng chỉ ra một nguyên nhân dẫn tới tình trạng biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang là do cơ cấu nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở chưa hợp lý. ở nhiều dự án, tỷ lệ nhà thấp tầng, biệt thự rất lớn, trong khi chung cư cao tầng quá ít.

Giải pháp nào cho biệt thự bỏ hoang?

Loay hoay - đó là thực tế của các cơ quan khi giải quyết vấn đề biệt thự bỏ hoang. Bộ Xây dựng đã từng kiến nghị Chính phủ giải pháp cấm phân lô bán nền. Tuy nhiên, giải pháp này nhận được nhiều sự phản ứng của các doanh nghiệp, vì nó có thể khiến các dự án đang triển khai đổ vỡ.

Các biệt thự bỏ hoang không chỉ lãng phí mà còn là nơi “chứa chấp” kẻ xấu gây ra những phức tạp về ANTT tại địa phương.

Bộ Tài chính cũng từng kiến nghị các biện pháp mạnh về kinh tế và biện pháp xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, Bộ đã lên tiếng với 3 phương án tính thuế đối với biệt thự bỏ hoang. Cụ thể, với phương án 1 là sau khi xác định biệt thự nào bị bỏ hoang, không sử dụng thì thu thuế theo tỷ lệ tùy thuộc vào thời gian bị bỏ hoang với mức thuế từ 5-10%.

Ở phương án 2, ngày 1/1/2012, khi Luật Sử dụng đất phi nông nghiệp bắt đầu có hiệu lực, có thể căn cứ vào quy định đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định áp dụng mức thuế suất 0,15% tổng giá trị. Cuối cùng, căn cứ vào quy định xử lý vi phạm Luật Đất đai, người nào lấn chiếm đất đai, không sử dụng đất hoặc sử dụng không đúng mục đích sẽ bị xử phạt hành chính.

Phương án đánh thuế này nhận được sự đồng tình của nhiều người nhưng cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về tính pháp lý của nó. Trước đó, ông Phạm Sỹ Liêm cũng từng nêu trên báo chí ý kiến của mình về việc chưa có cơ sở pháp lý thực hiện việc đánh thuế. Giả thiết nếu bắt người ta nộp thuế cho biệt thự bỏ hoang mà người ta không nộp thì cơ quan chức năng cũng không thể tịch thu biệt thự, vì xâm phạm quyền sở hữu cá nhân.

Mới đây, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản gửi các chủ đầu tư dự án nhà ở trên địa bàn, yêu cầu hoàn thiện nhà bỏ hoang với những căn hộ đã có chủ đến hết quý II-2011. Nếu chủ nhân không hoàn thiện sẽ phải bán lại cho chủ đầu tư theo giá bán tại thời điểm ký hợp đồng giữa hai bên. Văn bản này được dư luận rất đồng tình, nhưng đến nay đã hết thời hạn quy định được hai tháng, hầu hết các chủ biệt thự vẫn án binh bất động, trong khi các cơ quan chức năng cũng chưa có biện pháp xử lý. Ngay cả khi nhiều khả năng sẽ bị áp thuế lên đến 10% theo kiến nghị của Bộ Tài chính thì các chủ nhân của các ngôi biệt thự này dường như vẫn "điếc không sợ súng". Có thể thấy, bài toán biệt thự bỏ hoang không phải đơn giản, và liệu các biện pháp hành chính có giải quyết được vấn đề này?

Nguyễn Tuấn - Hoàng Tùng
.
.
.