Loạn... "xe hộ đê"

Thứ Ba, 17/10/2006, 07:52
Từ nhiều năm nay, ông Đặng Quang Tính - Cục trưởng Cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều, Bộ NN&PTNT, đã ký cấp đến cả ngàn lượt biển phù hiệu "xe hộ đê" và "kiểm tra đê" cho các loại phương tiện mà chủ yếu là xe con, xe du lịch từ 4 đến 7 chỗ trên phạm vi toàn quốc.

Chưa đầy một giờ đồng hồ có mặt tại Trạm thu phí quốc lộ 5 ở Hưng Yên, chúng tôi chứng kiến hàng trăm xe ôtô mang mác "xe hộ đê", "xe kiểm tra đê" đi qua. Hàng ngày, cùng với sự cấp phát "loạn xà ngầu" của Cục Phòng chống lụt bão và Bảo vệ đê điều, Bộ NN&PTNT, không biết có bao nhiêu xe đang lợi dụng chế độ đãi ngộ đặc biệt và nhạy cảm này...

Quyết định số 731/QĐ/BNN-PCLB ngày 18/3/2002 của Bộ NN&PTNT ban hành quy định về việc cấp biển cho phép xe cơ giới đi trên đê và xe làm nhiệm vụ khẩn cấp về chống lụt bão: Biển phù hiệu "xe kiểm tra đê" được cấp cho thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão (BCĐPCLB) Trung ương, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (BCHPCLB) tỉnh, thành phố, quận, huyện có đê; xe của các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm tra đê, đôn đốc, chỉ đạo, quản lý, tu bổ đê điều và phòng chống lụt bão theo quyết định phân công của cấp có thẩm quyền.

Biển phù hiệu "xe hộ đê" được cấp cho các phương tiện vận chuyển thiết bị, vật tư, nhân lực phục vụ công tác cứu hộ đê và xe của cán bộ lãnh đạo chủ chốt thuộc BCĐPCLB tỉnh, thành phố và Văn phòng thường trực BCĐPCLB Trung ương và Văn phòng BCHPCLB tỉnh, thành phố...

Thẩm quyền cấp các loại biển này được quy định: Cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều - Bộ NN&PTNT cấp phù hiệu "xe hộ đê", "xe kiểm tra đê" và xe làm nhiệm vụ khẩn cấp về chống lụt bão trên phạm vi toàn quốc. BCHPCLB của tỉnh, thành phố xét và cấp phù hiệu "xe hộ đê", "xe kiểm tra đê" và xe làm nhiệm vụ khẩn cấp về chống lụt bão trên địa bàn tỉnh, thành phố theo thẩm quyền. Khi cấp phải ghi rõ biển số xe, ngày tháng cấp và thời gian được sử dụng.

Đối chiếu với quy định nêu trên, ngoại trừ các xe được huy động chở vật tư, thiết bị và những người đi làm nhiệm vụ cứu hộ đê thì chỉ có 24 thành viên của BCĐPCLB Trung ương được cấp biển xe đi làm nhiệm vụ kiểm tra đê và hộ đê.

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, ông Đặng Quang Tính - Cục trưởng Cục PCLB và Quản lý đê điều, Bộ NN&PTNT, đã ký cấp đến cả ngàn lượt biển phù hiệu "xe hộ đê" và "kiểm tra đê" cho các loại phương tiện mà chủ yếu là xe con, xe du lịch từ 4 đến 7 chỗ trên phạm vi toàn quốc.

Riêng năm 2006, tính từ đầu năm đến nay, phù hiệu "xe hộ đê", "xe kiểm tra đê" được cấp ra đã lên đến con số 204 biển. Trong số này có đến phân nửa là các phương tiện đăng ký tên của cá nhân, doanh nghiệp và có cả những biển số xe của người nước ngoài.

Cục PCLB và Quản lý đê điều mới cấp ra 204 các loại biển này thì riêng BCHPCLB của TP Hải Phòng cũng đã cấp ra đến tổng cộng 246 biển xe hộ đê, BCHPCLB tỉnh Hải Dương trên 100 chiếc... Đây chỉ là những con số mà phóng viên Báo CAND thu thập được trong quá trình điều tra ở một số địa phương.

Để trả lời các thắc mắc nêu trên, chúng tôi đã liên lạc với ông Đặng Quang Tính nhưng điện thoại di động của ông Tính luôn chỉ đổ một tiếng chuông rồi báo bận, gọi điện thoại bàn làm việc cũng không nhấc máy. Ngay cả khi nhờ đến một vị lãnh đạo trong Bộ NN&PTNT gọi giúp thì không thể liên lạc với ông Tính được.

May mắn thay, lần thứ hai đến thẳng Cục này, phóng viên đã được Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Nguyễn Minh Thông tiếp. Ông Thông sau khi đưa ra các số liệu cấp phát biển "xe hộ đê", "xe kiểm tra đê" và "xe được phép đi trên đê" cũng đã thừa nhận các hạn chế của Quyết định 731/QĐ/BNN-PCLB ban hành năm 2003. Dựa trên những quy định chung chung này, những người có thẩm quyền cấp phát biển loại này tha hồ mà "ban phát".

Chẳng hạn, biển "xe hộ đê" có giá trị trong vòng 1 năm, nhưng trong quy định lại không nói khi nào thì xe có biển này được đeo biển và được hưởng ưu tiên. Như thế, đương nhiên bất kỳ khi nào người ta cũng có thể đeo biển này để giành lợi thế cho mình.

Một đồng chí là thành viên BCĐPCLB TW cho rằng, tất cả các xe ôtô của các đồng chí lãnh đạo nằm trong danh sách thành viên Ban PCLB TW khi lưu thông bình thường không bao giờ sử dụng quyền ưu tiên này. Thế nhưng, các xe được cấp phát khác, nhất là các xe mang "biển số trắng" (biển kiểm soát dành cho khối dân sự - PV) thì lại luôn gắn mác "hộ đê" mà số lượng xe loại này thì đang ngày một nhiều thêm.

Theo chúng tôi, đến lúc này không chỉ đơn thuần là nghiên cứu sửa đổi quy định cấp phát biển "xe hộ đê" nữa. Bản thân ông Thông cũng cho rằng đã nhận được yêu cầu của cấp trên để nghiên cứu sửa đổi nhưng trong năm nay thì vẫn chưa làm xong được. Ở một giới hạn cần thiết, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để làm rõ hành vi trục lợi của những người được giao thẩm quyền cấp phát loại biển đặc biệt này.

Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Người nào vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân thì bị coi là phạm tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ

Ngọc Tước
.
.
.