Loạn… “giám đốc”

Chủ Nhật, 15/05/2005, 07:19
Không ai có thể phủ nhận được những tác động tích cực của Luật Doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế đất nước bằng sự ra đời và hoạt động có hiệu quả của hàng loạt các công ty hữu hạn, công ty cổ phần... Song bên cạnh đó, sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp cũng đã bị một số kẻ lợi dụng để cho ra đời hàng loạt các công ty "vô trách nhiệm vô hạn" với những giám đốc... "cuội", không kinh doanh mà chỉ lừa đảo.

Có phải là chuyện hoang đường khi  một anh thợ xây quanh năm chỉ biết úp mặt vào tường với vôi và vữa, một anh bán thịt lợn chỉ quen với dao và thớt, thậm chí một  người văn hóa chỉ mới hết lớp 6, vậy mà chỉ dưới bàn tay phù phép của một số nguời, tất cả bỗng trở thành... giám đốc. Mà giám đốc công ty hẳn hoi với những cái tên nghe đã thấy trù phú như Tân An, Tân Phú, Phát Đạt... có con dấu đỏ chót đàng hoàng. Xin thưa, đây không phải là chuyện hoang đường mà là chuyện người thật, việc thật và những cú lừa bạc tỉ cũng rất thật. Chuyện này xảy ra ở Thái Bình, xin kể hầu bạn đọc.

Nguyễn Thị Thoa năm nay 43 tuổi, trú tại phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình. Thoa không nghề nghiệp, chồng là cán bộ thuế nhưng ít năm trước đôi vợ chồng này đã từng làm ăn thua lỗ, phải bán cả nhà để trả nợ. Thế mà chỉ vài  năm sau, vợ chồng này đã có một cuộc đổi đời ngoạn mục: Nhà biệt thự 3 tầng kiểu Pháp ở Hải Phòng, phòng tắm 6 cái đủ loại tắm nằm, tắm ngồi, tắm khô, tắm ướt, chồng đi làm bằng xe hơi Toyota, vợ đi chơi bằng xe Zace màu tím. Hàng phố chẳng biết họ làm giàu bằng cách nào nhưng ai cũng phải trầm trồ thừa nhận là họ tài.

 

Chỉ đến khi cặp vợ chồng này bị bắt thì người ta mới vỡ lẽ. Đúng là vợ chồng Thoa tài thật - nhưng không phải là tài kinh doanh mà là tài phù phép biến không thành có để dựng lên hàng loạt công ty ma với những giám đốc "cuội". Theo tài liệu điều tra của Cơ quan điều tra - Công an tỉnh Thái Bình thì chỉ trong thời gian 2 năm từ tháng 9/2000 đến tháng 9/2002, vợ chồng Thoa đã thành lập 34 doanh nghiệp ma ở nhiều tỉnh, thành, gồm 24 doanh nghiệp ở Thái Bình và 11 doanh nghiệp ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Bắc Ninh. Tất cả các doanh nghiệp này đều là Công ty TNHH và đều mang những cái tên nghe rất kêu, như: Hòa An, Kim Long, Trường An, Thái Sơn, Vĩnh Phúc...

 

Sau này, khi bị bắt, Thoa khai rằng, sở dĩ vợ chồng Thoa phải đặt tên kêu như vậy là vì các công ty lập ra là chỉ để bán hóa đơn VAT khống mà khách hàng mua hóa đơn thì mê tín lắm, mỗi người thích một cái tên nên đành phải chiều họ. Thành lập liên tiếp nhiều công ty quá mà mỗi công ty cần phải có một người đứng tên làm giám đốc nên Thoa khai rằng, vợ chồng thị đã phải huy động khá nhiều những con, cháu, họ hàng xa, gần ra làm giám đốc. Mà tiêu chuẩn để Thoa chọn giám đốc nào có khó khăn gì, chỉ cần không tâm thần (nói theo ngôn ngữ của luật là “có năng lực hành vi”), biết nói sõi, biết viết chữ sạch sẽ và có chứng minh thư nhân dân, thế mà nhiều khi vợ chồng Thoa cũng vẫn bí người.

Thế cho nên có đợt Thoa nhờ cả mấy anh chàng thợ xây, bán thịt lợn ở chợ huyện ra làm giám đốc. Ví như Tô Anh Vì, Giám đốc doanh nghiệp Tân Phú vốn là thợ xây, cả đời chỉ biết cầm dao xây với trát chứ có biết kinh doanh gì đâu. Hay như Vũ Đăng Khoa, Giám đốc doanh nghiệp Anh Bình, vốn là tài xế chỉ biết cầm vô lăng.

 

Nhưng khôi hài nhất là Giám đốc Long mà người dân ở chợ huyện ai cũng nhẵn mặt và thường gọi là Long "đồ tể”. Long vốn nghề xẻ thịt lợn đem ra chợ bán chứ có biết công ty với doanh nghiệp là gì đâu. Có trong mơ Long cũng chả bao giờ nghĩ có một ngày được làm giám đốc. Thế mà chỉ cần cho Thoa mượn mỗi cái giấy chứng minh nhân dân mà Thoa dựng được Long lên làm giám đốc doanh nghiệp hẳn hoi.

 

Vợ Long bảo, làm giám đốc rồi mà Long vẫn mổ lợn đem ra chợ bán bình thường như mọi ngày chứ có khác gì đâu. Các tài liệu điều tra của Công an tỉnh Thái Bình cho thấy, tất cả các doanh nghiệp nêu trên đều không hoạt động kinh doanh gì mà chỉ hoạt động mua bán hóa đơn VAT khống. Con dấu của tất cả các doanh nghiệp này đều do một mình Thoa quản lý và sử dụng.

 

Các giám đốc này chỉ có độc một việc là hàng tháng ký các quyển hóa đơn VAT khống của doanh nghiệp mà họ đứng tên rồi sau đó đưa lại cho Thoa và ký các giấy tờ liên quan đến hoạt động kê khai thuế mà thôi. Thậm chí có giám đốc còn không phải ký mà chỉ cho Thoa mượn tên, việc đó đã có Vĩnh - em trai Thoa - sẽ mạo tên người đó để ký chứng từ, hóa đơn. Hàng tháng, Thoa trả cho các giám đốc này mỗi người 1 triệu đồng gọi là tiền công “ký”, còn lợi nhuận thu được từ việc bán hóa đơn VAT khống thì Thoa ăn cả, các giám đốc này không được tơ hào đồng nào.

 

Mà các giám đốc này cũng chả biết gì để mà đòi tơ hào. Với trình độ văn hóa có hạn, họ không hiểu biết gì về luật thuế VAT, càng không biết họ đã bị Thoa lợi dụng như thế nào nên họ hồn nhiên ký, hồn nhiên đồng ý đứng tên doanh nghiệp và hồn nhiên  nhận tiền công. Tất cả mọi việc từ thành lập doanh nghiệp đến xin cấp mã số thuế, mua hóa đơn VAT, nộp tờ khai thuế hàng tháng đều do một mình Thoa đảm nhận tất và cơ quan điều tra đã chứng minh được ở tất cả các khâu này những cán bộ trực tiếp thực thi công vụ của ngành thuế đều được Thoa “bôi trơn” bằng tiền hối lộ. Như thế, sự hồn nhiên của các giám đốc "vịt" và sự  ngậm miệng ăn tiền của một số cán bộ thuế Thái Bình đã tiếp tay cho Nguyễn Thị Thoa để thị dựng lên hàng loạt doanh nghiệp ma và chiếm đoạt của Nhà nước hàng chục tỉ đồng.

Tương tự như vậy, mới đây Tòa án nhân dân Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án một gia đình đã lập ra 6 công ty ma để bán hóa đơn VAT khống. Ông chủ của cái gia đình cả nhà làm giám đốc này là Đoàn Mạnh Cường trú tại ngõ 16 đê Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Để mua bán hóa đơn VAT thu lợi bất chính, Cường đã bàn bạc với các thành viên trong gia đình đứng ra thành lập 6 công ty.

Cường làm Giám đốc Công ty Trung Kiên, vợ Cường làm Giám đốc Công ty Thiên Thanh, hai em trai Cường là Đoàn Đức Hồng làm Giám đốc Công ty Hồng Phương và Đoàn Hồng Hà làm Giám đốc Công ty TNHH điện máy tổng hợp. Cháu vợ Cường là Đặng Bá Tiến làm Giám đốc Công ty TNHH Thanh Xuân. Thậm chí một người em họ vợ Cường đã từng có tiền án về tội buôn bán trái phép các chất ma túy là Phạm Thị Hồng cũng được dựng lên làm Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Vạn Lộc.

 

Sau này khi vụ việc bị phát hiện, không làm giám đốc nữa Hồng lại quay lại nghề cũ và hiện đang  bị Công an tỉnh Hòa Bình tạm  giam vì hành vi buôn bán chất ma túy. Ra tòa, hỏi tất cả các giám đốc này về thủ tục thành lập doanh nghiệp, chức năng nhiệm vụ của giám đốc, tất cả đều câm như hến vì họ đâu có biết, tất cả mọi thủ tục Cường đều thuê một văn phòng luật sư làm giúp. Các giám đốc trong gia đình nhà Cường có độc một nhiệm vụ ký mà thôi.

Các giám đốc “Cuội” và những cú lừa bạc tỉ

Nếu như các giám đốc "vịt" chỉ biết ký và đổi lại họ được nhận một số tiền công ký ít ỏi thì các giám đốc “cuội” lại không chỉ biết ký mà còn biết lợi dụng cái mác “giám đốc” để tiến hành các cú lừa bạc tỉ. Vụ lừa đảo của hai cha con giám đốc Nguyễn Xuân Thắng - Nguyễn Xuân Thủy vừa mới xét xử sơ thẩm tại Hà Nội là một ví dụ. Nguyễn Xuân Thắng từng có hai tiền án và là người không có tài cán gì trong kinh doanh. Khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Văn phòng II, Công ty TNHH Đông Phương có trụ sở tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình thì ngay lập tức Thắng đã lợi dụng cái mác này để lừa đảo, mặc dù Thắng chỉ ngồi ghế giám đốc được có nhõn 7 tháng thì văn phòng này giải thể.

 

Thắng đã đứng ra ký hợp đồng bán cho 19 cán bộ của Công ty Dầu khí do ông Đặng Hữu Túy làm đại diện toàn bộ mặt bằng trụ sở của hai HTX là Hoàng Ngân và Tân Phong ở phường Ô Chợ Dừa để các hộ này làm nhà ở. Sau khi ký hợp đồng, các hộ này đã nộp cho Thắng 150 cây vàng và trên 700 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Giám đốc Thắng và con trai Nguyễn Xuân Thủy - Kế toán trưởng đã sử dụng cá nhân hết. Xác minh tại hai HTX Tân Phong và Hoàng Ngân được biết, hai HTX này không hề có giao dịch mua bán gì với Công ty TNHH Đông Phương và ông Nguyễn Xuân Thủy.

Một giám đốc "cuội" khác là Nguyễn Khắc Bi hiện đang  bị tạm giam về tội lừa đảo trong vụ lừa bán đất ở dự án hồ Ba Giang, quận Đống Đa. Mới học hết lớp 6 không có trình độ chuyên môn gì nhưng Bi vẫn mở Công ty cổ phần đầu tư phát triển kinh tế ở Tân Ấp và leo lên ngồi ghế phó giám đốc để dễ bề lừa đảo. Cái công ty vô trách nhiệm vô hạn này do Nguyễn Đức Lợi trú ở phố Quán Thánh là Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT.

Không chỉ câu kết với một đối tượng là Phạm Đình Bổng lừa đảo bán nhà trên giấy ở dự án hồ Ba Giang, Nguyễn Khắc Bi cùng Lợi còn lừa đảo bán nhà “ảo” ở Khu đô thị mới Nam Thăng Long. Dù chẳng có căn hộ nào trong dự án này và cũng không được chủ đầu tư dự án ủy quyền nhưng Lợi, Bi và đồng bọn vẫn giới thiệu với những người có nhu cầu rằng, công ty của chúng có 20 suất nhà biệt thự trong dự án Nam Thăng Long. Người nào muốn mua phải đặt cọc 5.000 USD/suất và phải chịu tiền chênh lệch mỗi suất 30 nghìn USD. Tin tưởng vào những lời đường mật của chúng, 40 khách hàng đã đặt  mua biệt thự thuộc dự án Nam Thăng Long thông qua Lợi – Bi và nộp tiền đặt cọc cho chúng 200 nghìn USD.

Còn nhớ cách đây không lâu, tôi đã có lần tiếp xúc với một nữ giám đốc lừa khi thị đang bị tạm giam tại Trại giam của Công an Hà Nội. Đó là một người đàn bà gầy gò, đen đúa, mắt hơi xếch - nhan sắc dưới mức trung bình nhưng miệng lưỡi thì dẻo quẹo  khó ai sánh bằng. Tôi đã phải cố nín cười và kiên nhẫn nghe thị khoác lác hàng giờ đồng hồ về khả năng của thị trong việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

 

Miệng lưỡi thị trơn tru đến nỗi cứ nghe thị nói suông thì sẽ dễ lầm tưởng người đàn bà này có thể giống như một “Nữ Oa đội đá vá trời”. Thị là Nguyễn Thị Kim Phượng, biệt danh Phượng "lừa", sinh năm 1947, trú tại ngõ Trung Phụng, quận Đống Đa. Chả thế mà mặc dù đã có 2 tiền án về các tội trộm cắp và làm hàng giả thế mà Phượng vẫn ký hợp đồng mua hàng của rất nhiều doanh nghiệp từ Bắc vào Nam để sau đó nhận hàng rồi "bùng" luôn. Với tội này, năm 1990 Phượng tiếp tục bị Tòa án NDTP Hà Nội xử phạt 15 năm tù giam.

Tháng 8/1998, sau khi được đặc xá tha tù trước thời hạn, Phượng về nhà và không ai có thể ngờ được rằng chỉ hai năm sau Phượng "lừa" bỗng dưng được ngồi tót lên cái ghế giám đốc của cái công ty do chính thị lập ra có tên gọi rất nhân văn là Công ty TNHH Hướng nghiệp hỗ trợ nhân đạo. Công ty này đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với các ngành nghề: buôn bán tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng, sản xuất gia công giày dép. Có giấy phép đăng ký kinh doanh trong tay Phượng "lừa" thoắt biến thành bà giám đốc đầy quyền uy như ai.

 

Thị sắm điện thoại di động, ăn mặc sang trọng như bà chủ và in hàng ngàn tấm danh thiếp in tên  thị rõ lớn với chức danh cũng rõ to: Tổng giám đốc. Và, cũng với cái mác uy quyền này, rất nhiều người lao động ngoại tỉnh cả tin đã nghe theo những lời đường mật của Phượng mà bán cả nhà cửa, trâu bò đem tiền đến cho Phượng để hy vọng được Phượng cho đi  nước ngoài làm việc. Phượng đã thu tiền của hàng trăm người lao động ở nhiều tỉnh và chiếm đoạt của họ hàng trăm nghìn USD. Chỉ đến khi Nguyễn Thị Kim Phượng bị Công an Hà Nội bắt giam thì những người này mới biết hóa ra bà Tổng giám đốc là một... vua lừa siêu hạng.

Ngần ấy gương mặt giám đốc "lừa" mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Với sự bung ra của các loại công ty hữu hạn, cổ phần như hiện nay, công ty làm ăn hiệu quả cũng lắm và công ty ma cũng rất nhiều, và sẽ còn nữa những giám đốc "cuội", giám đốc "vịt" và những cú lừa bạc tỉ nếu công tác quản lý hoạt động các doanh nghiệp của các cơ quan chức năng không thực sự chặt chẽ. Và, rốt cuộc thì người phải hứng chịu sự thiệt hại không ai khác chính là Nhà nước và người lao động

Đặng Huyền
.
.
.