Lò gạch biến "bờ xôi, ruộng mật" thành ao sâu, hố trũng

Thứ Năm, 23/10/2008, 09:31
6 năm nay, 60 chiếc lò gạch thủ công ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội) liên tục là những điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Không những thế, để có nguyên liệu sản xuất gạch, hầu như toàn bộ khu đất bãi phù sa màu mỡ của xã Tráng Việt bị đào xới, băm nát. Điều đáng nói là tiếp tay cho những lò gạch này khai thác đất trái phép lại chính là chính quyền xã.

UBND xã tự ý cho phép khai thác đất bừa bãi

Theo những người dân tại xã Tráng Việt, việc cho thuê đất bãi để đốt lò gạch rộ lên trên địa bàn huyện Mê Linh, đặc biệt tại 2 xã Văn Khê và Hoàng Kim từ năm 2002.

Trước tình trạng đất bãi bị khai thác làm gạch bừa bãi, năm 2005, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Thông báo số 1338 chỉ đạo chấm dứt việc khai thác đất, cát bãi bồi ở 2 xã Văn Khê và Hoàng Kim.

Tuy nhiên, do kinh doanh gạch trong những năm gần đây có lãi lớn nên hầu như các chủ lò gạch không những không chấm dứt hoạt động mà còn phát triển rộng sang các xã Tiến Thịnh và Tráng Việt.

Ông Nguyễn Văn Xô, thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt cho biết, xã có khoảng 150-200ha đất bãi phù sa. Trước khi bị "cướp" đất làm gạch, bà con trong xã thường trồng hoa màu tại khu đất này.

Điều đáng ngạc nhiên là cùng trong năm 2005, khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc có chỉ đạo chấm dứt việc khai thác đất, cát bãi bồi làm gạch thì UBND xã Tráng Việt lại có tờ trình gửi UBND huyện Mê Linh đề nghị cho ông Trần Văn Tháp, ở xóm 8, xã Tráng Việt thuê 160.198m2 đất thuộc khu Bãi Non, thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt để sản xuất gạch ngói. Trong điều khoản cho thuê đã được UBND huyện Mê Linh đồng ý cho ông Trần Văn Tháp ghi rõ thời hạn khai thác 1 năm, độ sâu khai thác cho phép 2m.

Tiếp đó, không hiểu vì lý do gì, ngày 14/10/2005, UBND xã Tráng Việt lại có bản hợp đồng kinh tế với ông Trần Văn Tháp cũng về việc thuê đất trên. Song, một số điều khoản đã được UBND xã tự ý thay đổi so với QĐ 1527 của UBND huyện Mê Linh, gia tăng thời hạn thuê đất từ 1 năm lên 5 năm, độ sâu khai thác cho phép từ 2m lên 5m.

Qua 3 năm khai thác sử dụng, với 37 lò gạch của riêng cá nhân ông Tháp, ngoài việc đào bới trực tiếp đất bãi để làm nguyên vật liệu, chất thải rắn từ các lò gạch cũng được đổ tại chỗ, việc kinh doanh sản xuất gạch ngói ở đây còn mắc một loạt các sai phạm như đào quá sâu so với quy định cho phép, khai thác quá diện tích cho phép khoảng 9.000m2.

Hậu quả của việc khai thác trái phép này là từ một bãi đất được phù sa bồi đắp màu mỡ, khu Bãi Non đã bị đào bới, băm nát, chỗ thì thành ao hồ, chỗ thì lổn nhổn toàn gạch ngói vụn, không thể trồng trọt được nữa.

Nếu theo đúng Quyết định 1527 của UBND huyện Mê Linh thì đến năm 2006, hoạt động của những lò gạch này sẽ hết hợp đồng và giao trả lại đất cho UBND xã. Nhưng do UBND xã đã trót ký hợp đồng sai quy định kéo dài thời hạn hợp đồng thành 5 năm, cộng với quá trình khai thác bừa bãi đã khiến đất bãi trở thành sâu hoắm những ao hồ, không thể sử dụng được nữa.

Ngoài trường hợp ông Trần Văn Tháp, UBND xã Tráng Việt còn liên tiếp tự ý ký quyết định cho một loạt các chủ thầu khác xây dựng lò gạch trên khu đất bãi: thôn Đông Cao hiện có 20 lò, thôn Đẹp Thôn có 3 lò.

Tại thôn Đẹp Thôn, UBND xã đã tự ý quyết định gia hạn thêm thời gian 4 năm cho ông Nguyễn Như Tình thuê 4.700m2 đất bãi. Từ 4.700m2 đất được phép khai thác, ông Tình đã khai thác lấn chiếm khoảng 10.000m2, gấp hơn 2 lần so với quy định. Những chiếc lò gạch ngày đêm nhả khói hủy hoại môi trường, đất sản xuất trở thành ao sâu, hố trũng. Người dân xã Tráng Việt đã nhiều lần làm đơn kiến nghị nhưng chính quyền xã vẫn làm ngơ.

Vẫn cho lò gạch tiếp tục hoạt động để xóa nghèo cho địa phương?!

Theo cách lý giải của ông Trần Văn Đảm, Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt, lý do để UBND xã tự ý thay đổi lại thời hạn cho thuê lên 5 năm và độ sâu khai thác là 5m là để lấy thêm tiền tu bổ di tích đền thờ nữ tướng Ả Lợi Minh Vương nằm trên địa bàn thôn Tráng Việt đã bị xuống cấp trầm trọng và cần số vốn tu bổ gần 1 tỷ đồng, trong khi đó, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ hỗ trợ 50 triệu đồng, còn lại địa phương tự lo.

Chính vì để có đủ số tiền tu bổ di tích này, UBND xã đã quyết định nâng thời gian thầu, và thêm độ sâu khai thác. Ông Đảm đã thừa nhận, sau 5 năm các lò gạch đào khoét khai thác đất thì khu đất bãi đã quá nát, khó có thể sử dụng tiếp được.

"Chúng tôi biết việc cho phép các lò gạch hoạt động như vậy là sai phạm, là phá hoại tài nguyên đất đai nhưng vì đã trót ký cho họ thuê rồi biết làm thế nào, biết là lợi bất cập hại nhưng vẫn phải chấp nhận", ông Đảm trình bày.

Khó hiểu hơn, dù đã biết các lò gạch trên hoạt động sai phép nhưng UBND xã Tráng Việt vẫn không đình chỉ hoạt động dù đã có các công văn nhắc nhở của huyện Mê Linh trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua. Việc làm thiếu trách nhiệm, đồng lõa cho các chủ lò gạch khai thác trái phép đất của UBND xã Tráng Việt đã rõ ràng.

Người dân xã Tráng Việt và dư luận nói chung đang chờ những động thái tiếp theo từ phía UBND huyện Mê Linh. Cũng cần làm rõ trách nhiệm của những cá nhân lãnh đạo UBND xã Tráng Việt vì những hành vi sai phạm trên

N. Yến - An. Nhi
.
.
.